“Bầu” Quyết mua CLB Ngoại hạng Anh: Cú ra tay táo bạo?
Liệu có một ngày trên các kênh sóng của các hãng thể thao hàng đầu thế giới xướng tên một CLB Ngoại hạng Anh kèm với trận đấu trên sân ... Bamboo?
Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Thanh Niên, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bất ngờ đề cập đến ý định mua lại một đội bóng tại Ngoại Hạng Anh, giải bóng đá hàng đầu thế giới thời điểm hiện tại.
Ông Quyết cho rằng: "Tôi mong muốn Bamboo sẽ là thương hiệu quốc tế, toàn cầu để khi người ta nhắc đến Bamboo Airways sẽ biết ngay là hãng hàng không của Việt Nam. Việc mua một đội bóng Anh là một phần trong kế hoạch này. Chúng tôi đã bắt đầu quá trình xem xét, tiếp xúc để đặt vấn đề, với mục tiêu cụ thể là sở hữu đa số cổ phần của một câu lạc bộ bóng đá tại giải Ngoại hạng Anh, thông qua một số kênh liên lạc”.
Mặc dù mọi thứ mới chỉ dừng lại ở mức độ xem xét và tiếp xúc đặt vấn đề, nhưng cũng có thể việc sở hữu một đội bóng ở Ngoại hạng Anh đã nằm trong toan tính của ông Quyết.
Xu hướng mua lại CLB Ngoại hạng Anh
Có thể nói, giải Ngoại hạng Anh hiện tại đang đứng đầu trong các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Nơi này, các chủ sở hữu nước ngoài bơm tiền vào các câu lạc bộ, kết hợp với doanh thu bom tấn từ các hợp đồng phát sóng và quảng cáo, đã mang lại sự thay đổi nhanh chóng trong nền kinh tế trò chơi.
Chủ tịch Roman Abramovich của CLB Chelsea.
Việc các tỷ phú trên thế giới sở hữu các đội bóng ở Ngoại hạng Anh đã không còn xa lạ. Kể từ khi Roman Abramovich mua lại Chelsea vào năm 2003, đó là sự khởi đầu của kỷ nguyên chứng kiến sự chuyển mình nhanh chóng của đội bóng phía bắc London. Quan trọng hơn, tỷ phú người Nga là khởi đầu của một xu hướng đã làm thay đổi cả Premier League và bóng đá toàn cầu.
Trong cùng năm đó, Malcolm Glazer đã mua 2,9% cổ phần của Manchester United với giá 4,7 triệu USD, con số này đã tăng lên 30% vào cuối năm. Năm tiếp theo, John Magnier và JP McManus, những người sở hữu 28,7% cổ phần ở Manchester United, cũng bán lại cho nhà Glazer. Sau một thời gian, nhà Glazer đã tiếp quản hoàn toàn Manchester United cho đến hiện tại.
Gần đây nhất, một nhóm nhà đầu tư trong đó có quỹ đầu tư công của Ả Rập Xê Út (PIF) đã mua lại 100% cổ phần của câu lạc bộ Newcastle United. Thương vụ có giá trị khoảng 305 triệu USD.
Bao nhiêu CLB Ngoại hạng Anh có chủ sở hữu nước ngoài?
Ngoài những tỷ phú đầu tiên đang sở hữu những “ông lớn” của giải Ngoại hạng trong thập kỷ vừa qua như Chelsea hay là Manchester United, hiện tại người ta đang chứng kiến nhiều câu lạc bộ tại Premier League có chủ sở hữu nước ngoài.
Tỷ phú người Mỹ Randy Lerner tiếp quản Aston Villa vào năm 2006 với giá 62,6 triệu bảng Anh và tự mình làm chủ tịch câu lạc bộ, thay Doug Ellis. Sau đó ông bán Aston Villa cho tỷ phú Ai Cập Nassef Sawiris và doanh nhân người Mỹ Wesley Robert Edens.
Hàng loạt CLB tại giải Ngoại hạng Anh đã sang tên đổi chủ trong những năm qua.
Tiếp đó là ông trùm thể thao người Mỹ Stan Kroenke đã mua 9,9% cổ phần của Arsenal vào năm 2007 và vẫn đang dần dần xây dựng cổ phần của mình. Doanh nhân Hong Kong Carson Yeung, người sở hữu tập đoàn Grandtop mua lại Birmingham City vào năm 2009, “gã khổng lồ” gia cầm Ấn Độ Venky's tiếp quản Blackburn Rovers vào năm 2010, doanh nhân người Mỹ Ellis Short nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Sunderland vào năm 2009.
Gần đây là doanh nhân người Ý Andrea Radrizzani, chủ sở hữu của Tập đoàn Aser, là cổ đông chính của Leeds. Gia tộc Srivaddhanaprabha của Thái Lan cũng sở hữu Leicester City. Doanh nhân Trung Quốc Jisheng Gao thông qua St Mary's Football Group sở hữu Southampton, và doanh nhân Ý Gino Pozzo là cổ đông duy nhất của Watford.
Chưa hết, các tập đoàn với các tài phiệt đứng sau cũng sở hữu nhiều CLB tại Anh. Tập đoàn Fenway Sports, đứng đầu là doanh nhân người Mỹ John W Henry, tiếp quản Liverpool với giá 300 triệu bảng Anh (480,8 triệu USD) vào năm 2010. Tập đoàn Trung Quốc Fosun International sở hữu Wolverhampton Wanderers, ALK Capital có trụ sở tại Mỹ có phần lớn cổ phần tại Burnley.
Nhìn lại danh sách có thể thấy một loạt dài những CLB tại Ngoại hạng đang nằm trong tay các tỷ phú nước ngoài, vậy nên việc ông Quyết lên kế hoạch mua lại và sở hữu đa số cổ phần của một CLB có lẽ cũng không phải là việc không thể.
Song, kinh doanh bóng đá không phải là “trò chơi”…
Sự bền vững về tài chính và doanh thu tăng vọt từ bản quyền truyền thông trong những năm qua đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến các CLB Ngoại hạng Anh. Bên cạnh mục tiêu kiếm lời từ đầu tư, triển vọng có được uy tín và hình ảnh trước công chúng, cũng như tiềm lực về khả năng quảng cáo, xây dựng thương hiệu đi kèm với việc mua lại một câu lạc bộ bóng đá đang là tâm điểm thu hút nhiều doanh nhân.
Tony Fernandes, chủ tịch của hãng hàng không Malaysia, AirAsia.
Nhưng, lợi nhuận chưa chắc đã là nguồn cảm hứng duy nhất. Như Tony Fernandes, chủ tịch của hãng hàng không Malaysia, AirAsia đồng thời cũng là chủ tịch của Queens Park Rangers, một đội bóng đang chơi ở giải hạng nhất của Anh đã từng nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi có thể kiểm soát hầu hết mọi thứ trong AirAsia. Nhưng, trong bóng đá thì khó đấy”.
Simon Jordan, người đã đầu tư 10 triệu bảng vào Crystal Palace, sau đó đã viết trong cuốn tự truyện của mình rằng ông đã mất một nửa trong số 75 triệu bảng tài sản của mình cho bóng đá. "Nếu bạn có tham vọng trong bóng đá thì đó là điều nguy hiểm bởi vì tham vọng sẽ thúc đẩy bạn đưa ra những quyết định mà về mặt thương mại, có thể không thực hiện trong bất kỳ doanh nghiệp nào khác”, Simon Jordan từng nói.
Theo một đánh giá thường niên của Deloitte về Tài chính bóng đá năm 2021 cho biết, “thị trường bóng đá kết hợp ở châu Âu đã giảm 13% trong năm 2019/20 do doanh thu tổng thể giảm 3,7 tỷ euro (3,4 tỷ bảng) xuống còn 25,2 tỷ euro (22,1 tỷ bảng), mức giảm doanh thu đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008/09”.
Bên cạnh đó, doanh thu của các câu lạc bộ Premier League đã giảm 13%, từ mức kỷ lục 5,2 tỷ bảng trong mùa giải 2018/19 xuống còn 4,5 tỷ bảng trong năm 2019/20. Trong khi, các câu lạc bộ Premier League đã chi trung bình 107% thu nhập cho tiền lương gần đây.
Vậy nên, nếu chỉ thuần túy mong chờ vào lợi nhuận phát sinh từ việc kinh doanh bóng đá, có lẽ sẽ là điều khó khăn.
Toan tính của ông chủ FLC
Nhưng, trong toan tính của ông chủ FLC, việc chăm chút cho thương hiệu hàng không Bamboo có thể mới là cái đích nhắm tới, như ông đã chia sẻ: “Về đường bay thẳng Anh, chúng tôi đã có gói combo vé máy bay, nghỉ dưỡng, chơi golf, sắp tới rất có thể sẽ là những sản phẩm đặc biệt kết hợp bóng đá với hàng không, cụ thể là thiết kế những tour đặc biệt kết hợp thăm nước Anh và xem các trận đấu hấp dẫn tại giải ngoại hạng dành cho hành khách trong thời gian tới”.
Ông Trịnh Văn Quyết từng chi hàng trăm tỷ đồng cho FLC Thanh Hoá.
Rõ ràng là từ câu trả lời của ông Quyết, “tour đặc biệt xem giải Ngoại hạng” tới việc “sở hữu một CLB Ngoại hạng Anh” là một khoảng cách rất xa. Nhưng, có lẽ đó là cái đích, và đã nằm trong toan tính của ông chủ FLC?
Ở giải Ngoại hạng Anh, người ta hay nói về cách mà các đội bóng thi đấu trên sân nhà. Asenal với sân Emirates, Manchester City gặp đối thủ trên sân Etihad. Cả hai đều là các hãng hàng không, giống như Bamboo vậy. Liệu có một ngày trên các kênh sóng của các hãng thể thao hàng đầu châu Âu xướng tên một CLB Ngoại hạng Anh kèm với trận đấu trên sân Bamboo?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận