menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Thủy Tiên

“Bắt tay” với THACO có giúp Hùng Vương tìm lại ánh hào quang?

Sau giai đoạn liên tục phải “bán con” trả nợ, Hùng Vương kỳ vọng việc hợp tác với THACO có thể đem lại hiệu ứng tích cực cả về hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính và kết quả kinh doanh.

“Vua cá tra” một thời với những thương vụ M&A đình đám

CTCP Hùng Vương (mã HVG) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003 với số vốn vỏn vẹn 32 tỷ đồng. Sau 17 năm hoạt động, vốn điều lệ của Hùng Vương đã tăng 73 lần lên mức 2.270 tỷ đồng. Việc tăng vốn thần tốc này chủ yếu phục vụ tham vọng xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, từ nuôi trồng, chế biến và phân phối thủy sản thông qua hàng loạt thương vụ M&A đình đám.

Qua từng năm, Hùng Vương đã tiến hành sở hữu cổ phiếu Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), Thực phẩm Sao Ta (FMC), Thủy sản Tắc Vân (TFC), Russian Fish… để tăng tỷ lệ kiểm soát lên lần lượt hơn 51% vốn; đồng thời thành lập thêm 2 công ty con khác là Hùng Vương Sông Đốc và Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre.

Tính đến 31/12/2015, Hùng Vương đã thiết lập được mô hình chuỗi cung ứng gồm 22 công ty con và liên kết lớn nhỏ khác nhau với mối quan hệ sở hữu “dây mơ rễ má”, tạo nên một mạng lưới phức tạp trong toàn Tập đoàn.

Tuy nhiên, khủng hoảng toàn ngành thủy sản bắt đầu manh nha và bùng phát vào đầu năm 2016 khiến hàng loạt đại gia thủy sản báo lỗ nghìn tỷ, thậm chí đi đến bờ vực phá sản đã khiến Hùng Vương bắt đầu lao đao.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng này xuất phát từ thực trạng nuôi trồng manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân cũng như việc chính quyền chưa có quy hoạch cụ thể cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt cá tra nói riêng. Kết quả đến tháng 2/2016, giá nguyên liệu cá tra xuống thấp nhất trong vòng 5 năm khiến nhiều nông dân bỏ đầm vì thua lỗ, doanh nghiệp cũng đau đầu không kém.

Trước cơn khủng hoảng này, kế hoạch vay nợ để chạy đua M&A của Hùng Vương đứng trước nguy cơ bị đổ bể do khó khăn từ việc huy động nguồn vốn vay ngân hàng do nghi vấn sử dụng dư nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn.

Thực tế, dư nợ vay của Hùng Vương cũng tăng trưởng chóng mặt qua các năm, đặc biệt là nợ vay ngắn hạn thường xuyên chiếm tỷ trọng trên 60% tổng nợ phải trả. Thậm chí có thời điểm, Hùng Vương còn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn vượt hơn tài sản ngắn hạn trong cùng kỳ.

“Bắt tay” với THACO có giúp Hùng Vương tìm lại ánh hào quang?

Gánh nặng nợ vay cùng cú sốc POR14 kéo tụt lợi nhuận

Qua từng năm, gánh nặng nợ vay của Hùng Vương ngày càng ảnh hưởng rõ rệt lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.

Ngay cả trong giai đoạn liên tục mở rộng quy mô (2009-2017) với doanh thu tăng trưởng chóng mặt, lợi nhuận của Hùng Vương vẫn gần như dậm chân tại chỗ, thậm chí có thời điểm đi lùi. Biên lợi nhuận cũng theo đó bị thu hẹp đáng kể từ mức 9% những năm 2009 về chỉ còn 1% tính đến cuối năm 2015, đi cùng với đó là mức dư nợ vay tăng dần qua các năm.

Từ năm 2016, mặc dù liên tục cắt bỏ công ty con, dự án cũng như các mảng kinh doanh để thu hẹp hoạt động về lĩnh vực trọng điểm, Hùng Vương vẫn đối mặt với bài toán cân đối tài chính, áp lực nợ vay cao trong bối cảnh chờ giãn nợ từ ngân hàng. Kết quả kinh doanh cũng theo đó sụt giảm mạnh qua từng năm.

“Bắt tay” với THACO có giúp Hùng Vương tìm lại ánh hào quang?

Đến năm tài chính 2019, doanh thu hợp nhất của Hùng Vương giảm gần một nửa so với niên độ trước, xuống còn hơn 4.106 tỷ đồng. Gánh nặng giá vốn, chi phí khiến Hùng Vương ghi nhận lỗ 1.123 tỷ đồng năm 2019, trong khi năm trước đó vẫn lãi 16 tỷ đồng. Lỗ thuộc cổ đông công ty mẹ lên đến 1.075 tỷ sau kiểm toán, dẫn đến tổng lỗ luỹ kế tính đến ngày 30/9/2019 lên đến 1.489 tỷ đồng.

Trong năm qua, Hùng Vương đã phải đối mặt với cú sốc mang tên “POR 14”. Cụ thể, vào đầu tháng 9/2018, Công ty nhận mức thuế sơ bộ tại kỳ đánh giá lại thứ 14 về thuế Chống bán phá giá (POR14) tại DOC (Bộ Thương mại Hoa Kỳ) là 0. Tuy nhiên, đến tháng 4/2019 khi có kết quả chính thức thì Hùng Vương bị áp thuế cao nhất tại Việt Nam với 3,87 USD/kg. Mức thuế này ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất khẩu vào Hoa Kỳ - thị trường chiến lược 2019 của Hùng Vương.

Ngoài ra, thị trường cá nguyên liệu trong nước tới chu kỳ thoái trào sau 2 năm tăng trưởng nóng là 2017-2018. Giá cá tra nguyên liệu tháng 2/2019 ở mức 34.000 đồng/kg đã giảm mạnh còn khoảng 19.000 đồng/kg vào tháng 9/2019. Việc này dẫn đến giá xuất khẩu giảm mạnh trong khi giá hàng tồn kho nguyên liệu bình quân ở mức cao.

Hy vọng trở lại sau cái “bắt tay” với Thaco

Trong cơn khủng hoảng với những khó khăn bủa vây cả về mặt hoạt động lẫn tài chính, Hùng Vương bất ngờ tìm thấy “phao cứu sinh” từ THACO.

Theo nội dung hợp tác chiến lược được ký giữa 2 bên vào ngày 9/1/2020, THADI – Công ty con vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng của THACO sẽ sở hữu 35% vốn HVG và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa Hùng Vương và THADI nhằm phát triển mảng sản xuất heo giống. Tính đến nay, THADI đã sở hữu 24,28% vốn Hùng Vương, ứng với 53,9 triệu cổ phiếu.

Theo đó, THADI sẽ đầu tư 65% vào liên doanh hoạt động trong mảng sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con trong năm 2020 với tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng, được triển khai tại An Giang và Bình Định. Đồng thời, THADI cũng đầu tư chăn nuôi heo thịt theo tiêu chuẩn thực hành của cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) với quy mô 1.200.000 con/năm, nhằm cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng cho xuất khẩu và thị trường trong nước

Ngoài ra, nhằm giải quyết vấn đề cấp bách hiện thời là thiếu hụt vốn, Hùng Vương còn lên kế hoạch huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ với khối lượng 20 triệu cổ phiếu, đối tượng là THACO và các bên liên quan. Giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền thu về 200 tỷ đồng, được dùng để bổ sung vốn lưu động cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra mới đây, Hùng Vương đã lên kế hoạch thay đổi niên độ tài chính bắt đầu từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2020. Với việc hợp tác cùng THACO, Hùng Vương bất ngờ đặt mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2020 với doanh thu dự kiến 11.562 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Song song, Công ty dự nghiên cứu tìm cách phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho kỳ đánh giá mới POR15-16, tiếp tục mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Việc kế hoạch kinh doanh được điều chỉnh giảm so với kế hoạch ban đầu một phần xuất phát từ ảnh hưởng khó lường của dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp. Nói vấn đề này, ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch HĐQT cho biết, với 30-40% kim ngạch được xuất khẩu sang Trung Quốc, các doanh nghiệp thuỷ sản ĐBSCL đã "đứng hình" trong 3 tháng nay trước diễn biến dịch Covid-19. Năng lực chế biến theo đó giảm đến 50%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại