Bất ổn xăng dầu: Bộ Công Thương 'bơ' ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, từ lúc xảy ra bất ổn xăng dầu chưa từng được Bộ Công Thương tham vấn ý kiến. Tháng 10 vừa qua, hiệp hội có báo cáo kiến nghị tháo gỡ khó khăn gửi Bộ trưởng Công Thương, nhưng tới nay chưa được hồi đáp.
Theo báo cáo “Rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương và đề xuất, kiến nghị” mới công bố của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhiều quy định trong kinh doanh xăng dầu đang làm khó doanh nghiệp, cần điều chỉnh.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM - cho biết, qua rà soát, nhiều quy định có thể làm tăng chi phí vô lý cho doanh nghiệp, đồng thời chưa rõ căn cứ áp dụng.
Những quy định bất cập đang nằm rải rác trong các lĩnh vực pha chế xăng dầu, thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu, và thương nhân phân phối xăng dầu. Ví dụ như thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế, bảo đảm tiếp nhận được tàu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn; thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu, thuê sử dụng từ 5 năm trở lên.
Tuy quy định cho phép thuê/đồng sở hữu đã linh hoạt hơn, nhưng theo ông Dương, đầu tư xây dựng cầu cảng chuyên dụng rất khó khăn, tốn kém. Việc quy định trọng tải tối thiểu 7.000 tấn cũng chưa rõ căn cứ xác định.
Quy định thương nhân xuất nhập khẩu phải có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ; tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý hệ thống phân phối, cũng được chỉ ra là bất hợp lý. Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho rằng, việc áp dụng quy định này nhưng chưa có giải trình hợp lý.
Với nhóm phân phối xăng dầu, quy định có kho, bể dung tích tối thiểu 2.000m3 bị phản ánh là gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, trong khi không phản ánh được dự trữ xăng dầu thực tế của thương nhân. Hay như quy định thương nhân phân phối phải có hệ thống cửa hàng trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên... cũng bị doanh nghiệp phản đối.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch Chi hội xăng dầu, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, con số này chưa nói lên điều gì. Bởi một cây xăng ở thành phố lớn như Hà Nội, lượng tiêu thụ trong ngày có thể bằng ở tỉnh bán cả tháng.
Bà Hường nêu loạt quy định vô lý, bất cập khác đang làm khó doanh nghiệp, như: Cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được bán lẻ xăng dầu, không được bán buôn; sơn chống cháy tại cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo cháy 3 tiếng không chảy; cửa hàng phải cách ngã ba, ngã tư trên 50m, trong khi thế giới không như vậy…
Một quy định khác cũng khiến doanh nghiệp lúng túng là, yêu cầu phải có đề án bảo vệ môi trường được lập và được UBND quận/huyện phê duyệt. Bà Hường cho biết, trước kia, các cửa hàng từng phải chi 50 triệu đồng làm hồ sơ đề án, nhưng sau đó cảm thấy vô lý, đã phản ánh tới cơ quan chức năng.
Để có được giấy phép kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phải vượt qua rất nhiều thủ tục, đáp ứng tất cả quy định hiện hành. “Giấy phép quý hơn sổ đỏ. Vì thế, doanh nghiệp rất sợ bị thu. Vừa qua, các doanh nghiệp buộc phải bán hàng dù thua lỗ, vì Tổng cục Quản lý thị trường xuống kiểm tra, ra mệnh lệnh hành chính: Không bán là thu giấy phép”, bà Hương giãi bày.
Bà Hường cho biết, hiện cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó có khoảng 13.000 đơn vị thuộc các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, tiếng nói của các doanh nghiệp này chưa được chú ý, dù chiếm khoảng 60% thị phần bán lẻ.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, từ lúc xảy ra bất ổn xăng dầu chưa từng được Bộ Công Thương tham vấn ý kiến. Tháng 10 vừa qua, hiệp hội có báo cáo kiến nghị tháo gỡ khó khăn gửi Bộ trưởng Công Thương, nhưng tới nay chưa được hồi đáp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận