Bất ngờ vốn tỉ USD từ Đài Loan
Bên cạnh việc đầu tư trực tiếp, dòng vốn từ Đài Loan đang được bơm mạnh hơn cho các công ty chứng khoán và mua gom cổ phiếu trên thị trường.
Công ty Chứng khoán SSI tiếp tục gọi thành công khoản vay tín chấp nước ngoài với hạn mức lên tới 100 triệu USD, tương đương 2.300 tỉ đồng từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan. Dẫn dắt khoản vay lần này là Ngân hàng Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd (Fubon).
Dẫn dắt các thương vụ vay tín chấp lớn
Đây là lần thứ 2 UBOT dẫn dắt khoản vay cho SSI. Trước đó, UBOT dẫn dắt nhóm 9 ngân hàng thu xếp khoản vay tín chấp 85 triệu USD (tương đương gần 2.000 tỉ đồng) cho SSI. Đây là lần thứ 3 SSI gọi vốn tín chấp từ các ngân hàng Đài Loan. Năm 2019, SSI vay 55 triệu USD (tương đương 1.270 tỉ đồng) từ Ngân hàng Sinopac.
Đây là thương vụ vay tín chấp đầu tiên trong nhóm các công ty chứng khoán trên thị trường, mở ra một hình thức vay vốn nước ngoài, tuy phổ biến trên thế giới, nhưng còn khá lạ lẫm tại Việt Nam lúc bấy giờ. Sở hữu nhiều lợi thế, vay tín chấp nước ngoài dần được công ty chứng khoán coi là một cách bổ sung nguồn vốn hiệu quả. Đáng chú ý, hầu hết các khoản vay tín chấp trên thị trường hiện nay đều được thu xếp bởi các định chế tài chính của Đài Loan.
Năm 2020, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng có được khoản vay tín chấp trị giá 40 triệu USD từ nhóm các định chế tài chính nước ngoài, đứng đầu là Ngân hàng Sinopac. Đầu năm 2021, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã ký hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 44 triệu USD với nhóm 7 định chế tài chính Đài Loan, đứng đầu là First Commercial Bank (FCB).
Trong tháng 3 và 4/2021, VietinBank Securities cũng huy động được 90 triệu USD từ các ngân hàng Đài Loan và Hàn Quốc. Hay Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng vay thêm 459 tỉ đồng (khoảng 20 triệu USD) từ Taishin International Bank.
Không chỉ đẩy mạnh cho vay tín chấp, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) từ Đài Loan còn tích cực giải ngân trên thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài rút ròng khoảng 2,3 tỉ USD trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, dòng vốn từ Đài Loan đã trở thành lực đẩy chính. Lượng vốn huy động từ các quỹ đầu tư mở mới từ Đài Loan và giải ngân vào Việt Nam đến nay đã đạt hơn 1 tỉ USD.
Giữa tháng 4 năm nay, trong đợt IPO, tân binh Fubon FTSE Vietnam ETF đã huy động được 10 tỉ Tân Đài tệ (8.261 tỉ đồng). Kể từ cuối tháng 6, quỹ này tiếp tục huy động được tiền mới và giải ngân vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 7, quy mô của quỹ này đạt gần 13.000 tỉ đồng, trở thành quỹ ETF giải ngân mạnh nhất vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhờ hoạt động giải ngân từ Fubon FTSE Vietnam ETF, dòng vốn ngoại vào Việt Nam đã đảo chiều trong tháng 7 sau nhiều tháng bị bán ròng liên tiếp.
Tháng 9/2020, CTBC Vietnam Equity Fund là quỹ đầu tiên cho phép nhà đầu tư Đài Loan có thể rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam và đã ra mắt với cam kết ban đầu là 160 triệu USD. Quy mô của quỹ này tăng nhanh chóng sau đó, đạt tương đương 10.337 tỉ đồng tính đến cuối tháng 6.
“Món ngon” cho các ngân hàng
Dữ liệu từ các nhà đầu tư cho thấy, Đài Loan đang là điểm sáng hút vốn của khu vực châu Á. Thị trường vốn của Đài Loan đang trên đà trở thành “cửa ngõ” cho dòng vốn rót vào các nền kinh tế châu Á khác. Trong đó, Việt Nam trở thành thị trường quan trọng thứ 4 của nhà đầu tư Đài Loan. Nhiều doanh nghiệp nước này đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam; riêng trong năm 2021, sẽ đầu tư tới 2 tỉ USD, tập trung vào các dự án trong lĩnh vực điện tử.
Điển hình, Tập đoàn Pegatron (Đài Loan) đang đẩy nhanh hơn kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, Cơ quan Kinh tế Đài Loan cấp phép cho Pegatron đầu tư thêm 100 triệu USD vào Việt Nam. Sau khi đầu tư 2 dự án tại Hải Phòng, với 19 triệu USD và 481 triệu USD, Pegatron đã công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam, để nâng tổng vốn đầu tư lên 1 tỉ USD.
Tập đoàn này còn lên kế hoạch đưa các hoạt động R&D từ Trung Quốc sang Việt Nam vào đúng thời điểm dự án Pegatron thứ 3 đi vào hoạt động, khoảng giai đoạn 2025-2026. Việc mở rộng đầu tư của Pegatron cùng với Foxconn, Luxshare, Goertek, Wistron... khiến các ngân hàng nhìn thấy nhiều “món ngon”. Do đó, họ đang chạy đua tiếp cận và mở rộng ở thị trường này. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, các ngân hàng của Đài Loan đến Việt Nam theo làn sóng các doanh nghiệp đầu tư, nhưng chủ yếu mở chi nhánh tại TP.HCM để phục vụ hàng ngàn nhà máy của Đài Loan đầu tư tại các tỉnh phía Nam.
Tính đến nay, với hơn 10 ngân hàng có mặt, các ngân hàng của Đài Loan đã đứng đầu về số lượng chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng của nước ngoài tại Việt Nam. Lý giải việc nhiều lần vay tín chấp từ các định chế tài chính của Đài Loan, bà Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng đầu tư của SSI, cho rằng, các ngân hàng Đài Loan đang rất ưa thích thị trường Việt Nam. Ngoài những ngân hàng đã chính thức hiện diện, nhiều ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch mở chi nhánh ở Việt Nam.
“Dòng vốn từ Đài Loan vẫn là một trong những kênh vốn tích cực cho các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, mục tiêu huy động vốn ngoại của SSI sẽ đa dạng hơn, không riêng các ngân hàng Đài Loan”, bà Ngọc Anh cho biết.
Cùng quan điểm trên, các chuyên gia đều nhận định, trong khi tốc độ giải ngân của các quỹ đến từ Mỹ, Đức chưa thể tăng mạnh trở lại như giai đoạn 2012-2014 do lãi suất của họ tiếp tục rẻ, các quỹ ETF từ khu vực Đông Bắc Á sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch rót vốn vào Việt Nam. Trong đó, quỹ từ Đài Loan Fubon FTSE Vietnam ETF sẽ trở thành quỹ lớn nhất. Nhìn vào tốc độ giải ngân gom hàng của quỹ này có thể thấy bức tranh đã rõ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận