Bất động sản xanh sẽ thu hút đầu tư
Vốn đầu tư tự có, vốn vay ngân hàng và cả vốn huy động từ người mua sẽ gia tăng cho phát triển các sản phẩm bất động sản nhà ở đáp ứng nhu cầu “đô thị trong đô thị” hay “bất động sản tích hợp” môi trường sống xanh, lành mạnh và những khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, nhằm đáp ứng nhu cầu chất lượng sống ngày càng cao hơn của người dân, cũng như từ yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong quản lý Nhà nước.
Năm 2022 có nhiều chỉ báo lạc quan ở cả yếu tố vĩ mô và vi mô. Theo đó, bốn yếu tố được nhắc tới làm điểm tựa để thị trường bất động sản phát triển: Thứ nhất, kinh tế vĩ mô trong năm tới dự kiến tăng trưởng và phục hồi ở mức 6 - 6,5% và lạm phát vẫn được kiểm soát tốt. Thứ hai, việc thu hút đầu tư bao gồm cả đầu tư nhân và đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng.
Thứ ba môi trường pháp lý sẽ hoàn thiện hơn trong thời gian tới tạo ra những đột phá cũng như tháo gỡ những rào cản. Cuối cùng là trong và sau dịch bệnh, bản thân các chủ đầu tư và người dân đã có những thay đổi về hành vi, lối sống và nhu cầu đầu tư.
Điểm sáng đầu tư
Giao dịch trong những tháng cuối năm có xu hướng tăng lên, dù tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Quý 4/2021, lượng giao dịch căn hộ tại Hà Nội đạt 10.900 căn, tại TP.HCM, số lượng căn tiêu thụ đạt gần 9.000 căn tức cao hơn số lượng căn chào bán mới là 7.400 căn. Hơn nữa, đa số nguồn cung mới trong 2021 đều thuộc phân khúc trung cấp trở lên.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 31 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực bất động sản đạt 2,6 tỷ USD chiếm 9%. Có thể nói, đây là lĩnh vực nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước trong giai đoạn qua, từ đầu tư trực tiếp, sở hữu căn hộ hoặc mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường của CBRE Việt Nam cho biết, bất động sản sẽ vẫn là kênh đầu tư nhiều tiềm năng trong 2022, chủ yếu nhờ vào trợ lực mạnh mẽ từ yếu tố cơ sở hạ tầng và dòng vốn đầu tư không ngừng gia tăng ở lĩnh vực này. Hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng và đây là yếu tố then chốt giúp định hình thị trường bất động sản trong giai đoạn tới. Các thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đang được tích cực triển khai giúp tăng cường kết nối thuận tiện giữa các địa phương, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho các khu vực đô thị vệ tinh cũng như thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Bất động sản công nghiệp khá sôi động ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng và sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm 2022. Với doanh nghiệp, việc tăng số lượng kho và điểm phân phối sẽ có thể giảm đáng kể phí tổn vận tải, do vậy hỗ trợ nguồn cầu cho thị trường kho bãi cũng chính là yếu tố khiến thị trường bất động sản thêm phần sôi động.
Cùng chung quan điểm, ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, bất động sản công nghiệp năm 2021 vẫn duy trì sự sôi động và là phân khúc sáng nhất so với các phân khúc khác trên thị trường và nhiều khả năng phân khúc này sẽ tiếp tục tỏa sáng trong năm 2022. Sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết đã làm gia tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên cả nước. Các khu công nghiệp mới đã được quy hoạch hoặc xây dựng trên khắp các tỉnh thành Bắc, Trung, Nam để đáp ứng nhu cầu này dẫn đến thị trường bất động sản công nghiệp “bùng nổ” trong thời gian qua bất chấp dịch bệnh. Bên cạnh đó, các dịch vụ nhà xưởng, kho bãi cũng hứa hẹn tiềm năng lớn với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, mảng dịch vụ hậu cần, logistics.
Nhiều trợ lực thúc đẩy thị trường
Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn một số điểm cần khắc phục để tăng tính cạnh tranh so với các thị trường trong khu vực như hệ thống cơ sở hạ tầng, chi phí logistics hay một số thủ tục hành chính. Nếu các vấn đề này được giải quyết, thị trường Việt Nam sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư lớn.
TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường bất động sản đang và sẽ tiếp tục nhận được nhiều động lực phát triển mới từ một loạt nhân tố như sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, cơ cấu cung - cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản.
Đến nay, nhiều “nút thắt” đã và đang được tháo gỡ, quy trình quản lý rút gọn và minh bạch giúp thị trường vận hành thông suốt và linh hoạt hơn, nhất là những quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, về điều kiện bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình… Đặc biệt về nguồn vốn, thị trường bất động sản nhận được nhiều tin vui, tích cực cả về tổng cung và chi phí tài chính từ chủ trương của Chính phủ cân đối thêm nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho bốn ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam và khả năng phục hồi kinh tế sẽ là những xung lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản phát triển. Xuất khẩu tăng do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký kết, hoạt động du lịch sẽ ấm dần và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng dần được phép vào Việt Nam. Đồng thời, các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô, chính sách tài chính được điều chỉnh linh hoạt… sẽ góp phần thúc đẩy và tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản tăng nhiệt. Thời gian tới, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh bởi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bất động sản mới lập đã sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam.
Năm 2022 sẽ là thời điểm chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực gồm quỹ đất, cơ sở hạ tầng... để thu hút các nhà đầu tư khi dịch bệnh được kiểm soát. Nguồn vốn này đang và sẽ tiếp tục tăng cho các dự án bất động sản nhà ở vừa túi tiền sẽ được phát triển mạnh mẽ và tiếp tục là phân khúc chủ đạo vì đáp ứng được nhu cầu thực của người dân. Vốn đầu tư tự có, vốn vay ngân hàng và cả vốn huy động từ người mua cũng sẽ gia tăng cho phát triển các sản phẩm bất động sản nhà ở đáp ứng nhu cầu “đô thị trong đô thị” hay “bất động sản tích hợp” môi trường sống xanh, lành mạnh và những khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, nhằm đáp ứng nhu cầu chất lượng sống ngày càng cao hơn của người dân, cũng như từ yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong quản lý Nhà nước. Điều này sẽ giúp định hướng phát triển bền vững ngành xây dựng, thị trường bất động sản trong năm 2022 và cả trong trung, dài hạn.
Bà Nguyễn Hương - CEO Đại Phúc Land:
Thời kỳ căng thẳng nhất đã tạm qua đi
Quý 4/2021, khi TP. HCM trở lại với “bình thường mới”, các chủ đầu tư tích cực “bung” hàng, mở bán để tăng tốc tìm kiếm nguồn thu bù lại cho khoảng thời gian bị ngưng trệ do giãn cách xã hội. Thị trường hồi phục mạnh vào tháng 11, 12/2021 khi tâm lý đã ổn định trở lại và việc di chuyển giữa các tỉnh, thành phía Nam thuận lợi hơn. Cuối năm bao giờ cũng là thời điểm thị trường bất động sản sôi động nhất và đặc biệt là khi nhu cầu bị nén lại sau một thời gian dài, mọi hoạt động ngưng trệ.
Như vậy, có thể nói, giai đoạn khủng hoảng do dịch bệnh, thời kỳ căng thẳng nhất đã tạm thời qua đi. Hiện nay độ phủ vắc-xin tại TP.HCM đã tương đối ổn và trong thời gian tới sẽ tiếp tục phủ sóng rộng khắp các tỉnh thành cả nước. Đây chính là yếu tố giúp bức tranh bất động sản năm 2022 lạc quan hơn.
Cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh mục tiêu kinh tế - xã hội theo chiều hướng tích cực, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển và thúc đẩy việc đầu tư kinh doanh các dự án. Kịch bản phát triển của thị trường bất động sản sẽ phụ thuộc phần lớn vào động thái kích hoạt nền kinh tế trong tình huống tiếp tục thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Trong tình hình hiện nay, dịch bệnh dù được kiểm soát nhưng vẫn còn rất phức tạp và yêu cầu các doanh nghiệp tự tin nhưng vẫn phải thận trọng. Doanh nghiệp bất động sản cần các giải pháp ứng phó với dịch bệnh mang tính chủ động và ổn định, hạn chế tối đa việc đóng - mở các hoạt động kinh tế một cách đột ngột, gây ra sự xáo trộn và tổn thất cho các bên.
Ông Nhữ Mạnh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trần Anh Group:
Biết chọn đúng “điểm rơi”
“Trong cái rủi có cái may”, câu này có thể đúng với nhiều doanh nghiệp nói chung và Trần Anh Group nói riêng. Trong năm 2021, doanh nghiệp đã mất hoàn toàn 1,2 quý không hoạt động vì dịch Covid bùng phát nặng nề. Thế nhưng, sau thời gian giãn cách, sản phẩm bất động sản của công ty lại trở thành dòng sản phẩm được ưa chuộng. Đa phần nhà phố và biệt thự của Trần Anh Group được xây dựng sẵn và quy hoạch đồng bộ từ hệ thống đường, điện đến không gian nhà ở, đặc biệt là không gian xanh đáp ứng nhu cầu được sống ở những nơi trong lành, ở ngay mà không cần chờ đợi. Chính vì vậy các sản phẩm này đã trở thành tâm điểm được đón nhận của thị trường. Công ty cũng ghi nhận sức mua tăng khá mạnh mẽ.
Thời gian tới, việc tìm kiếm bất động sản ven sông tại TP.HCM và khu vực lân cận thành phố sẽ ngày càng khó hơn. Do đó, đây là thời điểm cho những nhà đầu tư có tầm nhìn đầu tư vừa để có nơi ở chất lượng vừa gia tăng tài sản kép. Đơn cử, nếu cách đây khoảng 10 năm để sở hữu một bất động sản ven sông khu vực lân cận TP.HCM giá khoảng 2 tỷ đồng. Trung bình ba năm gần đây giá trị đã tăng 50% tức khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Nhìn toàn cảnh thị trường, khi doanh nghiệp biết chọn đúng “điểm rơi” vẫn có thể gặt hái thành quả dù bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, nhất là phân khúc nhà phố tại vùng ven dự báo sẽ được săn đón nhiều trong năm 2022. Thời gian tới đích ngắm của các nhà đầu tư sẽ là các tỉnh lân cận gần TP.HCM ở phía Nam như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và xa hơn một chút là Bảo Lộc… bởi giá cả phù hợp, giao thông thuận lợi và hiện nay bất động sản vẫn được xác định là kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn.
Bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Kim Oanh:
Doanh nghiệp cần xây dựng lại hướng đi, kế hoạch
Hiện tình hình dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, tuy nhiên khó khăn vẫn còn đó. Nhưng cũng chính trong những thời điểm khó khăn nhất, mỗi doanh nghiệp cần có sự định hướng riêng và xây dựng lại hướng đi, kế hoạch. Cần dừng lại xem doanh nghiệp mình cần làm gì, thay đổi gì cho phù hợp. Đối với Kim Oanh, đầu tiên chính là nhanh chóng bắt tay vào hoàn thiện các dự án, công trình còn dang dở, gián đoạn bởi dịch bệnh. Quan trọng nhất vẫn là xây dựng uy tín, thương hiệu dù trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, bởi nếu không có uy tín sẽ không phát triển bền vững được.
Thực tế "trong nguy có cơ", những lúc thị trường khó khăn cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại mình, xây dựng lại kế hoạch và củng cố hoạt động. Riêng đối với doanh nghiệp bất động sản, chất lượng sản phẩm vẫn là ưu tiên hàng đầu; thứ hai là giá cả hợp lý và có nhiều phân khúc đáp ứng nhu cầu của người mua ở và cả đầu tư; thứ ba là pháp lý phải minh bạch, rõ ràng. Ngoài ra, cần hướng đến môi trường sống phải tốt hơn, xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh và doanh nghiệp phải hướng tới mục tiêu vì cộng đồng. Đồng thời trong xu thế hội nhập, doanh nghiệp bất động sản cần ứng dụng công nghệ mới trong kinh doanh và biết tận dụng kênh truyền thông uy tín để đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng.
Về pháp lý, doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn còn gặp rất nhiều vướng mắc, dẫn đến khó khăn về nguồn cung ra thị trường. Nếu những điểm nghẽn sớm được tháo gỡ, thị trường sẽ sớm được vực dậy, tạo động lực cho doanh nghiệp bất động sản tham gia đóng góp cho nền kinh tế địa phương và trung ương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận