Bất động sản TP.HCM nở rộ sau chu kỳ trầm lắng
Những tín hiệu tích cực đang hiện hữu trên thị trường bất động sản TP.HCM sẽ là đà phục hồi cho thị trường trong thời gian tới. Mặt khác, những thách thức như nguồn cung hạn chế, giá cả có thể tăng cao ở một số phân khúc vẫn hiện hữu, do đó cần có chính sách hỗ trợ phù hợp và sự phát triển của nền kinh tế, thị trường bất động sản khu vực này.
DOANH THU BẤT ĐỘNG SẢN TĂNG 6,1%
Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 123.887 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Vào năm 2023, tăng trưởng của ngành này là âm 6,38%. Tuy nhiên, đến năm 2024, kinh doanh bất động sản đã tăng trưởng dương trở lại, từ mức tăng 2,51% trong quý 1/2024 đã nâng lên 2,94% trong quý 2/2024.
Nửa đầu năm 2024, thị trường bất động sản TP.HCM có doanh thu ổn định, mức tăng trưởng dù thấp nhưng quý sau bắt đầu cao hơn quý trước. Theo đánh giá của Cục Thống kê TP.HCM, nguồn thu bất động sản tăng nhờ thị trường bất động sản đã bước qua thời kỳ trầm lắng khi các chính sách có liên quan phát huy được hiệu quả, lãi suất cho vay giảm, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp tăng lên.
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM không có dự án bất động sản mới nào được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, song một số dự án mới đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Cùng với các dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, một số dự án cũng bắt đầu tái khởi động sau khi được tháo gỡ vướng mắc.
Đối với tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, trong 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã thực hiện cấp 3.396 giấy chứng nhận lần đầu (3.391 giấy chứng nhận cho cá nhân, 5 giấy chứng nhận cho tổ chức); đăng ký biến động 178.680 giấy chứng nhận cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố (đối với tổ chức là 2.736 giấy chứng nhận; đối với cá nhân là 175.944 giấy chứng nhận).
Tín hiệu khởi sắc đã hiện hữu tại thị trường bất động sản TP.HCM tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó. Chia sẻ tại phiên họp thường kỳ UBND TP.HCM mới đây, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trong quý 2/2024 đã tháo gỡ 2/7 dự án thương mại, còn lại 5 dự án sẽ cố gắng giải quyết trong quý 3.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, thị trường bất động sản dù đã có chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều vướng mắc. Việc tháo gỡ các vướng mắc trong một số dự án vẫn còn chậm, chưa triệt để, do chưa có chủ trương từ Trung ương, Chính phủ hoặc nhận thức khác nhau về vận dụng pháp luật chuyên ngành.
Trong 6 tháng cuối năm, TP.HCM sẽ chuẩn bị nhanh nhất các nguồn lực để thực thi các luật mới liên quan bất động sản vừa được Quốc hội thông qua, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở ngành liên quan rà soát các vấn đề liên quan thẩm quyền để đề xuất giải quyết ngay, đảm bảo TP.HCM không bị động hay vướng trách nhiệm pháp lý khi các luật đi vào hiệu lực từ ngày 1/8 tới.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung phân nhóm, giải quyết các kiến nghị. Nhóm 1: Ưu tiên, tập trung tháo gỡ đối với thủ tục đầu tư; Nhóm 2, 3: Theo dõi việc thực hiện và tiếp tục xử lý khi có Kết luận/Bản án có hiệu lực pháp luật; Nhóm 4: Chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án; Nhóm 5: Nhóm đặc thù về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
DƯ NỢ TÍN DỤNG TĂNG TRƯỞNG DƯƠNG
Cùng với sự tăng trưởng từ doanh thu, dự nợ tín dụng bất động sản tại TP.HCM cũng duy trì mức dương trong thời gian qua. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, tín dụng bất động sản trên địa bàn TPHCM đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Trong đó, tín dụng bất động sản để phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp; văn phòng cho thuê tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng và tăng trưởng cao nhất so với lĩnh vực khác.
Cụ thể, tháng 3 tăng 0,96%, tháng 4 tăng 1,15% và tháng 5 tăng trưởng 1,15%. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại thành phố đạt 992.800 tỷ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm ngoái.
Trong đó, cho vay với mục đích mua nhà để ở vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 68% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP.HCM, tín dụng nhà ở tăng trưởng trở lại trong khi các tháng trước đó tăng trưởng âm.
Về tín dụng bất động sản để phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp văn phòng cho thuê tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng cao nhất so với lĩnh vực khác. Điển hình, tín dụng khu chế xuất, khu công nghiệp tăng 9,47% và tín dụng văn phòng, cao ốc tăng 11,2% so với cuối năm 2023.
Mặc dù, tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực này thấp so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản, dù vậy ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản sẽ có tác động tích cực và hiệu ứng đến những ngành, lĩnh vực khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.
Ông Lệnh chia sẻ thêm, những yếu tố thuận lợi về cơ chế chính sách như: Lãi suất thấp, khả năng đáp ứng tốt nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng; đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội; Luật Đất đai; Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành sớm, cùng với những hành động cụ thể thông qua hoạt động của các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Nội dung này cũng được đề cập trong báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh quý 2/2024 được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) gửi tới UBND TP.HCM mới đây, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có những tín hiệu tích cực khi Quốc hội đã thông qua 3 Luật sửa đổi liên quan đến thị trường bất động sản.
Việc thực thi các Luật mới này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, pháp lý cho doanh nghiệp và khuyến khích sử dụng tài nguyên đất hiệu quả hơn.
Đồng thời, việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ xóa bỏ tình trạng hai giá, làm cơ sở hợp lý cho việc thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, xác định giá bất động sản, tính toán chi phí – hiệu quả đầu tư dự án...
Huba kiến nghị thành phố nhanh chóng triển khai 3 Luật trên, tạo điều kiện cho thị trường hồi phục nhanh chóng, tháo gỡ các ách tắc, giải phóng sức sản xuất và tạo việc làm cho doanh nghiệp.
Những chuyển biến tích cực trên, sẽ là cơ sở, yếu tố thúc đẩy để thị trường bất động sản duy trì những điểm tích cực, tạo điều kiện để phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận