Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Chuyên gia cho rằng, bất động sản và đầu tư công sẽ là 2 nhóm cổ phiếu tiềm năng trong năm 2025, khi hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng phục hồi kinh tế và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Chiều 10/3, Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Triển vọng thị trường chứng khoán 2025 - Sức bật từ kỳ vọng mới".
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dự báo, tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ đạt 8% cho kịch bản cơ sở (năm 2024 đạt 7,09%), cao hơn so với mức trung bình thế giới và khu vực nhờ các động lực chủ yếu đến từ bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng hồi phục 9-10%, xuất khẩu tăng trưởng 8-10%, FDI thực hiện tăng mạnh 10-12%.
Ngoài ra, sự hồi phục của đầu tư tư nhân, sự tăng trưởng của kiều hối, đẩy mạnh quy hoạch đầu tư công cũng góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam tăng tốc trong năm 2025. Với nền tảng kinh tế tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá trong tầm kiểm soát, lãi suất duy trì ở mức thấp tạo tiền đề cho thị trường chứng khoán duy trì đà tăng.
TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý về những rủi ro thách thức chính đối với nền kinh tế Việt Nam như: Căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thưởng mại; đầu tư tư nhân và tiêu dùng chưa về mức trước dịch COVID-19; rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn và thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục chậm.
Các chuyên gia chia sẻ tại buổi hội thảo. Ảnh: VFS.
Nhận định về tình hình thị trường BĐS, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mặc dù chậm nhưng sự hồi phục đã rõ rệt hơn khi GDP hoạt động kinh doanh BĐS tăng 3,34% (so với 0,24% năm 2023).
"Các chính sách đối ngoại, kinh tế của Tổng thống Mỹ Donal Trump tạo ra những cơ hội đối với Việt Nam về xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài nhưng cũng đem lại thách thức, đặc biệt là khả năng bị áp thuế đối ứng lên 5,1%, tương ứng với khoảng 4 tỷ USD Việt Nam phải trả thêm", TS. Cấn Văn Lực nói.
Ông đưa ra những giải pháp đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bao gồm tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển TTCK về Chiến lược tài chính và phát triển TTCK đến năm 2030; sớm ban hành thể chế (1 luật sửa 9 luật (Luật số 56/2024/QH15), trong đó có Luật Chứng khoán 2019,…); đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng hạng TTCK; phát triển nền tảng NĐT và nâng hạng hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng, thực thi Chiến lược chuyển đổi số ngành chứng khoán đến 2030….
Bất động sản và đầu tư công sẽ là 2 nhóm cổ phiếu tiềm năng
Trong bối cảnh vĩ mô khởi sắc hơn, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty VFS đã đưa ra những đánh giá sâu sắc các yếu tố ảnh hưởng và cơ hội đầu tư trong năm 2025. Theo ông, năm 2024, thị trường chứng khoán chưa thể bứt phá mạnh mẽ do nhiều yếu tố bất lợi, hay còn được gọi là những "cơn gió ngược'.
Tuy nhiên, bước sang năm 2025, khi các rào cản này dần suy yếu, thị trường có thể đón nhận những động lực tăng trưởng tích cực. Thanh khoản thị trường chứng khoán dự báo sẽ được thúc đẩy nhờ quá trình nâng hạng, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2025, cũng như sự suy giảm áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài.
Với những động lực trên, ông Nguyễn Minh Hoàng nhận định, VN-Index có thể tăng lên vùng 1.450 điểm, tương ứng với mức P/E kỳ vọng là 12 lần, khi tăng trưởng lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường có thể đạt 14-16% YoY.
Dựa trên triển vọng vĩ mô và diễn biến thị trường, ông Hoàng cho rằng, bất động sản và đầu tư công sẽ là 2 nhóm cổ phiếu tiềm năng trong năm 2025, khi hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng phục hồi kinh tế và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Đánh giá sâu hơn về nhóm ngành BĐS, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích dữ liệu, Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam phân tích, lợi nhuận sau thuế của nhóm bất động sản năm 2025 có thể tiếp đà hồi phục khoảng 17,2% so với cùng kỳ trong kịch bản cơ sở.
Động lực chính đến từ sự cải thiện nguồn cung của nhóm bất động sản nhà ở, đặc biệt là phân khúc trung cấp, và nhu cầu giao dịch bất động sản sôi động trở lại. Với những triển vọng trên cùng mức định giá ở mức hấp dẫn, nhóm ngành này đã ghi nhận tín hiệu thu hút được dòng tiền trở lại.
Bà Đỗ Hồng Vân cũng lưu ý về một số rủi ro còn tồn tại, bao gồm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, nhu cầu tái cấp vốn, cũng như xu hướng bán ròng cổ phiếu bất động sản của khối ngoại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường