Bắt đầu xét xử ‘đại án đăng kiểm’: Hai cựu cục trưởng cùng 252 bị cáo hầu tòa
Từ ngày hôm nay (18/7) đến ngày 18/10, TAND TPHCM sẽ xét xử sơ thẩm, vụ sai phạm xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam, 11 Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới trên địa bàn TPHCM, 3 Trung tâm đăng kiểm tại Sóc Trăng, Long An và Bến Tre.
8h45 sáng nay (18/7), thẩm phán Huỳnh Văn Trực, thay mặt Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TPHCM, cho phiên tòa sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam, 11 Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới trên địa bàn TPHCM, 3 Trung tâm đăng kiểm tại Sóc Trăng, Long An và Bến Tre bắt đầu.
8h45, HĐXX công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ảnh chụp qua màn hình.
Trước đó, khoảng 6h sáng, lực lượng công an, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông… đã có mặt tại khu vực trong và phía ngoài trụ sở TAND TPHCM để làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ phiên tòa.
Lực lượng bảo vệ phiên tòa.
Đến khoảng 7h sáng, xe cảnh sát dẫn giải các bị cáo đang bị tạm đến khuôn viên tòa án. Hơn 100 bị cáo tại ngoại cũng có mặt làm thủ tục.
Khoảng 7h sáng, xe cảnh sát dẫn giải bị cáo đến sân tòa. |
Cùng thời điểm, luật sư, những người liên quan được HĐXX triệu tập cũng làm thủ tục dự tòa.
Tại phiên tòa, báo chí được bố trí tác nghiệp ở phòng riêng biệt, có màn hình ti vi để theo dõi diễn biến phiên tòa. Các phóng viên tham dự phiên tòa phải đeo thẻ tác nghiệp do TAND TPHCM cấp trước đó.
Khoảng 8h35, HĐXX cho báo chí vào chụp hình, ghi hình trực tiếp tại các phòng xử án. 10 phút sau, HĐXX yêu cầu các phóng viên về phòng dành cho báo chí. HĐXX tiến hành công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Trước khi HĐXX tiến hành phiên tòa, ông Phạm Ngọc Duy (Chánh Văn phòng TAND TPHCM) cho biết, vụ án liên quan đến nhiều trung tâm đăng kiểm với 11 tội danh. HĐXX điều hành phiên tòa theo hướng, khi thẩm vấn nhóm tội danh nào thì HĐXX sẽ có thông báo trước, để lực lượng chức năng trích xuất các bị cáo liên quan tới TAND TPHCM. Đối với các bị cáo bị tạm giam chưa nằm trong nhóm hành vi mà HĐXX chưa thẩm vấn, sẽ theo dõi diễn biến phiên tòa tại điểm cầu Trại tạm giam T30 (huyện Củ Chi, TPHCM).
Một góc phòng xử án.
Tại quyết định đưa vụ án ra xét xử, HĐXX xác định Trung tâm Đăng kiểm 7301S, bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam – ĐKVN) và bị cáo Huỳnh Văn Tiến là bị hại của vụ án. HĐXX cũng đã triệu tập 56 người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. 101 luật sư bào chữa cho các bị cáo.
254 bị cáo bị xét xử với 11 tội danh: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Giả mạo trong công tác”, “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”, “Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Các luật sư tại phiên tòa.
Truy nã cựu Trưởng Phòng Tàu sông- Cục Đăng kiểm Việt Nam
Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX cũng xét xử vắng mặt bị cáo Đỗ Trung Học (cựu Trưởng phòng Tàu sông Cục ĐKVN), về tội “Nhận hối lộ”.
Ông Đỗ Trung Học đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi khởi tố bị can, hiện không xác định được ông Học đang ở đâu nên Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định truy nã, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại địa phương nơi bị can đăng ký thường trú, phát thư kêu gọi ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Bị cáo Đỗ Trung Học đang trốn truy nã, sẽ bị xét xử vắng mặt.
Theo Cơ quan công tố, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm. Đối với bị cáo Đỗ Trung Học, đã áp dụng đầy đủ các biện pháp để đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định; trường hợp không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt.
HĐXX phiên tòa cho biết, tòa án đã chỉ định luật sư (thuộc Đoàn luật sư TPHCM), bào chữa cho bị cáo Đỗ Trung Học tại phiên tòa hôm nay.
Sai phạm của ông Học thể hiện, để được cấp thông báo năng lực, 38 cơ sở đóng tàu tại Long An đã liên hệ Nguyễn Xuân Hào (Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Long An) lập hồ sơ. Hào nhận 30-150 triệu đồng của mỗi xưởng để bao trọn gói thủ tục đến khi được cấp thông báo năng lực. Ông Hào sau đó gửi các hồ sơ này ra Cục ĐKVN để đánh giá, ông Học là người xét duyệt hồ sơ.
Ông Hào đã nhiều lần chuyển nhiều tỷ đồng vào số tài khoản của Học. Trong đó, 2,8 tỷ đồng là để nhờ Học cấp thông báo năng lực, còn lại là nhờ làm hồ sơ thiết kế.
Cáo trạng xác định, các hồ sơ đánh giá của 38 cơ sở đóng tàu tại Long An không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực theo quy định... nhưng ông Học vẫn đề xuất Cục trưởng Trần Kỳ Hình cấp thông báo năng lực để hoạt động trái phép.
Đại án đăng kiểm: Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm nhận hối lộ như thế nào?
28/03/2024
Khởi tố thêm 63 bị can liên quan đến ‘đại án đăng kiểm’
10/03/2024
'Đại án' đăng kiểm: Công an TPHCM đã khởi tố 129 bị can
02/03/2023
Tân Châu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận