Bất chấp dịch bệnh, hải sản ngoại 'đắt xắt ra miếng' vẫn tiêu thụ mạnh
Bào ngư Hàn Quốc, tôm hùm Úc, King crab… có giá cả triệu đồng/kg nhưng vẫn được tiêu thụ mạnh ngay trong mùa dịch tại TPHCM.
Khảo sát tại nhiều cửa hàng kinh doanh thủy hải sản, trang bán hàng online… các loại thủy hải sản như bào ngư, tôm hùm, cá hồi… nhập khẩu từ Hàn Quốc, Úc, Na Uy, Canada… có giá từ 1-2 triệu đồng/kg được nhiều người đặt mua.
“Cuối năm, sức tiêu thụ thủy hải sản, đặc biệt là hải sản nhập khẩu đang rất tốt. Nhiều đơn vị mua làm quà tặng cuối năm, tặng đối tác, tiệc chiêu đãi… Đặc biệt khi nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế 0% nên giá thành bán ra không đắt hơn so với hàng trong nước bao nhiêu nên được khách hàng ưa chuộng, đặt mua” – đại diện một siêu thị hải sản trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) cho biết.
Trao đổi với báo Tiền Phong, bà Rebecca Ball - Tham Tán Thương mại Cấp cao - Cơ quan Thương Mại & Đầu tư Chính phủ Úc cho biết, tôm hùm, cua, cá hồi... của Úc rất được chuộng ở Việt Nam.
Theo bà Rebecca Ball, Việt Nam là thị trường đứng thứ 5 trên toàn thế giới về xuất khẩu thủy sản của Úc. Theo thống kê, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của Úc sang Việt Nam tăng hơn 45%, đạt trên 62 triệu AUD.
“Mức tăng trưởng này rất tốt dù ảnh hưởng đại dịch. Năm nay, nếu dịch bệnh không phức tạp, sức tiêu thụ hải sản Úc tại Việt Nam có thể còn tăng cao hơn nữa. Úc cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế suất và quảng bá sản phẩm sang Việt Nam” - bà Rebecca Ball nhận định.
Trong khi đó, ông Youn Jong Chul - Trưởng văn phòng đại diện Trung tâm Hỗ trợ Xúc tiến hải sản Hàn Quốc cho biết, thị trường Việt Nam đứng thứ 2 (sau Mỹ) nhập nhiều nhất cá bơn Hàn Quốc. Trung bình giá trị cá bơn nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam khoảng 2,5 triệu USD. Ngoài ra, bào ngư, King crab cũng được quốc gia này xuất vào Việt Nam.
Hiện Hàn Quốc đang đẩy mạnh việc xuất khẩu thủy hải sản tươi sống vào Việt Nam, đi bằng đường container để đưa những mặt hàng tươi sống đến với người tiêu dùng. Ở Việt Nam, phương tiện bảo quản thủy hải sản sống ngày càng được nâng cấp, do đó, khi chuyển những mặt hàng tươi sống từ Hàn Quốc vẫn giữ được vị tươi ngon.
“Ngoài bào ngư, cá bơn Hàn Quốc được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam, doanh nghiệp Hàn Quốc đã tìm đến công ty chúng tôi với nhu cầu tìm hiểu thị trường và muốn đưa thêm một số mặt hàng tiêu biểu khác đến đây. Việt Nam là thị trường tiềm năng của Hàn Quốc” – ông Youn Jong Chul cho hay.
Mặc dù dịch bệnh đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và khách hàng nhưng Giám đốc một công ty hải sản lớn tại TPHCM nhìn nhận, sản phẩm cao cấp vẫn có phân khúc khách hàng riêng như King crab, tôm hùm Úc, tôm hùm Canada, bào ngư Hàn Quốc… vẫn bán tốt. Bên cạnh đó, mặt hàng nội địa như tôm tít, tôm hùm xanh cũng ghi nhận sức mua khả quan. Những dịp lễ tết sẽ tăng trưởng từ 40%, thậm chí lên 60-70%.
“Ngay trong mùa dịch, chúng tôi vẫn mở thêm cửa hàng kinh doanh để phục vụ nhu cầu khách hàng. Công ty đang có kế hoạch liên kết với các hợp tác xã để chủ động nguồn cung ứng, giúp bà con nông dân yên tâm nuôi trồng mà không bị ép giá” – vị trên cho biết.
Ông Youn Jong Chul cho biết thêm, Bộ thủy sản hải dương của Hàn Quốc đã có nhiều chính sách xuất khẩu cho doanh nghiệp Hàn Quốc, ngoài ra cũng có nhiều chính sách cho các công ty Việt Nam nhập khẩu thủy hải sản Hàn Quốc.
Điển hình là tháng 11 vừa qua đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sự kiện quảng bá hàng tiêu dùng Hàn Quốc. Ngoài ra, còn kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc.
Trước đây, các mặt hàng thủy hải sản của Hàn Quốc khi nhập vào thị trường Việt Nam bị đánh thuế 20%, sau đó do chính sách thỏa thuận giữa 2 nước nên thuế đã về 0%.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thủy sản các loại về Việt Nam trong 11 tháng năm 2021 đạt gần 1,79 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Riêng tháng 11/2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 170,67 triệu USD, tăng 23,9% so với tháng 10/2021 và tăng 17,8% so với tháng 11/2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận