menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoài Nhật

Bấp bênh mục tiêu thị trường chứng khoán đến năm 2030

Dự thảo Quyết định “Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, tầm nhìn 2045” được xây dựng từ cuối năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa thể ban hành, đi kèm là những thay đổi về con số định lượng.

Những con số tham vọng

Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Quyết định Chiến lược trước khi trình Chính phủ, trong đó một số mục tiêu quan trọng đã được điều chỉnh. Theo dự thảo Chiến lược, quy mô thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 100% GDP vào năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030; quy mô thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP) vào năm 2025 và 58% GDP (trái phiếu doanh nghiệp đạt 25% GDP) vào năm 2030; thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình 20 - 30% mỗi năm giai đoạn 2021 - 2030.

Số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 8% dân số vào năm 2025 và 10% dân số vào năm 2030; trong đó, tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng trái phiếu chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ đạt 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

Mục tiêu của chiến lược này có sự tương đồng so với Quyết định 368/2022/QĐ-CP (phê duyệt Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030) do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 21/3/2022, đồng thời cao hơn dự thảo của Bộ Tài chính đặt ra hai năm trước.

Trước đó, vào cuối năm 2021, dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 do Bộ Tài chính soạn thảo đặt mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP vào năm 2025, đạt 110% GDP vào năm 2030; thị trường trái phiếu có quy mô 47% và 58% vào năm 2025 và 2030; số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030.

Những con số trên được đưa ra vào thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay, VN-Index vượt 1.500 điểm, quy mô thị trường cổ phiếu đạt tới 92% GDP, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm 15% GDP, số lượng tài khoản chứng khoán là hơn 4,3 triệu, chiếm 4,4% dân số. Bởi vậy, có không ít ý kiến cho rằng, đặt mục tiêu chiến lược như trên là quá thận trọng, không mang tính tăng trưởng.

Dù vậy, sự biến động rất lớn của thị trường chứng khoán khiến cho các con số “nhảy múa” và cơ quan quản lý, theo thừa nhận của một lãnh đạo ngành tài chính, rất dễ bị chạy theo thị trường. Sau hơn 1 năm, trải qua nhiều biến động cả trong nước và thế giới, đến cuối quý I/2023, mặc dù số lượng tài khoản chứng khoán lên tới hơn 6,8 triệu, chiếm 6,8% dân số, song vốn hoá thị trường cổ phiếu đã sụt giảm về bằng một nửa quy mô GDP, thị trường trái phiếu đi lùi, chiếm chưa tới 15% GDP.

“Những năm gần đây, chính sách phát triển thị trường chứng khoán gần như không có gì mới. Trong chiếc áo quá chật hẹp của khung pháp lý, các thành viên thị trường hoạt động mang tính đối phó, khó có thể hoạch định được một chiến lược phát triển bền vững, cùng làm chiếc bánh thị trường lớn hơn và ai cũng có phần”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán nhận xét.

Những nền tảng để doanh nghiệp hoạt động bền vững bao gồm quản trị công ty, quản trị rủi ro chặt chẽ, theo đà tăng trưởng nóng của thị trường đã bị bỏ qua, đặc biệt trong nhiều nghiệp vụ của các trung gian thị trường như công ty chứng khoán. Bên cạnh đó là biến động lớn từ bối cảnh kinh tế vĩ mô đã khiến thị trường chứng khoán “sát thương” một lượng lớn nhà đầu tư trong năm 2022.

Tính bền vững bị thách thức, nhiều nhà đầu tư không chịu nổi áp lực đã tạm bỏ rơi tài khoản, rời bỏ thị trường. Số liệu từ một công ty chứng khoán trong Top 10 thị phần cho thấy, có tới hơn 20% tài khoản không giao dịch kể từ tháng 10 năm ngoái.

Thị trường vốn, lâu nay luôn là chủ đề được bàn thảo và đề cập chính sách tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên, 2 kỳ gần nhất cũng vắng bóng. Các tổ chức đầu tư gián tiếp quy mô tại Việt Nam như Dragon Capital từ chối trả lời khi được hỏi về triển vọng thị trường Việt Nam và các chính sách nhằm hỗ trợ thị trường phát triển lành mạnh.

Thực trạng của thị trường chứng khoán cho thấy, các con số mục tiêu đặt ra, nếu không có giải pháp thực thi hiệu quả, sẽ mang tính hình thức và không được các thành viên thị trường quan tâm, tham chiếu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp của mình, như lời nhận xét của lãnh đạo một công ty quản lý quỹ bên lề Hội thảo “Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán 2021 - 2030: Những thách thức và tầm nhìn” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tuần qua.

Trông người ngẫm ta

Nhận xét về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Kojima Kazunobu, chuyên gia tư vấn của JICA, Tư vấn trưởng Viện Nghiên cứu Daiwa nói rằng, 5 năm qua, số lượng nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam đã tăng từ 2 triệu lên gần 7 triệu. Con số gần 7 triệu là cao, nhưng để phát triển hiệu quả thị trường, cần phải cải thiện tính thanh khoản, trong đó có việc phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân.

“Niềm tin vào thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân có xu hướng giảm do một số vấn đề phát sinh trong năm 2022, bên cạnh mối quan hệ cung - cầu suy yếu rõ rệt. Do đó, tôi cho rằng việc phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân sẽ là động lực lớn nhất thúc đẩy thị trường”, chuyên gia JICA nói.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC nhận xét, tâm lý bi quan của nhà đầu tư cá nhân ở mức cao khiến thanh khoản xuống rất thấp, sau khi xuất hiện nhiều tin xấu về việc doanh nghiệp bất động sản mất khả năng trả nợ.

Ở góc nhìn dài hạn, ông Kojima Kazunobu cho rằng, bên cạnh việc nâng cao năng lực giám sát, cần nâng cao năng lực tự quản của các công ty chứng khoán và chất lượng của các công ty niêm yết, vì chất lượng yếu kém của hai đơn vị này mới dẫn đến thao túng thị trường.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, điểm số VN-Index không có mức tăng đáng kể sau hơn 20 năm hoạt động là do số lượng công ty niêm yết và tỷ lệ cổ phiếu lưu hành có thể thanh khoản gần như không có sự thay đổi, nên không khuyến khích các luồng đầu tư dài hạn dựa trên trường phái đầu tư tăng trưởng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thanh khoản kém còn do thị trường thiếu sản phẩm tài chính vệ tinh và các câu chuyện hỗ trợ thị trường.

So sánh với thị trường chứng khoán Thái Lan, ông Minh dẫn chứng, Thái Lan chỉ có 860 mã cổ phiếu niêm yết nhưng thanh khoản trung bình 2 tỷ USD/phiên, còn Việt Nam hiện có khoảng 1.700 mã nhưng thanh khoản chưa tới 10.000 tỷ đồng/phiên, lúc cao điểm cũng chỉ đạt trung bình 22.000 - 23.000 tỷ đồng/phiên, bằng một nửa Thái Lan.

“Một cổ phiếu cơ sở trên thị trường chứng khoán Thái Lan có rất nhiều sản phẩm tài chính vệ tinh, ví dụ phái sinh, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Riêng sản phẩm phái sinh của họ, không chỉ có phái sinh cổ phiếu, mà còn có phái sinh của từng nhóm chỉ số, từng cổ phiếu vốn hoá lớn… Còn ở Việt Nam, tốc độ phát triển sản phẩm tài chính mới rất chậm, hiện mới có cổ phiếu, phái sinh chỉ số VN30, chứng chỉ quỹ ETF”, ông Minh nhận xét.

Ở một góc tiếp cận khác, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong sơ đồ cung ứng tiền tệ, Việt Nam giỏi quản lý M1 (các đồng tiền mạnh mà các ngân hàng thương mại gửi ở ngân hàng trung ương) và M2 (bao gồm M1 và tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng thương mại) nhưng quản lý M3 (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu…) rất lúng túng, thậm chí “rối tinh, rối mù”.

Thành công của các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều cho thấy không thể thiếu vai trò quan trọng của thị trường vốn.

Kênh dẫn vốn ngân hàng và kênh dẫn vốn qua thị trường chứng khoán được coi như hai chân của cơ thể nền kinh tế. Bởi vậy, không chỉ những nước đang phát triển mà các nước giàu có đều chú trọng tới việc phát triển thị trường vốn.

Nhìn sang Nhật Bản, từ năm 2022, chính quyền Thủ tướng Kishida đã bắt tay vào triển khai kế hoạch “tăng gấp đôi thu nhập từ tài sản” với người dân. Đây là chiến lược thu hút người dân bỏ vốn vào thị trường chứng khoán một cách bền vững, đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp hiệu quả của Nhật Bản để hưởng lợi tức hàng năm và gia tăng tài sản cùng với sự phát triển vững mạnh của doanh nghiệp.

Ngoài các giải pháp “kích cầu” đầu tư chứng khoán, Nhật Bản đang rốt ráo triển khai thành lập doanh nghiệp giáo dục và tư vấn tài chính cho các F0 mới tham gia thị trường.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Luật Chứng khoán dù Luật 2019 mới ban hành. Bối cảnh hiện nay cần xem xét điều kiện mới, cùng việc sửa đổi Nghị định, thông tư.

Sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện giám sát tự động, AI để tăng cường năng lực giám sát của sở giao dịch chứng khoán. Giám sát qua các tuyến từ công ty chứng khoán, Sở và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Việc có nhiều tầng lớp giám sát, đảm bảo tính công bằng và minh bạch trên thị trường chứng khoán hơn.

Quan điểm của cơ quan quản lý là đã đến lúc cần quan tâm chất lượng hàng hóa. Chất lượng hàng hóa là quan trọng nhất. Chất lượng có nhiều mức về tình hình tài chính, quản trị và công bố thông tin. Chất lượng doanh nghiệp cần quan tâm để đảm bảo hàng hóa tốt cho thị trường. Gốc của thị trường là doanh nghiệp, là hàng hóa. Khi hàng hóa tốt sẽ có sự tăng trưởng bền vững.

Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo các sở nghiên cứu sản phẩm, đặc biệt liên quan đến chỉ số, sẽ xem xét để sửa đổi, bổ sung thêm

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,174.85

-18.16 (-1.52%)

Biểu đồ mã VN-INDEX

VN 30

VN 30

Xem PTKT

1,047.71

+0.72 (+0.07%)

Biểu đồ mã VN 30
1 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại