Bảo trì hệ thống kết cấu đường sắt quốc gia: Tái diễn tranh cãi ai được giao vốn
Lại xảy ra những tranh cãi trong việc xác định đơn vị đầu mối được giao dự toán nguồn vốn ngân sách năm 2021 để thực hiện quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu đường sắt quốc gia.
Chưa thể ký hợp đồng đặt hàng
Đã bước sang tuần thứ 3 của năm 2021, nhưng một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành đường sắt - triển khai đặt hàng quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 vẫn chưa có nhiều tiến triển, nếu không muốn nói là bế tắc.
Tại Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 25/3/2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện bố trí, sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia từ năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời, hiệu quả, đồng thời bảo đảm chất lượng, an toàn giao thông đường sắt và chế độ cho người lao động. |
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, tính đến cuối tuần trước, Cục Đường sắt Việt Nam - đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao dự toán chi kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt từ ngân sách nhà nước năm 2021 (khoảng 2.800 tỷ đồng) vẫn bất lực trong việc ký hợp đồng đặt hàng với 20 công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt thực hiện bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thực hiện quản lý, giám sát bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, ngay từ đầu tháng 12/2020, cơ quan được giao dự toán đã xây dựng dự thảo hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2021 theo phương án Bộ GTVT đề xuất trong Đề án Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Các hợp đồng này cũng đã được gửi đến VNR cũng như 20 doanh nghiệp cổ phần đường sắt và thông tin tín hiệu đường sắt từ rất sớm.
Tuy nhiên, sau khi được Bộ GTVT chính thức giao kế hoạch và dự toán công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 vào cuối tháng 12/2020, Cục Đường sắt Việt Nam đã tổ chức 3 cuộc làm việc với VNR và 2 cuộc làm việc với 20 doanh nghiệp bảo trì, nhưng không thể ký được hợp đồng như mục tiêu đề ra.
Bên đặt hàng cho biết, xuyên suốt quá trình trao đổi, VNR luôn bảo lưu quan điểm về việc chưa có đủ cơ sở pháp lý để 2 bên thương thảo nội dung Dự thảo Hợp đồng đặt hàng do Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất. Trong đó, việc triển khai ký hợp đồng bị vướng rất nặng về Luật Đấu thầu, Luật Đường sắt, Nghị định số 46/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và cần có thông tư hướng dẫn giao nhiệm vụ cho từng chủ thể có liên quan đến công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Đối với 20 doanh nghiệp bảo trì, theo Cục Đường sắt Việt Nam, các công ty này đều là công ty cổ phẩn do VNR đang nắm giữ trên 51% vốn điều lệ, nên trước khi những đơn vị này ký hợp đồng với Cục Đường sắt Việt Nam có giá trị hợp đồng trên 35% giá trị tài sản doanh nghiệp, thì người đại diện phần vốn phải xin ý kiến chỉ đạo cũng như chấp thuận của Hội đồng Thành viên VNR và thông qua Hội đồng Quản trị.
Điều đáng nói là, trong số 13 công ty gửi văn bản cho ý kiến về hợp đồng đặt hàng, có 4/13 doanh nghiệp cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo hợp đồng và chờ ý kiến cho phép của Hội đồng Thành viên VNR; 9/13 doanh nghiệp còn vướng mắc một số quy định của Nhà nước như quan điểm của VNR.
Đặc biệt, 13/13 doanh nghiệp khẳng định, sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện bảo lãnh tạm ứng khi ký hợp đồng đặt hàng, vì vốn điều lệ của công ty nhỏ, không đủ tài sản đảm bảo để ngân hàng thực hiện việc bảo lãnh tạm ứng.
Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, các tổ chức, cá nhân tham gia đàm phán đã không nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GTVT trong việc thực hiện đặt hàng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
“Nếu không xử lý kiên quyết, có thể dẫn đến tình trạng tái diễn như đầu năm 2020, ảnh hưởng đến uy tín của Bộ GTVT và ảnh hưởng đến chế độ, đời sống của người lao động, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội”, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh trong báo cáo vừa gửi tới Bộ chủ quản. Cục này cũng khẳng định, trong khi chưa ký hợp đồng đặt hàng, VNR hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT và trước pháp luật về an toàn giao thông đường sắt và trạng thái kỹ thuật kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.
Ai được nhận vốn?
Ở chiều ngược lại, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 13/1/2021, VNR khẳng định, Đề án Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chưa phê duyệt, do vậy, chưa xác định được cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR, do đặc thù của vận hành giao thông đường sắt, nên để đảm bảo tính thống nhất, tập trung, thông suốt, an toàn, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải thực hiện nhiệm vụ bảo trì gắn chặt với hoạt động điều hành GTVT và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.
Ông Minh cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao tài sản, giao kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến thời điểm này chưa thay đổi. Mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Cục Đường sắt Việt Nam cũng không thay đổi so với năm 2019, 2020.
“Để tránh xảy ra tình trạng chậm trễ như khi triển khai kế hoạch quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020, ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn giao thông đường sắt, chế độ cho người lao động và khó khăn cho 20 doanh nghiệp bảo trì đường sắt, VNR đề nghị Thủ tướng Chính phủ (trên cơ sở thẩm quyền pháp luật cho phép) xem xét, chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế cho công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia giai đoạn 2021- 2025 cho Tổng công ty như năm 2019, 2020 và các năm trước đó”, VNR kiến nghị.
Cần phải nói thêm rằng, do lúng túng trong việc xác định đơn vị giao dự toán, nên đến giữa tháng 4/2020, VNR mới được Bộ GTVT giao chủ trì triển khai thực hiện kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chậm khoảng 4 tháng so với các năm trước.
VNR khẳng định, trong 4 tháng này, đơn vị đã gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; 20 doanh nghiệp bảo trì đường sắt đã gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, chăm lo đời sống cho người lao động, nguy cơ lao động tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn, duy tu bảo trì phải bỏ việc vì không có thu nhập.
Trong khi chờ được giao vốn, Tổng công ty đã phải cho 20 doanh nghiệp bảo trì đường sắt vay kinh phí để chi trả lương cho lao động, mua vật tư, vật liệu thiết yếu để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty và các doanh nghiệp liên quan.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của Covid-19, tình hình kinh doanh của VNR rất khó khăn, nên nếu kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tiếp tục chậm như năm 2020, Tổng công ty không có dòng tiền để hỗ trợ 20 doanh nghiệp bảo trì trong việc trả lương cho người lao động; mua vật tư để đảm bảo an toàn.
“Quan trọng hơn, Tổng công ty khó có thể thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ chủ yếu của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quy định trong Luật Đường sắt (2017), gồm việc bảo vệ công trình đường sắt để bảo đảm giao thông vận tải đường sắt hoạt động thông suốt, an toàn; xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt được Nhà nước giao…”, văn bản của VNR do ông Minh ký nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường