Bão lụt tàn phá lĩnh vực sản xuất, PMI tháng 11 chỉ đạt 49,9 điểm
Sản lượng giảm trong thời tiết mưa bão và COVID-19, tăng giá đầu vào đạt mức cao của 27 tháng, tuy nhiên Niềm tin kinh doanh đạt cao nhất kể từ tháng 7/2019, đó là những điểm chính trong báo cáo PMI của Việt Nam vừa được IHS Markit công bố.
Cụ thể, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm nhẹ xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm, chỉ còn 49,9 trong tháng 11, cho thấy các điều kiện kinh doanh hầu như không thay đổi trong tháng.
Kết quả này được ghi nhận tiếp sau kết quả 51,8 điểm trong tháng 10 và là lần đầu tiên rơi xuống dưới 50 điểm trong ba tháng. Đây cũng là tháng thứ 7 trong vòng 12 tháng qua chỉ số này dưới ngưỡng trung tính.
“Sản lượng giảm nhẹ trong tháng 11, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài hai tháng trước đó. Tuy nhiên, các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy tình trạng giảm có thể là tạm thời khi một số công ty cho thấy thời tiết mưa bão gần đây và lũ lụt kéo theo đã phá hoại sản xuất trong tháng. Đại dịch COVID-19 cũng là một nhân tố tác động lên sản lượng”, IHS Markit lưu ý.
Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng nhưng chỉ là tăng nhẹ dưới ảnh hưởng của thời tiết mưa bão và lũ lụt, cộng với đại dịch.
"Tình trạng dịch bệnh có tác động đặc biệt làm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh. Mặt khác, một số người trả lời khảo sát cho biết số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng khi nhu cầu có sự cải thiện", IHS Markit cho biết.
Với số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại, các công ty đã giải quyết được lượng công việc tồn đọng, từ đó kéo dài thời gian giảm lượng công việc tồn đọng thành 10 tháng liên tiếp. Lần giảm mới nhất là mạnh, nhưng nhẹ hơn so với tháng 10.
Lượng công việc tồn đọng giảm khiến các công ty phải giảm lực lượng lao động và hoạt động mua hàng trong tháng 11. Đây là mức giảm nhẹ của số lượng việc làm sau khi tăng nhẹ trong tháng trước.
Hoạt động mua hàng giảm lần đầu tiên trong ba tháng. Tình trạng giảm mua hàng hóa đầu vào đã làm giảm tồn kho hàng mua. Tuy nhiên, ở cả hai trường hợp, các nhà sản xuất hàng hóa tiêu dùng không đi theo xu hướng khi đã có ghi nhận tăng trưởng.
Trong khi đó, tình trạng giảm sản lượng trong tháng đã làm giảm tồn kho thành phẩm.
Cùng với việc làm tổn hại hoạt động sản xuất, thời tiết mưa bão và đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động giao hàng cho các nhà sản xuất.
"Tình trạng giao hàng chậm diễn ra trong mười hai tháng liên tiếp, và mức độ là lớn nhất kể từ tháng 8. Tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu cũng là nhân tố làm chậm giao hàng", IHS Markit lưu ý thêm.
Theo đó, khan hiếm nguyên vật liệu đã góp phần làm tăng chi phí đầu vào trong tháng 11, với những khó khăn trong việc nhập hàng và giá tăng trên thị trường quốc tế. Giá cả đầu vào tăng mạnh và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 8/2018. Tốc độ tăng giá cả đầu ra cũng nhanh hơn nhưng vẫn ở mức khiêm tốn. Mức tăng giá là mạnh nhất trong hai năm.
Mặc dù đã chững lại trong tháng 11, các công ty kỳ vọng sản lượng tăng trong năm tới. Niềm tin có được dựa vào kỳ vọng đại dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát ở Việt Nam và giảm tác hại trên toàn cầu.
Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói: “Mặc dù thoạt nhìn chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam mới nhất gây thất vọng một chút, nhưng có lý do để tin rằng sự chững lại trong tháng 11 chỉ là một bước trệch nhỏ trên con đường phục hồi”.
Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết những trận bão tàn phá Việt Nam những tuần gần đây và kéo theo là lụt lội, đã cản trở sản xuất, số lượng đơn đặt hàng mới và việc nhận hàng trong tháng.
“Do đó chúng ta vẫn có khả năng có một kết quả tích cực vào cuối năm”, Andrew Harker nói.
Trên thực tế, niềm tin kinh doanh đã tăng thành mức cao nhất kể từ tháng 7/2019 với kỳ vọng đại dịch COVID-19 sẽ tàn phá nhẹ hơn trong năm 2021. IHS Markit dự báo GDP của Việt Nam trong năm tới tăng 6,1%.
Với khu vực ASEAN, Chỉ số PMI toàn phần tăng từ 48,6 điểm trong tháng 10 lên ngưỡng trung tính là 50 điểm trong tháng 11, cho thấy sự ổn định của sức khỏe lĩnh vực sản xuất, từ đó kết thúc thời kỳ giảm kéo dài 8 tháng bắt đầu từ tháng 3.
Ở cấp độ quốc gia, ba trong bảy quốc gia khảo sát có các điều kiện kinh doanh cải thiện trong tháng 11. Mức cải thiện cao nhất là ở Singapore, nơi có chỉ số PMI toàn phần (51,7) cao hơn ngưỡng 50 điểm tháng thứ hai liên tiếp. Thái lan cũng ghi nhận sự cải thiện liên tục mặc dù chỉ số toàn phần (50,4) chỉ cho thấy mức tăng nhỏ.
Indonesia là một quốc gia nữa ghi nhận tăng trưởng trong tháng 11. Với kết quả 50,6 điểm, chỉ số toàn phần cho thấy lần cải thiện đầu tiên của các điều kiện sản xuất trong ba tháng, nhưng mức cải thiện nhìn chung vẫn là nhỏ.
Trong khi đó, các điều kiện sản xuất tiếp tục kém đi ở Myanmar, mặc dù chỉ số toàn phần khôi phục một mức đáng kể, tăng từ 30,6 điểm trong tháng 10 lên thành 43,2 điểm. Mặc dù vậy, kết quả chỉ số mới nhất là phù hợp với sự suy giảm mạnh của các điều kiện sản xuất do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 chặt chẽ hơn.
Cùng lúc đó, Malaysia có tháng suy giảm thứ tư liên tiếp với lần giảm gần đây là nhanh nhất trong thời kỳ này, mặc dù mức giảm nói chung là vừa phải (PMI đạt 48,4).
Cuối cùng, các điều kiện sản xuất ở Philippines hầu như ổn định trong tháng 11 với chỉ số toàn phần chỉ dưới ngưỡng trung tính 50 điểm một chút là 49,9 điểm, bằng với Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận