Bao giờ thôi “quản không được thì cấm”?
Những ngày gần đây, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn duy trì ở mức “khủng”. So với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước luôn đắt hơn trên 10 triệu đồng/lượng.
Đây không phải là lần đầu chênh lệch giá vàng giữa 2 thị trường cao ngất ngưởng như vậy. Cả một thời gian dài, giá vàng trong nước luôn “cầm đèn” chạy trước vàng thế giới nhiều triệu đồng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đến từ việc Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012. Chủ trương độc quyền sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cộng với quy định chỉ cơ quan này được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng hoặc chế tác nữ trang. Từ năm 2012, NHNN chỉ đấu thầu nhỏ giọt vàng và đến năm 2014, cơ quan này không còn nhắc tới việc đấu thầy khiến cho nguồn cung khan hiếm, đẩy chênh lệch giá vàng lên cao.
Nghị định 24 quản lý thị trường vàng ra đời với mục tiêu chống "vàng hóa" trong dân. Thực tế, nhu cầu sở hữu hoặc đầu tư vàng là nhu cầu có thật của người dân. Và việc chống "vàng hóa" bằng các biện pháp “phản thị trường” như kiểm soát vàng nguyên liệu nhập khẩu hay độc quyền sản xuất vàng miếng là phản thị trường.
Có thể thấy, vàng hoàn toàn không phải là hàng hóa thiết yếu để NHNN phải dùng các công cụ hành chính để quản lý. Nếu coi vàng là một loại hàng hóa thông thường thì hãy quản lý theo quy luật thị trường, cầu tăng thì cung tăng, liên thông với vàng thế giới. Câu chuyện không quản được thì cấm khiến thị trường thêm méo mó. Hậu quả là chênh lệch giá vàng ngày càng lên cao, lời hứa liên thông giá vàng ngày càng xa vời. Người Việt cắn răng mua vàng giá đắt. Và nhiều vụ buôn lậu vàng khối lượng lớn qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra nóng bỏng. Đơn cử, mới đây nhất, tháng 8/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố thêm nhiều bị can liên quan đến vụ vận chuyển lậu 51kg vàng.
Dù công tác quản lý thị trường vàng nảy sinh hàng loạt bất cập, dù Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam nhiều lần đề xuất bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng, NHNN vẫn “kiên định” với mục tiêu chống vàng hóa theo Nghị định 24. Cơ quan này vẫn cho rằng, vàng miếng và vàng nguyên liệu không phải hàng hoá bình thường như các loại hàng hoá khác nên cần được quản lý nghiêm ngặt. Dù vàng đã giảm sức hấp dẫn, cảnh đổ xô xếp hàng khi giá vàng biến động không còn diễn ra thường xuyên nhưng lợi ích sát sườn của người dân là được mua vàng theo giá thị trường, liên thông với giá thế giới đang bị ảnh hưởng rõ rệt. Đối với DN, việc NHNN chỉ chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia cũng gây ra sự cạnh tranh thiếu công bằng. Bên cạnh đó, câu chuyện siết nhập khẩu vàng nguyên liệu cũng là kẽ hở khiến vàng lậu thêm nhức nhối, chưa kể vàng lậu về Việt Nam, chảy vào đâu là điều không khó để nhận biết.
Có lẽ, đã đến lúc NHNN nên xem lại sự “kiên định” của mình, coi vàng là một loại hàng hóa bình thường, quản lý theo quy luật thị trường, cạnh tranh công bằng để người tiêu dùng cũng như DN không bị thiệt. Và cơ quan quản lý thì không quá mất nhiều thời gian để điều hành theo kiểu dùng “gậy” hành chính, không quản được thì cấm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận