24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất được 'giải cứu'?

Đường băng xuống cấp nghiêm trọng, nhưng gần 2 năm chưa thông qua được phương án sửa chữa...

Đường băng xuống cấp nghiêm trọng, nhưng gần 2 năm chưa thông qua được phương án sửa chữa, dự án mở rộng sân bay từ cấp bách chuyển qua ì ạch. Đó là thực trạng đáng buồn tại sân bay Tân Sơn Nhất - cảng hàng không tấp nập nhất Việt Nam.

Bảo dưỡng tạm thời

Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất vừa có văn bản gửi Cục Hàng không đề xuất tạm ngừng khai thác đường cất hạ cánh (CHC) 25R/07L vào ban đêm để tiến hành sửa chữa tạm thời. Qua kiểm tra, Cảng HKQT phát hiện đường băng 25R/07L ngày càng xuất hiện nhiều vết rạn nứt, mặt đường bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe theo vệt lăn của càng máy bay. Khu vực đầu đường CHC có tình trạng lún bề mặt bê tông nhựa với diện tích lớn, đọng nước sau khi trời mưa tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay.

Nhằm đảm bảo an toàn hoạt động khai thác bay, cảng đề nghị Cục Hàng không xem xét chấp thuận phương án tạm ngừng khai thác đường CHC 25R/07L để tiến hành sửa chữa, tẩy vệt cao su, sơn bảo trì tín hiệu, đo ma sát, seo cỏ. Đồng thời, kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị phục vụ bay. Thời gian sửa chữa sẽ tiến hành vào buổi đêm từ sau 00 giờ cho tới 7 giờ sáng hôm sau, hoạt động khai thác ban ngày vẫn diễn ra bình thường. Công tác sửa chữa dự kiến kéo dài từ 27.2 - 9.3.

“Đây chỉ là công tác sửa chữa, bảo dưỡng tạm thời trong thời gian chờ dự án cải tạo lớn, hoàn toàn không ảnh hưởng tới hoạt động khai thác bay. Chi phí do Cảng HKQT Tân Sơn Nhất thực hiện”, đại diện cảng thông tin.

Đáng chú ý, đường băng 25R/07L của sân bay Tân Sơn Nhất cùng đường băng 1B của sân bay Nội Bài là 2 công trình đang xuống cấp trầm trọng, uy hiếp an toàn bay tại 2 sân bay lớn nhất nước. Từ tháng 6.2018, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất cải tạo, nâng cấp 2 đường CHC này. Thời điểm đó, 2 đường CHC này đều đã được khai thác vượt tải và vượt tần suất thiết kế.

Trong đó, đường băng 25R/07L Cảng HKQT Tân Sơn Nhất được sửa chữa và đưa vào sử dụng tháng 6.2013, đảm bảo khai thác máy bay B777 - 300 ER hoặc tương đương với tần suất 55.100 lần trong 10 năm. Nhưng tính đến hết tháng 4.2018, tổng số lần hạ, cất cánh trên đường này là 126.000 lần. Từ đó tới nay đã gần 2 năm, tổng số lần hạ cất cánh trên đường băng tăng đều, tỷ lệ thuận với mức độ hư hỏng nhưng những bất cập liên quan đến nguồn vốn, cơ chế thực hiện dự án sửa chữa, cải tạo 2 đường CHC này vẫn chưa được tháo gỡ.

Mới đây, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ kế hoạch bố trí vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp đường CHC và đường lăn của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Dự kiến thời gian triển khai từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành khoảng 23,5 tháng với Tân Sơn Nhất và 26,5 tháng với Nội Bài. Như vậy, nếu được Chính phủ phê duyệt thì sớm nhất cũng phải 2 năm nữa, đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất mới được “giải cứu”.

Nhà ga T3 vẫn... đợi

Tổng mức đầu tư cải tạo, nâng cấp đường CHC, đường lăn của Tân Sơn Nhất dự kiến khoảng 1.876 tỉ đồng, Nội Bài khoảng 2.276 tỉ đồng, tổng mức đầu tư dự kiến 4.152 tỉ đồng.

Không chỉ đường băng hư hỏng nặng nhưng chưa thể sửa chữa, dự án xây dựng nhà ga T3, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất dù được đánh giá là vô cùng cấp bách cũng đã ì ạch 2 năm chưa thể nhúc nhích.

Tháng 10.2018, trong buổi lễ công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã nhấn mạnh việc triển khai thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, các đơn vị liên quan cần sớm lập kế hoạch đầu tư các hạng mục trong quy hoạch với các hình thức đầu tư, huy động vốn phù hợp, cố gắng để năm 2022 có thể đưa vào khai thác sân bay theo quy hoạch mới. Trong đó, việc quan trọng nhất cần phải làm ngay là xây dựng nhà ga hành khách T3.

Thế nhưng, đã gần 1 năm rưỡi trôi qua, chủ trương xây dựng T3 như thế nào vẫn chưa ngã ngũ. Sau một thời gian tranh cãi về đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư dự án, tại phiên họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc giao ACV đầu tư nhà ga hành khách T3. Tuy nhiên, do không đồng bộ giữa luật Hàng không dân dụng Việt Nam và luật Đầu tư, thời gian xem xét quyết định chủ trương đầu tư đã kéo quá dài. Các thủ tục để ra quyết định chính thức vẫn chưa hoàn thành.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, ước tính: Mất khoảng từ 36 - 37 tháng để hoàn thiện nhà ga T3, tính từ khi có chủ trương đầu tư. Như vậy, kể cả trong trường hợp thuận lợi nhất là ACV chính thức được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương trở thành nhà đầu tư ngay trong tháng này và những bước triển khai tiếp theo không có bất kỳ vướng mắc gì, nhà ga hành khách T3 vẫn không thể “về đích” đúng kỳ vọng vào năm 2022.

Theo TS Lương Hoài Nam - chuyên gia hàng không, trường hợp đường băng 25R/07L của sân bay Tân Sơn Nhất cùng đường băng 1B của sân bay Nội Bài hư hỏng quá nghiêm trọng nếu nhà nước chưa bố trí được ngân sách, doanh nghiệp có sẵn tiền nhưng vướng cơ chế không được làm thì có thể tính phương án cho phép ACV ứng tiền làm trước, chuyện hạch toán, quyết toán chờ giải quyết sau cùng câu chuyện tổng thể về mô hình doanh nghiệp khai thác cảng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
119.70 +0.20 (+0.17%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả