Bão giá hàng hoá toàn cầu "đốt cháy" lợi nhuận nhiều doanh nghiệp
Trong cơn bão giá hàng hoá toàn cầu, nhiều doanh nghiệp niêm yết hưởng lợi lớn, báo doanh thu lợi nhuận tăng trưởng bứt phá, ngược lại cũng có những doanh nghiệp điêu đứng vì chi phí đầu vào đội lên cao...
Giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh tác động trái chiều đến các doanh nghiệp niêm yết. Tính đến cuối Q3/2021, chỉ số S&P GSCI tăng 44,7% so với đầu năm và 64,6% so với cùng kỳ, thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của một số ngành nhất định bao gồm: Hóa chất tăng trưởng 69,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lâm nghiệp tăng trưởng 513,7%; Cao su tăng trưởng 34,7%; Phân bón tăng trưởng 2495,8%.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngành thực phẩm ghi nhận tác động trái chiều, trong đó các doanh nghiệp được hưởng lợi là xuất khẩu gạo và đường, trong khi các doanh nghiệp sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn và sản xuất thịt đối mặt với áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Cụ thể, ở ngành sữa, với Vinamilk (VNM), báo cáo tài chính quý 3/2021 ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.208 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 5,6%, đạt 2.961 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp hợp nhất quý 3/2021 đạt 42,9%, giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2021 và giảm 381 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính là do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và các chính sách thuế chống bán phá giá đối với một số nguyên liệu nhập khẩu. Thuyết minh báo cáo tài chính ghi nhận chi phí nguyên vật liệu trong chi phí sản xuất năm ngoái là 18.470 tỷ đồng thì quý 3 năm nay lên đến 19.707 tỷ đồng.
Trong báo cáo đánh giá mới đây, FiinPro cho rằng triển vọng lợi nhuận khó có sự đột phá khiến VNM trở nên kém hấp dẫn cho dù định giá của cổ phiếu đầu ngành sữa hiện đang thấp hơn mức trung bình 3 năm (18,6x).
Đối với doanh nghiệp sản xuất thịt và thức ăn chăn nuôi, Dabaco là điển hình một trong những doanh nghiệp gặp khó khăn khi giá hàng hoá đầu vào tăng cao. Tập đoàn Dabaco Việt Nam thông báo quý 3 ước đạt 4.133 tỷ đồng doanh thu và 138 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu tăng 56% nhưng lợi nhuận lại giảm 64% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý ghi nhận mức thấp nhất tính từ quý 4/2019. Luỹ kế 9 tháng năm 2021, DBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế 717 tỷ đồng, giảm 36,8%.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, chi phí nguyên vật liệu cũng tăng mạnh, từ 4.496 tỷ đồng năm ngoái lên 5.503 tỷ đồng 9 tháng năm nay. Bên cạnh đó, chi phí nhân công tăng từ 492 tỷ đồng lên 583 tỷ đồng.
Trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giá lợn hơi lại rơi mạnh càng khiến tình hình kinh doanh khó khăn hơn. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội từ các đợt dịch bùng phát lần tứ 4 cao điểm là quý 3/2021 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Việc vận chuyển lưu thông gia súc, gia cầm tới các tỉnh thành gặp nhiều cản trở, sức mua thị trường giảm mạnh, do vậy, sản lượng và giá gia súc gia cầm cũng giảm, dẫn đến kết quả kinh doanh giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, với nhóm dầu ăn, Công ty CP Dầu thực vật Tường An quý 3/2021 ghi nhận doanh thu bán hàng tăng nhẹ từ 1.429 tỷ đồng lên 1.594 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ còn 69 tỷ đồng, giảm 68%. Chi phí sản xuất kinh doanh tăng mạnh chủ yếu là do chi phí nguyên, vật liệu, tăng từ 1.022 tỷ đồng lên 1.400 tỷ đồng năm nay. Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, lợi nhuận quý 3 của TAC giảm 58% chỉ còn 33 tỷ đồng, trong khi năm ngoái là 79 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng năm 2021, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 118 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Nguyên nhân chủ yếu do Covid-19 tại Việt Nam và thế giới diễn biến phức tạp, hạn chế nguồn cung ứng hàng hoá, dẫn đến giá cả hàng hoá, nguyên liệu đầu vào tăng rất cao nên giá thành sản phẩm tăng đáng kể nhưng để chia sẻ với thị trường và người tiêu dùng, công ty không tăng giá bán tương ứng", ban lãnh đạo nhấn mạnh.
Điều này diễn ra tương tự tại Công ty CP Cao su Bến Thành (BRC), dù doanh thu tăng trưởng khá tốt nhưng kết quả kinh doanh quý 3/2021 của BRC vẫn “đi lùi” do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Trong quý 3, doanh thu thuần của BRC đạt gần 83 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu xuất khẩu chiếm gần 19 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng doanh thu chính của BRC vẫn đến từ các sản phẩm cao su như băng tải, phụ tùng cao su kỹ thuật,… Mặt khác, doanh thu từ các mặt hàng còn lại và cung cấp dịch vụ giảm mạnh. Giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu, tăng 34% so với cùng kỳ chủ yếu do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này khiến lợi nhuận gộp chỉ ghi nhận gần 18 tỷ đồng, giảm 6%.
Sau khi cộng doanh thu tài chính và trừ các loại chi phí còn lại, BRC báo lãi sau thuế quý 3 đạt 5 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.
Trong tháng 10 vừa qua, giá lương thực-thực phẩm toàn cầu tăng tháng thứ ba liên tiếp, với mức tăng 3% so với tháng 9 – theo chỉ số của Tổ chức Nông lương thuộc Liên hiệp quốc (FAO). Sự gia tăng này chủ yếu do giá dầu thực vật và giá lúa mỳ tăng mạnh.
Giá lúa mỳ, nông sản hiện được trồng trên diện tích đất nhiều hơn bất kỳ nông sản thương mại nào khác, tăng 5% trong tháng 10 do sản lượng giảm tại những nước xuất khẩu lúa mì chủ chốt, gồm Canada, Nga và Mỹ. Giá lúa mạch, gạo và ngô cũng đồng loạt tăng.
Giá các loại dầu cọ, đậu tương, hạt hoa hướng dương leo thang dẫn tới mức tăng 9,6% trong giá dầu thực vật thuộc chỉ số của FAO. Giá dầu cọ tăng vọt do lo ngại về sản lượng suy giảm ở Malaysia vì nước này đang khan hiếm lao động nhập cư làm việc tại các đồn điền trồng cọ.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng đang đẩy cao chi phí đối với các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực sữa, thức ăn chăn nuôi, thịt, dầu... Áp lực lên lợi nhuận các doanh nghiệp này còn tiếp tục diễn ra vào thời gian tới nếu giá bán sản phẩm không tăng tương ứng...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận