Báo động tình trạng mất an toàn ở những căn nhà phố cổ xuống cấp
Các khu nhà trong phố cổ nhìn chung đang rơi vao tình trạng leo thang, cao lên dần, chèn vào nhau. Khoảng trống mất dần, các công trình cơi nới bám, tựa vào nhau và chứa đầy tiền ẩn về sự không an toàn. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá, giải quyết vấn đề này là cả thách thức lớn.
Ngày 2/7 vừa qua, sự cố sụp nhà 2 tầng tại số 56 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng mất an toàn tại các căn nhà ở phố cổ, phố cũ Hà Nội.
Từ nhiều năm nay đã xảy ra không ít các vụ sập nhà, sụt nhà hoặc nguy hiểm rình rập tại các căn nhà trên phố cổ, phố cũ của Hà Nội. Điển hình như vụ sập nhà 109 Trần Hưng Đạo năm 2015 khiến 2 người tử vong, 6 người bị thương. Tiếp đến là sập nhà 5 tầng tại Huỳnh Thúc Kháng năm 2015, sập nhà số 43 Cửa Bắc năm 2016…
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Phát triển Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, sự cố sụp đổ nhà 56 Hàng Bông sau khi treo biển quảng cáo đã đánh động, cảnh báo đến người dân. Thông qua đây, có thể thấy nét đặc trưng của Hà Nội – một đô thị lịch sử hàng nghìn năm. Tuy nhiên thách thức đặt ra cho thành phố là bảo tồn được giá trị kiến trúc của những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm.
Mặt tiền thường được tận dụng để buôn bán, treo biển quảng cáo cũng gây áp lực không nhỏ lên kết cấu những căn nhà cũ.
Được biết, đa phần các ngôi nhà khu vực phố cổ được xây dựng từ trước năm 1954 và thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, đều có chung đặc điểm là nền móng khá thô sơ, chỉ sâu vài chục centimét và chỉ đáp ứng được cho một ngôi nhà từ 1 đến 2 tầng. Nghịch lý ở chỗ, tại thời điểm này, đất phố cổ đắt hơn vàng, nên nhiều người đã tư ý gia cố, sửa chữa thậm chí xây dựng thêm tầng để cho thuê, lắp biển quảng cáo. Điều này vô hình chung gây áp lực lên nền móng cũ, một số căn nhà trong quá trình cải tạo có hiện tượng nghiêng, gây ảnh hưởng đến nhà bên cạnh.
Hiện các khu nhà trong phố cổ nhìn chung đang rơi vao tình trạng leo thang, cao lên dần, chèn vào nhau. Khoảng trống mất dần, các công trình cơi nới bám, tựa vào nhau và chứa đầy tiền ẩn về sự không an toàn. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá, giải quyết vấn đề này là cả thách thức lớn.
Cần thường xuyên đánh giá tình trạng các công trình nhằm có biện pháp cải tạo phù hợp.
KTS Đào Ngọc nghiêm chia sẻ thêm, TP Hà Nội đã có các cuộc điều tra khảo sát nhận diện các công trình kiến trúc cổ, công trình giá trị. Từ những năm 1993 đến quy hoạch năm 1995, chúng ta đã có thêm danh mục các công trình cổ. Quy chế quản lý kiến trúc khu phố cổ năm 2014 đã có phân loại danh mục. Đến năm 2017, TP Hà Nội đã phê duyệt danh mục các công trình kiến trúc có giá trị trong khu phố cũ (gồm công trình phải bảo tồn nguyên trạng, công trình cần giữ phong cách và công trình có thể cải tạo).
Sau khi phân loại, chúng ta cần tuyên truyền cho người dân để người dân biết được mình đang ở trong công trình hạng nào, giá trị nào để tránh phá vỡ kiến trúc, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Đồng thời phải làm rõ các vấn đề như tuổi thọ của ngôi nhà không thể tồn tại muôn đời mà nó chỉ có thời gian nhất định. Đến một thời điểm cần thiết thì phải duy tu, tôn tạo.
Như vậy, các cơ quan quản lý, chính quyền cần có giải pháp hỗ trợ người dân để bảo tồn các khu nhà có giá trị. Hà Nội hiện nay chưa xây dựng được chính sách hợp lý, cần bổ sung cơ chế phù hợp hỗ trợ người dân duy tu, cải tạo hiệu quả, không gây nguy hiểm.
Người dân tự ý cơi nới, cải tạo gây mất mỹ quan đô thị.
Thêm một giải pháp là huy động xã hội hóa để bảo tồn và phát huy giá trị. Việt Nam có thể học hỏi Singapore, điển hình là khu phố ChinaTown được xây dựng lại theo lối kiến trúc cũ và cho khai thác phục vụ du lịch.
Một trong các biện pháp hiệu quả là tính đến giải pháp giãn dân di dân để bố cục quy hoạch lại cho hợp lý. Đặc biệt là các đối tượng ở các ngôi nhà nguy hiểm, hoặc công trình xâm lấn di tích lịch sử… thì cần nhanh chóng di dời, bảo đảm chất lượng cuộc sống, an toàn sinh mạng.
Có thế thấy, tình trạng xuống cấp, xập xệ của nhiều ngôi nhà cổ trên địa bàn Thủ đô đã ở mức báo động nhiều năm nay. Suốt thời gian qua, TP Hà Nội cũng đã có những nỗ lực để bảo vệ những ngôi nhà mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là nhanh chóng triển khai đề án giãn dân – đã được UBND quận Hoàn Kiếm dự kiến khởi công xây dựng nhà ở giãn dân vào cuối năm 2019.
Cũng theo KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng: Hà Nội có đặc trưng là một đô thị lịch sử nghìn năm với những công trình cổ xưa. Đặc biệt, khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 81 ha nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, với tổng số dân khoảng 66.600 người tương ứng với mật độ 823 người/ha. Hà Nội dự kiến giảm mật độ xuống còn 500 người/ha, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với hơn 26.000 người dân. Do đó, cần đặt ra vấn đề bảo tồn gìn giữ các di sản tại phố cổ, đồng thời đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân. Để làm được điều đó, một trong các nhiệm vụ trọng tâm là đề án giãn dân phố cổ. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã quan tâm, nghiên cứu giải pháp giãn dân hiệu quả.
Ngay từ năm 1993, UBND TP Hà Nội đã có quy định quản lý xây dựng khu phố cổ, đến năm 1998, khởi động dự án di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ. Theo đó, khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người. Do đó, TP Hà Nội đã có quyết định giao cho UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì vấn đề giãn dân ra khu đô thị Việt Hưng và khu vực Ngọc Thụy.
Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa thực hiện được dù các bộ ban ngành có quan tâm hỗ trợ. Đến năm 2011, dự án được tái xây dựng với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 với mục tiêu triển khai di dời 1.530 hộ dân bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV 2016. Khu đô thị giãn dân phố cổ rộng hơn 11ha nằm trong Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn II sẽ di dời hơn 5.000 hộ dân ngay sau khi Dự án giai đoạn I kết thúc triển khai trong các khu đô thị khác do thành phố bố trí. Đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020.
Dù vậy đến nay dự án vẫn chưa xây dựng được do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó có nguyên nhân đến từ việc có nhiều chính sách khác nhau áp dụng với từng đối tượng khác nhau nên đưa ra cơ chế chưa thống nhất. Bên cạnh đó, dự án xây dựng nhà ở giãn dân chưa có số liệu diện tích, giá bán. Như vậy, để đề án thành công và có hiệu quả, các chuyên gia đánh giá, cơ quan chức năng, lãnh đạo các bộ ban ngành TP cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai. Điển hình như UBND quận Hoàn Kiếm vừa có thông báo sắp hoàn thiện các dự án hạ tầng, trường học, điện nước phục vụ cho việc khởi công xây dựng nhà ở di dân vào cuối năm 2019.
Một trong các giải pháp được KTS Đào Ngọc Nghiêm đưa ra là, cần có cơ chế chính sách thích hợp, thu hút người dân. Với từng nhóm đối tượng khác nhau phải có cơ chế phù hợp.
Đặc biệt, cần nghiên cứu cụ thể mô hình của các khu giãn dân hợp lý với nhu cầu của người dân. Giãn dân không chỉ là bài toán cơ học, nó còn là bài toán kinh tế cần được giải quyết. Người dân sẽ sống và làm việc như thế nào để có thu nhập sau khi rời khỏi phố cổ - nơi làm ăn kinh doanh hàng chục năm nay của họ?
Cuối cùng, chính quyền cần tuyên truyền, vận động người dân hiểu và làm theo, việc di dân là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ, nhằm đảm bảo lợi ích cá nhân cũng như cộng đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận