Bảo đảm cân đối cung cầu thị trường, tránh thua lỗ cho người dân vùng vải thiều
Cử tri tại Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ, điều tiết giá các loại vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cân đối cung cầu thị trường, tránh thua lỗ cho người nông dân.
Tiếp tục Chương trình của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 7/6 diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chịu trách nhiệm trả lời chính về nhóm vấn đề này.
Tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra, trong đó có công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản; giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
Theo dõi phiên chất vấn qua truyền hình, cử tri Đặng Đình Sỹ, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đánh giá, ngay từ đầu, các vấn đề nóng, bức xúc của ngành nông nghiệp đã được các đại biểu đặt câu hỏi như: Giá vật tư nông nghiệp tăng phi mã, tình trạng ùn tắc hàng tại các cửa khẩu phía Bắc, nạn phân bón giả, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, điệp khúc được mùa mất giá… Các câu hỏi đã thể hiện được hơi thở cuộc sống, rất xác đáng, đáp ứng nguyện vọng của cử tri cả nước. Các đại biểu cũng tranh luận để làm rõ hơn vấn đề.
Theo cử tri Đặng Đình Sỹ, phần trả lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã thể hiện được trách nhiệm với vai trò là tư lệnh ngành; tuy nhiên, có câu hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa đầy đủ, rõ ràng về trách nhiệm quản lý của mình.
Về phần điều hành của chủ tọa, cử tri Đặng Đình Sỹ cho rằng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điều hành phiên chất vấn linh hoạt, thẳng thắn khi yêu cầu Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời đi thẳng vào vấn đề, không được đùn đẩy trách nhiệm cho địa phương để thể hiện rõ vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp.
Theo cử tri Đặng Đình Sỹ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được mệnh danh là thủ phủ của trái cây, nhất là vải thiều, do đó những vấn đề như giá vật tư nông nghiệp tăng phi mã, tình trạng ùn tắc hàng tại các cửa khẩu phía Bắc, nạn phân bón giả sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất của bà con nông dân huyện Lục Ngạn nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, cử tri đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ, điều tiết giá các loại vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cân đối cung cầu thị trường, tránh thua lỗ cho người nông dân. Các địa phương siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm, mở đợt tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương quan tâm làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, đại lý, hợp tác xã để cung ứng vật tư và bao tiêu nông sản.
Cùng bàn về phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cử tri Lê Thị Thảo, thành phố Bắc Giang cho rằng, để ngành nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng bền vững, Quốc hội cần sửa đổi Luật Đất đai nhằm tháo gỡ bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; ban hành cơ chế, chính sách để tích tụ đất đai trong nông nghiệp, tạo ra vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Cùng đó, ban hành hệ thống thông tin dự tính, dự báo tình hình giá cả thị trường đối với các mặt hàng nông sản để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; tăng cường đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, phòng, chống thiên tai, thích nghi với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận