24HMONEY đã kiểm duyệt
04/03/2024
Báo cáo chiến lược tuần 4/3 – 8/3/2024
Xin chào các anh chị, Thủy xin gửi đến các anh chị báo cáo chiến lược tuần 4/3 – 8/3/2024 với các nội dung chính sau, chúc anh chị có một tuần làm việc hiệu quả nhé
THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
TTCK Mỹ lập kỉ lục mới
Phát biểu thận trọng của các quan chức FED gần đây cho rằng xu hướng hạ nhiệt lạm phát cần được củng cố thêm bằng dữ liệu. Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số PCE tháng 1/2023 tăng phù hợp với kỳ vọng, trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 2 do Đại học Michigan khảo sát ở mức 76,9, thấp hơn mức 79,6 của Dow Jones ước tính và cũng thấp hơn số tháng 1 là 79.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục đà tăng trong tuần qua với động lực chính từ nhóm công nghệ. Chỉ số Nasdaq tăng 1,71%, S&P 500 tăng 0,95%; riêng DJIA giảm nhẹ 0,11%. Nasdaq và S&P 500 đang ở đỉnh cao nhất lịch sử.
S&P 500 đạt điểm cao mới khi đóng cửa phiên thứ Sáu tại 5.137,1 điểm. Với tín hiệu chỉ báo kỹ thuật RSI duy trì sức mạnh xu hướng và chỉ số S&P 500 đã bứt phá qua vùng đỉnh vừa qua tại 5.111 cho nhận định đà tăng sẽ tiếp diễn hướng đến vùng 5.162 trong ngắn hạn.
Tuần giao dịch tới, trọng tâm của thị trường sẽ hướng đến phiên điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch FED - Jerome Powell, phát biểu của các quan chức FED địa phương cùng các số liệu cập nhật mới nhất về sản xuất, thương mại và thị trường lao động Mỹ.
Giá dầu hồi phục
Tuần qua giá dầu hồi phục tương ứng 4,35% trên giá dầu WTI và 3,36% trên giá dầu Brent. Thị trường năng lượng đang kỳ vọng OPEC+ trong cuộc họp cấp Bộ trưởng vào ngày 03/04 sẽ gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng sang 2 quý cuối năm.
Dầu Brent kết tuần tại 83,33$/thùng. Tín hiệu kỹ thuật tích cực RSI cho thấy sức mạnh của dầu Brent đang hình thành thể hiện đà tăng sẽ duy trì và có thể bứt phá khỏi vùng tích luỹ 81 - 84 để hướng đến mục tiêu 85 - 86.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Đẩy mạnh đà tăng – Lan tỏa đến nhiều nhóm vốn hóa lớn ngoài Ngân hàng
TTCK Việt Nam quay lại đà tăng sau tuần tạm chững lại. VNIndex đẩy mạnh đà tăng khi đi lên 3,82% so với tuần trước và kết tuần ở ngưỡng 1.258,3 điểm. Qua đó, chỉ số đã đạt ngưỡng cao mới kể từ giữa tháng 9.2022. Tính chung, sàn HOSE cho thấy sự áp đảo ở chiều tăng với 300 mã bao phủ tất cả nhóm ngành.
Nhóm vốn hóa lớn và nhóm vốn hóa trung bình ngoài Ngân hàng đã nhận được hiệu ứng lan tỏa rõ nét sau giai đoạn đi ngang. Nổi bật là nhóm Chứng khoán, Thép – Tôn mạ, Dầu khí, Bán lẻ, CNTT, Cảng và Vận tải biển, Hóa chất, Thủy sản hay nhóm cổ phiếu đi cùng câu chuyện Đầu tư công với điểm sáng ở các mã đại diện SSI (+9,4%), GMD (+15,3%), DGC (+14%), VHC (+13,9%), PVD (+12,2%), PNJ (+9%), HPG (+8,6%), DGW (+8,6%), LCG (+8,2%).
Xét tại hai nhóm trụ cột Ngân hàng và Bất động sản đang cho thấy diễn biến trái chiều. Nhóm Ngân hàng duy trì động lực tăng với tâm điểm VCB (+9,4%) và là mã đóng góp nhiều nhất vào mức tăng chung. Trong khi đó, sức bật ở nhóm Bất động sản còn khá yếu, chủ yếu do hạn chế của các mã đầu ngành VHM (+1,5%), VIC (+0,1%). Dù vậy, trạng thái chung đang dần chuyển biến tích cực hơn khi một số mã tầm trung như KDH (+10,1%), HDG (+9,7%), NLG (+5,8%) có dấu hiệu hút tiền trở lại.
Dòng tiền duy trì nhịp độ sôi động
Thị trường duy trì nhịp độ giao dịch khá tốt với các nhóm cổ phiếu luân phiên tăng điểm. GTGD trung bình tuần qua đạt 26 nghìn tỷ, giảm không đáng kể 2% so với tuần trước.
Các nhóm ngành phân hóa khá mạnh. Các ngành Dịch vụ tài chính, Tài nguyên cơ bản, Thực phẩm & Đồ uống, Hàng công nghiệp, Bán lẻ, Dầu khí, Hàng cá nhân, CNTT, Y tế đều ghi nhận mức tăng thanh khoản tích cực. Ngược lại, nhóm Ngân hàng và Bất động sản, Xây dựng chậm lại đáng kể.
Nhóm VN30 chững lại, với GTGD giảm 5,6% so với tuần trước, khi nhóm Vingroup giao dịch chậm lại. HPG, SSI, MWG, FPT, và VCB là điểm sáng thu hút dòng tiền trong tuần..
Khối ngoại tiếp tục mua ròng
Khối ngoại ghi nhận tuần mua ròng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên GT mua ròng khiêm tốn đạt 116 tỷ đồng, giúp thu hẹp giá trị bán ròng từ đầu năm về -65 tỷ đồng.
Chiều mua ghi nhận lực mua ròng rất tốt ở các nhóm Tài nguyên cơ bản, Dịch vụ tài chính, và Hóa chất, với tâm điểm ở HPG, SSI, DGC, VIX, VND, BID, VCI, IDC, KBC.
Ngược lại, các ngành Thực phẩm & Đồ uống, Ngân hàng, Bất động sản, Dầu khí và Tiện ích tiếp tục chịu áp lực bán, đáng chú ý ở các mã FUEVFVND, VNM, VHM, VRE, MSN, VPS, PVS, STB, GAS.
ETFs duy trì xu hướng rút ròng
Nhóm quỹ ETF tiếp tục duy trì xu hướng rút ròng. Tổng giá trị rút ròng ghi nhận -345 tỷ đồng trong tuần, nâng tổng GT rút ròng từ đầu năm lên 2,7 nghìn tỷ đồng.
Áp lực rút vốn mạnh nhất tại quỹ DCVFM VN30 (-168 tỷ), DCVFM VNDiamond (-214 tỷ), Xtrackers FTSE Vietnam (-109 tỷ).
Ngược lại, điểm tích cực ghi nhận ở các quỹ Fubon tiếp tục tăng vốn (+149 tỷ), và iShares Frontier tạm ngừng rút vốn trong tuần.
CHIẾN LƯỢC THỊ TRƯỜNG
Nhận định kỹ thuật
Với xu hướng tăng trưởng chủ đạo trong tuần qua, VNIndex đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9.2022 tại vùng 1.264 và tạm chững lại.
Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX trên vùng tích cực và bắt đầu hình thành tín hiệu điều chỉnh sức mạnh xu hướng. Nhịp tăng mạnh gặp vùng kháng cự và các chỉ báo kỹ thuật trên ngưỡng quá mua, cho thấy đà tăng của VNIndex có thể gặp khó ngắn hạn.
Dự kiến chỉ số VNIndex sẽ dao động trong biên độ 1.236 - 1.264 vào tuần tới.
Khuyến nghị
Nắm giữ các mã duy trì xu hướng Tăng ngắn hạn và tiếp tục tận dụng vùng giá cao để bảo toàn lợi nhuận ở các mã đã tăng mạnh
Chờ đợi nhịp chững lại trên thị trường chung để cân nhắc giải ngân mới vào những nhóm đang tích lũy chặt chẽ và dòng tiền có dấu hiệu cải thiện (nhóm Dầu khí).
Bình luận