24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thủy Tiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bàn tròn chứng khoán: Nhóm cổ phiếu nào sẽ là điểm đến của dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ?

Dòng tiền đang luân phiên từ các cổ phiếu được hưởng lợi từ giá dầu giảm như phân bón, hóa chất, nhựa, săm lốp..., đến các cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng, đường, xi măng, thép... Liệu trong tuần tới, nhóm cổ phiếu nào sẽ là điểm đến của dòng tiền? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần mới.

TTCK đã có phiền hồi nhẹ trở lại trong phiên cuối cùng của tháng 4, khép lại mức tăng hơn 16% trong cả tháng. Sau kỳ nghỉ lễ, TTCK sẽ chuyển động theo xu hướng nào, theo cảm nhận của ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Khi dịch Covid đã đi đến đỉnh tại nhiều quốc gia thì mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ hướng sang các thông tin kinh tế. Mà điều rõ ràng là nhiều nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đều sẽ gặp khó khăn lớn trong quý II này và có thể các quý tiếp theo. Chính vì thế, tôi nghiêng về kịch bản giá cổ phiếu phân hóa, những cổ phiếu tăng giá mạnh khi gặp thông tin tiêu cực giá sẽ điều chỉnh.

Ngược lại, có thể sẽ còn nhiều cổ phiếu tiếp tục đà tăng giá thêm nữa và nó cũng phụ thuộc lớn vào thông tin tích cực. Nhìn chung, VN-Index sẽ chịu áp lực tại mốc 800 điểm nhưng cũng sẽ được hỗ trợ tại 740-750 điểm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Theo tôi xu hướng thị trường sẽ chuyển biến xấu hơn hoặc ít nhất sự tích cực của tháng 4 cũng giảm đi. Tháng "Sell In May" đã tới và dù tỷ lệ tăng/giảm tháng 5 trong lịch sử khá cân bằng, tháng tồi tệ nhất của TTCK Việt Nam thường là tháng 11.

TTCK có đợt tăng điểm dữ dội trong tháng 4 bất chấp các thông tin xấu tháng 4 và cách ly toàn xã hội, dù được lý giải bởi việc bắt đáy khi thị trường giảm sâu trong quý I và số lượng tài khoản mở mới của các nhà đầu tư nhiều nhất trong 2 năm.

Ngoài ra, việc cách ly cũng thúc đẩy các động thái kiếm tiền online như chứng khoán. Tuy vậy, do mức tăng quá mạnh bất chấp kinh tế đi xuống, giai đoạn phục hồi vẫn còn là ẩn số nên khả năng chốt lời sẽ mạnh lên, thanh khoản đang yếu dần.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Trong vài năm gần đây, thị trường thường tạo sóng lớn từ khoảng cuối tháng 12 trở đi và đi vào giai đoạn điều chỉnh từ tháng 4 cho đến tháng 6. Năm nay, một cơn lốc downtrend vì virus đã cuốn thị trường mất hơn 300 điểm chỉ trong 2 tháng.

Những gì xấu nhất đã phản ánh tương đối đầy đủ vào thị trường và vì vậy vào giai đoạn tháng 5 những áp lực điều chỉnh sẽ đỡ áp lực hơn. Tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn nhờ Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát được dịch bệnh, vì vậy cơ hội hồi phục kinh tế càng nhanh hơn.

Bàn tròn chứng khoán: Nhóm cổ phiếu nào sẽ là điểm đến của dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ?
Ông Nguyễn Hồng Khanh

Cũng biết rằng cuộc chiến còn dài và nền kinh tế nói chung cũng như doanh nghiệp nói riêng sẽ còn chịu nhiều tổn thương, vì vậy sự thận trọng là không bao giờ thừa. Những tuần đầu tháng 5 có thể thị trường sẽ vẫn giữ nhịp tốt và thậm chí tăng trưởng theo từng nhóm ngành nhỏ. Riêng chỉ số sẽ không có nhiều biến động lớn như giai đoạn tháng 2,3 vừa qua mà sẽ giao động trong biên độ hẹp hơn.

Bước sang tháng 5 cũng là thời điểm tái mở cửa kinh tế ở nhiều quốc gia và đỉnh dịch covid-19 dường như đã ở lại phía sau do vậy các thị trường sẽ có phản ứng tích cực với triển vọng dịch bệnh sẽ được kiềm chế cũng như kỳ vọng về thuốc điều trị covid-19. Điều này có giúp thị trường bước vào một đợt sóng mới trong tháng 5, sau những phiên điều chỉnh?

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Như tôi đã nói ở trên, TTCK sẽ phân hóa mạnh và cơ hội sẽ đến với từng cổ phiếu riêng biệt. Chỉ số có thể đi ngang trong vùng 50 điểm nhưng giá nhiều cổ phiếu sẽ có thay đổi tương đối lớn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Đợt sóng mới theo tôi là khó do dòng tiền yếu, trong các nhà đầu tư trên thị trường bao gồm nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức trong nước, tự doanh CTCK thì ngoại trừ nhà đầu tư cá nhân là nhóm mua ròng duy nhất còn tất cả các nhà đầu tư còn lại tất cả đều bán ròng.

Số liệu chỉ ra nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 14 tuần liên tiếp (nghĩa là ngay sau Tết), nhà đầu tư tổ chức cũng bán ròng 5 tuần liên tục. Bởi thế lực đỡ duy nhất của thị trường trong giai đoạn tăng vừa qua chủ yếu là từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Nhà đầu tư cá nhân vốn thường đầu tư ngắn hạn, tiền cũng ít hơn các nhà đầu tư nhóm khác nên tâm lý cũng yếu hơn. Do đó, khó mà duy trì thị trường tích cực trong thời gian dài được nếu các nhà đầu tư khác chưa thay đổi quan điểm.

Việc phục hồi kinh tế dù có thể có triển vọng nhưng không phải ngày 1, ngày 2 mà cần thời gian dài. Các doanh nghiệp cũng cần phải thu hút lại khách hàng, nhiều người cũng bị ảnh hưởng thu nhập nên phải tiết kiệm nhiều hơn chưa thể thúc đẩy tiêu dùng một cách mạnh mẽ ít nhất trong ngắn hạn.

Bàn tròn chứng khoán: Nhóm cổ phiếu nào sẽ là điểm đến của dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ?
Ông Phan Dũng Khánh

Do vậy, con sóng mới tháng 5 là khó, trường hợp tích cực nhất có thể duy trì đà tăng chậm trong bối cảnh giá đã tăng quá mạnh hồi tháng 4. Việc tăng như thế sẽ giúp thị trường sớm quay lại đỉnh cũ 2018 là điều phi lý nhất là khi TTCK đã giảm từ hồi 2 năm trước chứ không chỉ bởi dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Tình hình dịch bệnh chung trên toàn cầu đang hạ nhiệt dù số ca nhiễm mới còn khá cao mỗi ngày. Những tin tức về các gói cứu trợ, thỏa thuận thương mại, giá dầu, thuốc điều trị hay vaccin có thể tạo niềm tin ngắn hạn giúp thị trường khởi sắc nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn là ẩn số khó lường trong năm nay, đặc biệt là ngay cao điểm quý 2 đang diễn ra.

Chính vì vậy, sẽ có sự phân hóa rất mạnh giữa nhóm cổ phiếu được hưởng lợi so với phần còn lại và những nhóm này sẽ có sự bức phá mạnh mẽ hơn. Nếu xét trên bình diện toàn thị trường dĩ nhiên phần thiệt hại từ dịch bệnh sẽ nhiều hơn hẳn vì vậy khả năng thị trường vẫn sẽ có phản ứng tiêu cực khi kết quả kinh doanh được công bố.

Ít nhất trong tháng 5 thị trường có thể đi ngang cho đến sau tháng 6 thì các yếu tố tiêu cực mới thấm dần và thể hiện qua chỉ số chứng khoán.

Do trước đó giá cổ phiếu đã điều chỉnh 30% - 50% nên giai đoạn này tôi cho rằng mức giảm nếu có sẽ nhẹ nhàng hơn. Dĩ nhiên như đã nói ở trên, vẫn có nhiều nhóm ngành sẽ đi ngược thị trường trong giai đoạn này.

Về cơ hội đầu tư, dòng tiền đang luân phiên từ các cổ phiếu được hưởng lợi từ giá dầu giảm như phân bón, hóa chất, nhựa, săm lốp…, đến các cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng, như đường, xi măng, thép… Trong tuần tới, nhóm cổ phiếu nào sẽ là điểm đến của dòng tiền, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Với kịch bản thị trường sideway down nhẹ thì nhóm cổ phiếu lớn vẫn có xu hướng hỗ trợ điểm số nhưng sẽ không quá lớn.

Hiện tại, nhiều báo cáo đang đưa ra xu hướng tích cực với một số mảng về đầu tư công gồm các ngành vật liệu xây dựng như thép, xi măng, đá; mảng về Công nghệ như FPT; mảng bán lẻ như MWG, PNJ ... và khu công nghiệp. Tuy nhiên, mọi thứ đều không đơn giản như vậy và quá trình này còn kéo dài cho đến khi nó thể hiện trên báo cáo tài chính.

Một yếu tố nữa dù có hưởng lợi nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội tiếp cận khi nguồn lực đã suy yếu do dịch. Do đó nhà đầu tư cũng cần phải phân tích, tính toán thận trọng và lựa chọn cổ phiếu tiêu biểu nhất cho lựa chọn của mình.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Với xu thế đang yếu dần và các nhà đầu tư khác như nhà đầu tư nước ngoài, tự doanh... vẫn còn liên tục bán ra thì bệ đỡ từ nhà đầu tư cá nhân thật khó mà bền vững. Do đó, nhóm penny và chứng khoán phái sinh sẽ được hưởng lợi giống giai đoạn quý I khi TTCK đi xuống.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Một trong những nhóm ngành có thể quan tâm trở lại trong giai đoạn hiện tại ngoài nhóm săm lốp, phân bón, xây dựng còn có nhóm bất động sản khu công nghiệp.

Với những doanh nghiệp đang có quỹ đất sẵn và dồi dào về dòng tiền thì cơ hội phát triển dài hạn có nhiều lợi thế hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Đây cũng là lĩnh vực sẵn sàng tiếp nhận làn sóng FDI sẽ dịch chuyển vào Việt Nam trong thời gian tới.

Nhóm dầu khí có thể dao động theo tình hình giá dầu mà hiện tại khả năng giá dầu có thể hồi phục ngắn hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cẩn trọng sóng cổ phiếu nhóm dầu khí sẽ rất ngắn hạn vì khả năng kỳ vọng giá dầu hồi phục về vùng 50 – 60 USD còn rất lâu và khó có thể đạt được trong năm nay.

Chiến lược tận dụng những nhịp điều chỉnh trong thời gian tới để tích lũy thêm cổ phiếu cơ bản tốt và triển vọng tăng trưởng tích cực trong cả năm có phù hợp trong giai đoạn này?

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Nhiều cổ phiếu đã hồi phục lại 20-30% nhưng chưa đạt đến vùng giá hợp lý, do đó vẫn còn nhiều dư địa để giá cổ phiếu tăng tiếp. Vì thế, nếu lựa chọn chiến lược đầu tư dài hạn, có tầm nhìn cho đến khi toàn cầu hồi phục tức 2 năm nữa thì cơ hội là rất lớn và ở rất nhiều công ty. Tuy nhiên, để có được cái nhìn như vậy không đơn giản khi nhà đầu tư không thể chờ đợi đến như vậy.

Bàn tròn chứng khoán: Nhóm cổ phiếu nào sẽ là điểm đến của dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ?
Ông Nguyễn Hữu Bình

Một điểm nữa nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng, khi dịch qua đi chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ, ngược lại sẽ có nhiều doanh nghiệp buộc phải ra đi và nhường chỗ cho kẻ mạnh. Do đó, dù có tầm nhìn dài hạn thì nên lựa chọn cổ phiếu thận trọng.

Những cổ phiếu nên được ưu tiên là những doanh nghiệp có tiềm lưc tài chính mạnh mẽ, có thương hiệu và có tầm nhìn, Ban lãnh đạo có tầm nhìn cũng như có bản lĩnh trong những thời khó khăn như đã từng vượt qua khủng hoảng năm 2008 để vươn lên.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng

Theo tôi là không, việc tích lũy dài hạn là chưa nên trong lúc này. Việc thị trường có thể giảm sâu trở lại hoặc xuyên đáy cũ hồi tháng 3 dù chưa thể khẳng định nhưng một khi các dòng tiền lớn vẫn ngoảnh mặt với thị trường và thị trường được duy trì chủ yếu với dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân vốn thường chỉ lướt sóng ngắn hạn sẽ khó mà bền vững.

Một khi các dòng tiền lớn dần quay lại khi đó việc mua tích lũy dài hạn sẽ tốt hơn. Vì giả sử chứng khoán không giảm nữa nhưng nếu dòng tiền thị trường yếu thì giá khó duy trì được đà tăng, nếu không giảm thì cũng duy trì việc tích lũy đi ngang trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng cơ hội cho những nhóm ngành hay lĩnh vực khác.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Tại vùng giá hiện tại có thể xem là công bằng và có thể xem xét đầu tư nếu nhìn lạc quan về dài hạn. Giả sử dịch Covid tiếp tục được kiểm soát trong nước và các hoạt động kinh tế có thể trở lại bình thường từ năm sau.

Ở đây cũng cần xét bối cảnh chung kinh tế toàn cầu cũng hồi phục và đã đẩy lùi được dịch bệnh thì với mức giá hiện tại nhiều cổ phiếu rất đáng để đầu tư nắm giữ dài hạn. Chúng ta cần lưu ý những doanh nghiệp đang vận hành hiệu quả, có hệ khách hàng lớn có sẵn và tiềm lực tài chính mạnh sẽ là những doanh nghiệp đứng vững sau đại dịch và sẽ nhanh chóng vượt lên sau khi đại dịch kết thúc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả