Bàn tròn chứng khoán: Giai đoạn phù hợp để lướt sóng ngày T+?
Mặc dù thị trường vẫn duy trì đà tăng nhưng dấu hiệu bán ra đã gia tăng khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên cuối tuần. Trong đó, nhóm cổ phiếu "họ Vingroup" và một số mã ngân hàng cũng đã có dấu hiệu chững lại. Cơ hội sẽ dành cho nhóm cổ phiếu nào và giai đoạn này có phù hợp để lướt sóng ngày T+? Cùng Báo Đầu tư chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.
Các chỉ số và nhiều cổ phiếu có dấu hiệu chững đà sau khi vượt thành công ngưỡng 1.000 điểm, thị trường trở lại dao động trong biên độ hẹp. VNIndex đã có 5 phiên giao dịch ở trạng thái tiến sát lên vùng 1.030 và bị lực bán dội lại ở phiên cuối. Điều này cho thấy áp lực cung ở vùng 1.030 điểm là tương đối lớn trong khi lực cầu chưa đủ mạnh để giúp chỉ số bứt phá. Kịch bản thị trường trong tuần tới sẽ theo hướng nào, theo các ông, bà?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Tăng vững là xu hướng chính của thị trường trong nước cùng xu hướng với thị trường thế giới, tuần vừa qua cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index và tuần tăng thứ 5 liên tiếp của chỉ số VN30.
Đà tăng đã giúp thị trường lập đỉnh mới kể từ đầu năm và đang ở mức cao kể từ tháng 10/2018, chỉ số tăng được hỗ trợ bởi thanh khoản lên cao nhất 8,5 tuần và cao hơn 30% so với bình quân kể từ đầu năm.
Tuy vậy, đà tăng của thị trường đang có dấu hiệu chững lại khi chỉ số tiến vào cùng cản từ mức đỉnh tháng 10/2018 ở 1.024,68 điểm đến 1.030 điểm. Do vậy, kịch bản trong tuần tới khả năng thị trường sẽ có sự điều chỉnh ở các phiên đầu tuần, điều này là hoàn toàn bình thường trong quá trình tăng điểm vừa qua của thị trường, đặc biệt là nhóm Vn30 đang có chuỗi tăng dài nhất kể từ đầu năm.
Thông thường, sau quá trình bứt phá khỏi vùng tích lũy thì những quãng nghỉ điều chỉnh để rũ bớt hàng lỏng lẻo hoặc tái tích lũy để lấy thêm năng lượng là cần thiết để thị trường có thể tăng bền vững hơn. Do vậy, nhịp điều chỉnh (nếu có) nên được coi là nhịp điều chỉnh mang tính kỹ thuật do xu hướng tăng vẫn là xu hướng chính của thị trường.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)
Quan sát diễn biến giao dịch tuần qua, cảm giác chung là mức 1.030 có vẻ là mức cản khó vượt, tuy nhiên tôi nghĩ lý do là biến động trái chiều của các mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.
Tuần qua, trong nhóm cổ phiếu vốn hóa trên 1 tỷ đô ở HOSE, tôi thấy số mã tăng – giảm giá là tương đương, 11 vs 10, nhưng tác động từ nhóm giảm giá mạnh hơn chút, do tập trung những mã lớn như VNM, VIC, VJC…
Trong nhóm tăng, có những mã “khủng” như VHM, MSN… Ngân hàng vẫn đóng góp nhiều cổ phiếu cho nhóm tăng, nhưng để coi là đối trọng với nhóm giảm trong “việc đỡ chỉ số” thì chỉ có VCB. Khối ngoại có lẽ là 1 tác nhân níu chỉ số. VNM tuần qua giảm mạnh nhất trong số những mã vốn hóa tỷ đô, -2,4%, có “đóng góp” khá lớn từ khối ngoại (bán ròng liên tục). Tương tự là VJC, NVL.
Tuần tới, tôi lại nghĩ là chỉ số VN-Index có thể tăng. Cho dù có 1 số mã vốn hóa lớn đang đến lúc chốt lời, nhưng không thiếu mã có thể tăng, trong đó có cả cổ phiếu ngân hàng.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Thanh khoản đang giảm dần đều nên việc thị trường vượt được 1.030 điểm rõ ràng là bị thử thách, hầu như mọi người đều chờ đợi giá vượt qua mốc này mới tham gia mạnh nên làm thanh khoản giảm. Điều này khiến cho thị trường gần như đi ngang suốt tuần qua.
Ông Phan Dũng Khánh
Do đó, để vượt được mốc này phụ thuộc vào việc dòng tiền quay lại mạnh mẽ hơn, có thể từ các thông tin quốc tế như thương chiến tiếp tục tích cực, chứng khoán lên tầm cao mới và trong nước triển vọng kinh tế cũng như hoạt động doanh nghiệp tích cực để có thể hút dòng tiền giúp thị trường vượt qua mốc 1.030.
Ngược lại có thể làm thị trường đi ngang thêm thời gian ngắn nữa nếu không có diễn biến nào xấu hơn thì xu hướng tích lũy cũng có thể giúp giá vượt qua mốc này.
Dù cho rằng biến động của chỉ số không quá quan trọng, nhưng nhiều người vẫn kỳ vọng khi VN-Index vượt 1.000 điểm sẽ kích hoạt dòng tiền lớn nhập cuộc, nhưng diễn biến thị trường tuần vừa qua cho thấy, nhà đầu tư vẫn rất thận trọng. Có thể cắt nghĩa hiện tượng như thế nào?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Đúng là có hiệu ứng về thanh khoản khi VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, như đã phân tích ở trên, thanh khoản thị trường trong tuần vừa qua đã đạt mức cao nhất trong 8,5 tuần và cao hơn 30% so với bình quân kể từ đầu năm. Điều này cho thấy khi thị trường vượt cản sẽ kích hoạt dòng tiền lớn nhập cuộc. Tuy vậy, mặt bằng tăng giá ở cổ phiếu lại không đi cùng với sự sôi động của thanh khoản.
Theo thống kê trên sàn HSX, kể từ phiên cuối tháng 10 cho tới nay, chỉ có 43,5% số mã tăng trong khi có 49,5% số mã giảm giá và chỉ có 20% số mã thắng được thị trường. Ngay cả ở rổ Vn30 đang có 5 tuần tăng liên tiếp thì cũng chỉ có 1/3 số mã đánh bại được Vnindex trong cùng thời gian trên.
Đó có thể là một trong những lý do khiến nhà đầu tư vẫn rất thận trọng, ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: 1) Khoảng thời gian từ nay đến cuối năm có thể là vùng trũng thông tin đối với thị trường trong nước, 2) Trong khi đó thị trường chứng khoán thế giới đang ở đỉnh cao mới, 3)Thị trường trong nước cũng đang ở mức đỉnh kể từ tháng 10/2018 trong khi thanh khoản lên cao 8,5 tuần mà chỉ số không thể tăng thêm, dưới góc độ kỹ thuật thì đó là dấu hiệu cho thấy thị trường có khả năng điều chỉnh ngắn hạn.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)
Thực tế tôi nghĩ khó mà nói rằng dòng tiền lớn chưa vào. Hay nói cách khác, dòng tiền lớn có khi vẫn vào ra liên tục đó thôi, nhưng lúc thì mua ròng, lúc bán ròng. Chỉ có nhà đầu tư nhỏ thì có vẻ ngại nên dòng tiền từ họ (có nên gọi là dòng tiền nhỏ không nhỉ?) chưa vào.
Ngoài ra, ở công ty chúng tôi có 1 công cụ tính toán và đếm số lượng cổ phiếu “thắng – thua” sau T+3, tức là ví dụ nếu mua ngày T thì đến T+3 sẽ lời hay lỗ. Với công cụ đó, chúng tôi thấy rằng dù VN-Index tăng 0,7% trong tuần qua, nhưng nhìn chung số mã “thắng” trên sàn HOSE vẫn ít hơn số mã “thua”.
Ông Hoàng Thạch Lân
Tuy vậy, khi xem xét kỹ hơn trong các nhóm vốn hóa, thì thấy rõ ràng là tỷ lệ “thắng” (tức mua ngày T và đến ngày T+3 thì lời) lại nghiêng hẳn về nhóm tỷ đô và 1 số largecap khác. Tôi không biết nhà đầu tư nhỏ lẻ có tập trung “đánh” những largecap, những cổ phiếu tỷ đô đó không, chứ thường chỉ có dòng tiền lớn mới kéo được những cổ phiếu đó.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Tâm lý nhà đầu tư vẫn có phần chưa vững làm thanh khoản giảm sút khi thị trường nhiều lần vượt 1.000 rồi lại quay trở xuống và 1.030 trước mặt là một ngưỡng kháng cự tương đối, do đó nhà đầu tư cũng có sự thận trọng nhất định trong giai đoạn này.
Tuy vậy, nếu thông tin kinh tế trong và ngoài nước vẫn theo chiều hướng tích cực như hiện nay cũng như việc tích lũy này đủ cùng với nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng trở lại sẽ giúp thị trường thoát khỏi xu hướng đi ngang này.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến trái chiều tạo ra nhiều lần trồi sụt về điểm số trong phiên. Nhóm cổ phiếu “họ Vingroup” và một số nhóm ngân hàng cũng đã có dấu hiệu chững lại. Cơ hội đang dành cho nhóm nào, theo các ông/bà?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Nhóm ngân hàng vẫn dẫn đầu về thanh khoản, tiếp theo là nhóm Vingroup, vật liệu xây dựng, bất động sản, chứng khoán… do vậy dòng tiền vẫn tập trung ở các nhóm này, cơ hội vẫn dành cho các cổ phiếu có câu chuyện hoặc triển vọng kinh doanh khả quan.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu trong rổ Vn30 cũng rất đáng chú ý khi bộ chỉ số mới (Diamond, VNFIN SELECT và VNFIN LEAD) đang được giới đầu tư dự đoán sẽ sớm được cấp phép vận hành ngay trong trung nửa cuối tháng 11.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)
Tôi nghĩ vẫn là largecap và cả midcap. Một khi dự báo VN-Index còn tăng, tôi nghĩ largecap vẫn là nhóm duy nhất kéo chỉ số. Ngân hàng vẫn có những mã còn tăng, chứ không hẳn chững lại. Ngoài ra, diễn biến cuối tuần cũng cho thấy dòng tiền có thể đang chảy vào nhiều hơn ở nhóm midcap.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Theo tôi nhóm bluechip này vẫn mạnh và dẫn dắt thị trường, tuy vậy việc tăng khá nhiều thời gian qua cũng làm nhóm này cần chút thời gian "nghỉ ngơi" trước khi quay trở lại đường đua nhất là giai đoạn này là giai đoạn cuối năm cần giữ vững sức mạnh cũng như mục tiêu của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, các cổ phiếu bluechip khác thuộc nhóm công nghệ, tiêu dùng... cũng trỗi lên giai đoạn gần đây đã hỗ trợ thị trường như chúng ta cũng thấy sau thời gian dài không qua được 1.000 điểm thì thị trường cuối cùng cũng đứng vững được trên mốc này.
Trong ngắn hạn, hay còn gọi lướt sóng ngày T+, thì giai đoạn này có phù hợp?
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Về chiến lược đầu tư: nhà đầu tư có thể cân nhắc tích lũy thêm cổ phiếu trong nhịp điều chỉnh này. Vùng hỗ trợ khi thị trường điều chỉnh có thể ở 1.010 điểm đến 1.015 điểm. Trong trường hợp khả quan, tức thị trường quay lại xu hướng tăng điểm thì vẫn cần kiểm chứng vùng kháng cự mạnh ở 1.024,68 điểm – 1.030 điểm.
Ông Ngô Quốc Hưng
Nếu thị trường có thể bứt phá với sự hỗ trợ của thanh khoản khi đó có thể tiếp tục nắm giữ hoặc tăng tỷ trọng, trường hợp ngược lại nên giảm tỷ trọng. Nhịp điều chỉnh (nếu có) thì mang tính kỹ thuật vì vậy không nên lướt sóng trong giai đoạn này.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)
Tôi nghĩ vẫn đáng để đánh cược, nếu nhà đầu tư vẫn cho rằng xu thế tăng còn tiếp diễn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Theo tôi lúc nào T+ cũng phù hợp, cái khó là mỗi giai đoạn có sóng từng nhóm, loại, ngành của các cổ phiếu là khác nhau. Do vậy, nếu chọn sai hoặc lúc giai đoạn thị trường vào xu hướng tăng dài đánh sóng T+ dễ dẫn tới mất hàng hoặc giai đoạn chuyển sóng liên tục dễ làm nhà đầu tư say sóng hoặc sóng T+ quá ngắn cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư. Vì thế, nhà đầu tư cần xác định tương đối chính xác xu hướng dòng tiền để có thể chọn lựa cổ phiếu phù hợp cho từng giai đoạn của sóng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận