Bàn tay tội phạm trong vụ mất sạch giấy tờ lô hàng Việt xuất khẩu 162 tỷ
Trong quá trình vận chuyển, 36 container điều đã bị mất sạch giấy tờ gốc. Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, có sự xuất hiện của bàn tay tội phạm trong sự việc.
Chiều 9/3, Ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã thông tin về vụ việc hy hữu, nghi có sự sắp đặt có của bàn tay tội phạm khi lô hàng điều của Việt Nam bị mất toàn bộ chứng từ gốc trong quá trình xuất khẩu sang thị trường Ý.
Theo số liệu Vinacas đính chính so với trong văn bản khẩn phát đi ngày 8/3, tổng cộng đã có 5 DN mất quyền kiểm soát với 36 container hàng tương đương với 36 bộ chứng từ gốc đi kèm. Giá trị số hàng bị mất là 7.025.000 USD, tương đương số tiền 162 tỷ đồng. Hiện, thông tin có được đều hết sức bất lợi bởi việc ngân hàng và DN mất chứng từ gốc sẽ khiến hàng chục container hàng có thể mất trắng bất cứ lúc nào.
Sự việc được hiểu như sau, từ tháng 2/2022, 5 DN xuất khẩu điều Việt Nam thực hiện giao dịch quốc tế qua giải pháp thanh toán D/P (Documents against Payment) tức là phương thức nhờ thu với 5 ngân hàng trong nước. Để dễ hình dung, D/P có các công đoạn thực hiện sau:
- Người bán tại Việt Nam ký hợp đồng với người mua tại Ý
- Người mua chỉ định ngân hàng và cảng đến tại Ý trong hợp đồng
- Người bán giao hàng cho hãng tàu vận chuyển và nhận bộ chứng từ gốc
- Bộ chứng từ gốc được người bán đem đến ngân hàng của người bán tại Việt Nam và nộp lại, nhờ ngân hàng này thu tiền
- Ngân hàng tại Việt Nam sẽ gửi bộ chứng từ gốc qua công ty chuyển phát đến ngân hàng của người mua tại Ý.
- Khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ gốc thì lập tức trả tiền cho ngân hàng tại Việt Nam. Sau đó, ngân hàng này sẽ giao lại bộ chứng từ gốc cho người mua tại Ý để người mua ra cảng nhận hàng.
Đây là phương pháp khép kín thanh toán trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng tại Ý lại không nhận được bộ chứng từ gốc mà chỉ là bộ photocopy. Do đó, các ngân hàng này không chấp nhận thanh toán tiền hàng. Trong khi, theo thông lệ quốc tế, bất kỳ ai cầm chứng gốc đến gặp hãng tàu thì đều được quyền lấy hàng. Nếu các hãng tàu không cho lấy hàng thì chính họ sẽ bị khởi kiện.
"Khi chứng từ đến các ngân hàng nước ngoài thì họ đều xác nhận là bản photocopy chứ không phải bộ chứng từ chính nên họ không trả tiền. Không ai hiểu nổi bộ chứng từ gốc đã mất ở giai đoạn nào", ông Nhựt thông tin.
Trong buổi làm việc diễn ra sáng 9/3, đại diện các ngân hàng Việt Nam cho biết, họ đều gửi chứng từ gốc qua hãng chuyển phát nhanh nổi tiếng toàn cầu DHL. Câu hỏi đặt ra là bộ chứng từ bị đánh mất, thay đổi, đánh tráo khi nào? Có hai giả thuyết được các bên đưa ra.
Một, chứng từ gốc mất từ bộ phận chuyển phát nhanh của DHL. Hai, DHL đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển phát nhưng khi chứng từ tới ngân hàng Ý thì bị đánh tráo ngay thời điểm đó. Dù với giả thiết nào thì tình hình lúc này rất cấp bách bởi chỉ ít ngày nữa toàn bộ các container hàng sẽ cập cảng tại Ý và có thể rơi vào bất kỳ tay ai.
Hiện, Vinacas đã gửi văn bản "kêu cứu" tới hàng loạt Bộ, đồng thời Thương vụ Việt Nam tại Ý, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cũng đã vào cuộc nhưng hy vọng giải quyết sự việc là không hề dễ dàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận