Bán ròng nhóm vốn hóa lớn, vì sao khối ngoại mua cổ phiếu POW?
Cổ phiếu POW -Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam tiếp tục được khối ngoại mua mạnh, trong bối cảnh bán hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường và tập trung "xả hàng" nhóm vốn hóa lớn.
Phiên giao dịch ngày 30/5 cổ phiếu POW đóng cửa 12.800 đồng/cp với tổng khối lượng giao dịch 21,5 triệu đơn vị. Đây là vùng giá cổ phiếu cao nhất của POW trong vòng 01 năm qua. Điều đặc biệt trong 03 phiên giao dịch gần đây, khối ngoại tiếp tục mua ròng cổ phiếu POW. Cụ thể, phiên 27/5 khối ngoại mua vào 2,2 triệu cổ phiếu với tổng giá dịch 26,7 tỷ đồng; Phiên giao dịch ngày 28/5 khối ngoại mua vào 2,3 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch 27,7 tỷ đồng; Phiên giao dịch ngày 29/5 khối ngoại mua 3,7 triệu cổ phiếu với tổng gía trị giao dịch 46,4 tỷ đồng. Vì sao khối ngoại lại tiếp tục mua vào cổ phiếu POW như vậy?
POW vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính trong tháng 4/2024 với tổng doanh thu ước đạt 3.278 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và đạt 138% kế hoạch tháng. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu ước đạt 9.401 tỷ đồng. Trong đó Nhà máy điện Cà Mau 1&2 đóng góp nhiều nhất với 1.210 tỷ đồng doanh thu, Nhà máy điện Vũng Áng 1 đóng góp 1.172 tỷ đồng doanh thu và Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 đóng góp 794 tỷ đồng doanh thu.
Theo Ban Lãnh đạo POW, tháng 4 là thời điểm cuối mùa khô tại miền Nam, đầu mùa khô ở miền Trung, bắt đầu mùa nắng nóng tại miền Bắc. Nhiệt độ bình quân tăng cao, gây nắng nóng gay gắt trên khắp cả nước. Nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trên cả 3 miền, đặc biệt tại TP.HCM nhiều ngày vượt đỉnh tiêu thụ điện trong lịch sử. Giá điện thị trường toàn phần (FMP) bình quân tháng 4 tăng so với các tháng đầu năm, dự kiến đạt khoảng 1.745 đồng/kWh. Với tốc độ bán điện ngày nắng nóng dự báo doanh thu bán điện của POW sẽ đạt đỉnh trong mùa hè nắng nóng 2024.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, trong năm 2024, POW đặt mục tiêu dự án nhà máy điện nhiên liệu LNG Nhơn Trạch 3&4 sẽ đáp ứng tiến độ vận hành thương mại theo đúng kế hoạch (ngày 15/11/2024 đối với nhà máy Nhơn Trạch 3 và ngày 15/5/2025 đối với nhà máy Nhơn Trạch 4). Liên quan đến Nhà máy LNG hiện EVNNPT hiện đang đầu tư 3 đường dây truyền tải phục vụ mục đích giải tỏa công suất cho dự án điện nhiên liệu LNG, trong đó có đường dây Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 – rẽ Mỹ Xuân – Cát Lái (220 kV, chủ trương đầu tư được phê duyệt ngày 5/4/2024), Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 - Trạm biến áp 500 kV Long Thành 220 kV và Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 4 – rẽ Phú Mỹ - Nhà Bè 500 kV.
Hiện POW cũng đang xúc tiến đầu tư nhà máy điện nhiên liệu LNG Quảng Ninh. Dự án này là liên danh giữa POW (30% cổ phần), Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi), Tokyo Gas và Marubeni Corporation. Tính đến tháng 5/2024, quy hoạch 1/500 của dự án đã được phê duyệt. Bên cạnh các dự án trên, POW sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ hội đầu tư vào các dự án điện tiềm năng trong tương lai, thông qua đầu tư trực tiếp và M&A hoặc thông qua các công ty con, điều này cho thấy câu chuyện dài hạn của POW.
Như đã đề cập ở trên, POW đặt kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 lần lượt là 31,7 nghìn tỷ đồng (+9% ) và 824 tỷ đồng (-36% svck), với giả định sản lượng phục hồi 16,7 tỷ kWh (+16% svck). POW cũng đang lên chi tiết cho kế hoạch tăng vốn cho các dự án đang triển khai. Tuy nhiên, SSI lưu ý nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu POW, đó là nhu cầu điện yếu hơn dự kiến có thể khiến giá thị trường điện (FMP) giảm. Biến động không lường trước của giá khí, LNG và than. Thời tiết kém thuận lợi hơn dự kiến ảnh hưởng tới công suất hoạt động của các nhà máy thủy điện. Dự án Nhơn Trạch 3&4 vận hành thương mại chậm hơn dự kiến.
Với ước tính lợi nhuận ròng chỉ tăng 11% trong 2024 song tặng mạnh 62% trong 2025 nhờ sản lượng bổ sung từ Nhà máy Nhơn Trạch 3&4, nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu POW với giá mục tiêu 15.500 đồng/cp và cắt lỗ khi cổ phiếu này thủng vùng giá nền 12.000 đồng/cp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận