Bán khống có bảo đảm còn có thể là công cụ phòng ngừa rủi ro
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thời báo Ngân hàng về quy định bán khống có bảo đảm đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, ông Chu Hà Thanh, Trưởng Phòng Phân tích, CTCP Chứng khoán BOS cho biết, không chỉ là công cụ tìm kiếm lợi nhuận, bán khống còn có thể
Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết ban hành quy định này trong bối cảnh hiện nay?
Bán khống là một trong các giao dịch chứng khoán (CK) cơ bản trên thị trường nhằm hỗ trợ NĐT tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn thị trường hoặc CK giảm điểm. Đây là một trong những cơ sở hình thành giao dịch cho TTCK tại các thị trường phát triển. Thị trường Việt Nam hiện tại đang trong giai đoạn phát triển nên việc cho phép NĐT sử dụng giao dịch bán khống là bước đi cần thiết để giúp thị trường Việt Nam tiến gần đến thế giới.
Bên cạnh đó, trong các năm vừa qua, chúng ta đã thấy thị trường Việt Nam trải qua khá nhiều giai đoạn thị trường rơi vào trạng thái lình xình với chỉ số gần như chỉ đi ngang trong thời gian dài (có thể từ 1 đến 3 năm), thanh khoản thấp cùng lòng tin giảm sút cho NĐT. Lịch sử cho thấy, các giai đoạn này thường xảy ra sau khi thị trường trải qua một giai đoạn biến động mạnh và sự thoái lui của NĐT mang tính đầu cơ. Điều này ảnh hưởng khá lớn tới sức hút của thị trường chứng khoán (TTCK) đối với NĐT trong và ngoài nước. Không chỉ có vậy, bán khống cũng được coi là công cụ phòng ngừa rủi ro với NĐT, đây vốn là điều mà thị trường Việt Nam tương đối thiếu hụt cho tới thời điểm hiện tại.
Dù thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn giao dịch khá tích cực tuy nhiên việc bổ sung nghiệp vụ bán khống sẽ giúp cho thị trường Việt Nam tăng khả năng thu hút NĐT cũng như gia tăng tính thanh khoản cho thị trường và hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường trong giai đoạn tới.
Qua thực tiễn hoạt động của mình, theo ông quy định này sẽ mang lại những cơ hội như thế nào cho NĐT?
Thông qua các giao dịch tại các thị trường nước ngoài, nghiệp vụ bán khống khiến NĐT cần phải đối diễn với khá nhiều rủi ro, tuy nhiên cũng đem lại khá nhiều lợi ích cho họ.
Cụ thể, bán khống có thể giúp NĐT tìm kiếm lợi nhuận khi thị trường suy thoái. Với quy định hiện nay, trên TTCK cơ sở, NĐT chỉ có thể thực hiện mua và nắm giữ CK chờ đợi CK tăng giá hoặc cổ tức/lợi suất của khoản đầu tư mang lại. Điều này khiến khi thị trường rơi vào trạng thái giảm điểm thì NĐT không có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu có giao dịch bán khống, NĐT hoàn toàn có thể thực hiện bán khống các CK mà họ nhận định sẽ giảm để tìm kiếm lợi nhuận.
Không chỉ là công cụ tìm kiếm lợi nhuận, bán khống còn có thể coi là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả đối với NĐT. Đây là biện pháp được khá nhiều NĐT chuyên nghiệp, đặc biệt là NĐT tổ chức sử dụng. Trong đó, bao gồm việc cân đối rủi ro danh mục bằng bán khống các loại CK có tính chất tương ứng với CK đang nắm giữ với mục tiêu bù đắp phần thua lỗ do thực hiện mua/bán khống CK bằng phần lợi nhuận từ hoạt động ngược lại trong mọi điều kiện của thị trường. Điều này rất hiệu quả đối với các NĐT có mục tiêu nắm giữ CK cho mục tiêu dài hạn.
Về rủi ro, trong trường hợp NĐT thực hiện bán khống mà CK lại ngược chiều tăng giá thì rủi ro thua lỗ tiềm năng của NĐT là không có giới hạn khi NĐT chỉ hoàn thành giao dịch sau khi thực hiện mua lại số lượng cổ phiếu đã thực hiện bán khống. Bên cạnh đó, dù chưa có những thông tin về tỷ lệ ký quỹ tuy nhiên theo các giao dịch từ nước ngoài thì tỷ lệ này khá cao. Điều này khiến mọi biến động tăng giá CK khi NĐT thực hiện giao dịch bán khống sẽ tăng lên tương ứng với tỷ lệ ký quỹ. Trong khi đó thì với đầu tư nắm giữ CK thì thiệt hại tối đa của NĐT chỉ là số tiền họ đã bỏ ra để mua CK.
Vậy bán khống có tác động như thế nào đến thị trường, thưa ông?
Bán khống giúp cho thanh khoản thị trường gia tăng khi thị trường đi xuống nhờ sự bù đắp lại cung cầu bằng các giao dịch này. Bên cạnh đó, bán khống còn xuất hiện khi NĐT cho rằng CK đang được định giá quá cao. Điều này khiến cho các loại cổ phiếu của các doanh nghiệp có tài chính thiếu tích cực, các loại CK có dấu hiệu thiếu mình bạch sẽ là đối tượng chú trọng của NĐT bán khống. Việc này sẽ giúp chất lượng các loại CK trên thị trường gia tăng. Đặc biệt, bán khống sẽ làm giảm tác động của các NĐT lớn tới cổ phiếu.
Cụ thể, ở thời điểm hiện nay, khi các NĐT có quy mô lớn thực hiện giao dịch mua vào, thị trường sẽ xuất hiện tình tráng thiếu cung và đẩy giá cổ phiếu lên khá cao. Đây là hiện tại thường gặp với các cổ phiếu có khối lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường (free-float) thấp. Với bán khống, tình trạng này có thể giảm rõ rệt khi NĐT cho rằng giá cổ phiếu đã quá cao (over-rate) và thực hiện bán khống. Điều này khiến cung cổ phiếu gia tăng và giá CK phản ánh chính xác hơn giá trị.
Tuy nhiên, rủi ro từ bán khống với thị trường cũng khá lớn với nhiều rủi ro như xuất hiện hành vi đầu cơ bán khống: Đã có nhiều ví dụ về ảnh hưởng của bán khống tới TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung tại các quốc gia trên thế giới. Trong đó, những ví dụ điểm hình như hành vi bán khống đồng Baht Thái Lan năm 1997 dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính tài nhiều quốc gia châu Á và lan tới toàn cầu. Với hành vi bán khống, nếu có sự đồng thuận trong cùng 1 thời điểm của những nhà đầu cơ thì giá CK đó sẽ bị giảm mạnh và bất thường. Điều này sẽ tạo thương tổn ngắn hạn với thị trường.
Không những thế nó còn làm giảm tính xác thực của TTCK : Bán khống sẽ khiến tài sản CK trên thị trường gia tăng theo tỷ lệ cho vay nhờ xuất hiện 2 quyền sở hữu đối với cùng 1 CK đó là quyền sở hữu của người cho vay và quyền sở hữu của người đi vay. Như vậy, giá trị giao dịch trên thị trường sẽ gia tăng cùng với đó là tổng lượng vốn trên thị trường. Điều này sẽ dẫn tới sự thiếu chính xác của các chỉ số đo lường thị trường như tốc độ phát triển của thị trường, quy mô thị trường, tốc độ quay vòng của thị trường, tỷ suất lợi nhuận ảo.
Có thể cho rằng, việc sở hữu nhiều lợi ích với thị trường nhưng trong giao dịch bán khống cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiềm tàng. Vì vậy, để đảm bảo cho thị trường hoạt động một cách lành mạnh và ổn định thì việc quản lý các nguy cơ này là thách thức đối với các cơ quan quản lý trong quá trình phát triển TTCK Việt Nam.
Theo ông, để quy định này cần thiết và thiết thực hơn cho NĐT, cơ quan quản lý cần sửa đổi bổ sung gì?
Hiện tại, trong dự thảo của Bộ Tài chính, giao dịch bán khống mới bước đầu được định nghĩa và hướng dẫn thực hiện ban đầu. Trong đó, các yếu tố chi tiết cụ thể về giao dịch này vẫn chưa được quy định cụ thể. Do vậy, yêu cầu một văn bản riêng quy định cụ thể về giao dịch bán khống là rất cần thiết. Đặc biệt đối với một loại giao dịch có tính rủi ro cao và tiềm ẩn khả năng bị đầu cơ lớn như bán khống.
Trong đó, các yếu tố cần đặc biệt lưu ý về quy định bán khống bao gồm bộ chỉ tiêu lựa chọn các loại CK để thực hiện bán khống, tỷ lệ ký quỹ thực hiện giao dịch bán khống, thời hạn thực hiện giao dịch, quyền lợi và nghĩa vụ của NĐT…
Thêm vào đó, việc đưa ra quy định cụ thể còn nhằm mục tiệu quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của CTCK trong vai trò nhà tạo lập thị trường. Đây là đặc điểm của giao dịch bán khống khi CTCK đóng vai trò nhà tạo lập thị trường, thay vì chỉ là nhà môi giới như với giao dịch đơn thuần.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận