Bán 12 triệu lít, lợi nhuận công ty con của Bia Thanh Hóa ra sao?
Trong quý 3/2022, Habeco Miền Trung đã bán khoảng 12 triệu lít sản phẩm các loại, tuy nhiên kết quả từ hoạt động kinh doanh vẫn ghi nhận khoản lỗ gần 14,4 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng ngốn hết lợi nhuận quý 3
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa (Bia Hà Nội - Thanh Hóa) có một công ty con duy nhất được hợp nhất là Công ty TNHH MTV thương mại Habeco Miền Trung (Habeco miền Trung). Đây là công ty con có nhiệm vụ chủ yếu phân phối các sản phẩm của Bia Thanh Hóa và một số sản phẩm của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Mặc dù nắm nhiều lợi thế trong hoạt động phân phối các loại sản phẩm của Bia Hà Nội - Thanh Hóa cũng như của Habeco với sản lượng bán ra lớn, tuy nhiên Công ty TNHH MTV thương mại Habeco Miền Trung lại có kết quả hoạt động kinh doanh tương đối ảm đạm.
Trong quý 3/2022, Công ty TNHH MTV thương mại Habeco miền Trung ghi nhận sản lượng tiêu thụ khoảng 12 triệu lít sản phẩm các loại, tăng 2,1 triệu lít so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Habeco miền Trung ghi nhận âm 14,4 tỷ đồng, kém xa so với mức lợi nhuận 600 triệu đồng của cùng kỳ năm trước dù có sản lượng bán ra cao hơn.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2022, Habeco miền Trung ghi nhận một số khoản chi phí tăng đột biến đã bào mòn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, khiến Habeco miền Trung chịu khoản lỗ nêu trên dù có sản lượng, cùng doanh thu bán hàng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong kỳ, Habeco miền Trung ghi nhận doanh thu 329 tỷ đồng, tăng 68 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, công ty cũng ghi nhận giá vốn tăng từ 235 tỷ đồng lên 303 tỷ đồng, tỉ lệ tăng này lớn hơn tỉ lệ tăng doanh thu. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận khoản giảm trừ doanh thu khoảng 4 tỷ đồng. Vì vậy, những yếu tố trên đã cơ bản kéo lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty này xuống còn hơn 22 tỷ đồng, giảm 1 tỷ so với cùng kỳ.
Tiếp đó, so với cùng kỳ năm trước, các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của đơn vị này đều ghi nhận có sự gia tăng. Trong đó, chi phí bán hàng có biến động mạnh nhất.
Theo đó, trong kỳ Habeco Miền Trung ghi nhận chi phí bán hàng 32,7 tỷ đồng, tăng đột biến gần gấp đôi so với con số 17,5 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý là khoản mục chi phí bán hàng khác ghi nhận khoảng 21,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 65% tỷ trọng khoản mục chi phí này. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp công ty cũng ghi nhận 3,8 tỷ đồng, tăng khoảng 800 triệu so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, từ những yếu tố chi phí cơ bản trên đã khiến Habeco miền Trung ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 14,4 tỷ đồng, đồng thời khoản thua lỗ này đã góp phần khiến chỉ tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh công ty mẹ ghi nhận âm 6,2 tỷ đồng sau khi hợp nhất.
Bức tranh tài chính của Habeco miền Trung
Mặc dù là công ty con nhưng với chức năng phân phối các dòng sản phẩm cho Bia Hà Nội - Thanh Hóa cũng như một số sản phẩm của Habeco, vì vậy công ty này có tỷ lệ doanh thu và chi phí bán hàng chiếm tỷ trọng lớn trong báo cáo tài chính hợp nhất với công ty mẹ.
Với tính chất hoạt động lĩnh vực thương mại, tài sản của Habeco Miền Trung cơ bản tồn tại dưới dạng các tài sản ngắn hạn như tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận khoảng 22 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn 5 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn hơn 14 tỷ đồng; chi phí trả trước dài hạn khoảng 4 tỷ đồng; trong khi đó tài sản cố định chỉ đạt khoảng 10 tỷ đồng...
Xét trong 9 tháng đầu năm 2022, Công ty TNHH MTV thương mại Habeco Miền Trung ghi nhận tổng doanh thu đạt 852 tỷ đồng, chiếm tới 78% doanh thu sau khi hợp nhất. Tương tự, các chi phí bán hàng đạt 81 tỷ đồng chiếm 80%, chi phí quản lý doanh nghiệp 17,5 tỷ đồng, chiếm 46% so tổng chi phí sau khi hợp nhất với công ty mẹ.
Đáng chú ý, mặc dù ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh nhưng theo lũy kế từ đầu năm tới nay, Habeco Miền Trung vẫn ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế khoảng 4 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, kết quả trên có được tới chủ yếu từ các khoản lợi nhuận khác ghi nhận khoảng 39,4 tỷ đồng, trong đó, các khoản thanh lý, bán tài sản là các phương tiện vận tải hơn 2 tỷ đồng, cùng các khoản thu khác khoảng 37 tỷ đồng không được nêu rõ trong báo cáo tài chính.
Như vậy, ngoài việc giúp Habeco Miền Trung thoát lỗ, các khoản thu nhập khác ngoài hoạt động kinh doanh trên cũng đã góp phần giúp Bia Hà Nội - Thanh Hóa thoát lỗ ngoạn mục sau hợp nhất, với lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm đạt hơn 10 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa, tính từ đầu năm đến nay, công ty này đã có 3 quý liên tiếp ghi nhận kết quả từ hoạt động kinh doanh bị thua lỗ.
Cụ thể, trong quý 1 năm nay, Bia Hà Nội - Thanh Hóa đã phải chịu khoản lỗ 5,68 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 271 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 27 tỷ đồng nhưng các chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng chiếm khoảng 33 tỷ đồng đã nuốt ngược số lợi nhuận ít ỏi trên.
Tương tự, trong quý 2, Bia Hà Nội - Thanh Hóa tiếp tục ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động động kinh doanh lỗ 12,3 tỷ. Trong đó, doanh thu ghi nhận 371 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 36 tỷ đồng. Các khoản chi quản lý doanh nghiệp và bán hàng chiếm tới gần 49 tỷ đồng khiến doanh nghiệp này tiếp tục có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Trong quý 3 vừa qua, Bia Hà Nội - Thanh Hóa cũng đã ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lỗ hơn 6,2 tỷ đồng sau hợp nhất.
Việt Phương
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận