Bài toán 'con gà và quả trứng' của kinh tế Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc không thể vực lên nếu doanh nghiệp không đầu tư. Nhưng doanh nghiệp sẽ không đầu tư cho đến khi họ nhìn thấy triển vọng của nền kinh tế.
Thành phố nhỏ Truy Bác ở phía đông tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đang trải qua cơn sốt thịt nướng ngoài trời.
Mọi người từ khắp Trung Quốc đổ về đây để thưởng thức món xiên thịt cừu đã trở thành “huyền thoại” trên mạng xã hội.
Bên đường phố đông đúc, thực khách ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhỏ, uống bia và ăn thịt trong khi tiếng hát karaoke vang lên khắp mọi hướng.
Nhìn bề ngoài, khung cảnh này khiến người ta nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ hậu Covid-19. Nhưng những nhà kinh tế thì không nghĩ vậy. Họ cho rằng thịt xiên nướng là lựa chọn vừa ngon, vừa rẻ vào thời điểm người dân đang chịu áp lực lớn về thu nhập.
Một người đàn ông tại quán thịt nói với BBC rằng đây là địa điểm lý tưởng và có mức giá phù hợp để vui chơi cùng gia đình trong đêm hè nóng nực.
"Đây là địa điểm tuyệt vời”, ông nói. "Gần đây kiếm tiền khó nhưng tiêu tiền thì dễ. Sau 3 năm Covid, nền kinh tế đang phục hồi chậm chạp".
Tỷ lệ thất nghiệp cao
Sinh viên tốt nghiệp đại học đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng kinh tế trì trệ của Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên dao động ở mức cao hơn 20%.
Một số sinh viên đang cảm thấy lo lắng về tương lai.
"Đúng vậy, tôi rất lo lắng”, một bạn nữ sắp tốt nghiệp nói. "Cạnh tranh rất lớn. Thật khó để tìm được việc làm. Tất cả bạn cùng lớp của tôi đều cảm thấy áp lực”.
Một quán thịt cừu nướng ở thành phố Truy Bác, Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: BBC.
Bong bóng bất động sản
Lĩnh vực bất động sản cũng đang chịu áp lực lớn ở Trung Quốc.
Để tận mắt chứng kiến điều này, phóng viên của BBC lái xe vài giờ về phía đông Truy Bác, đến vùng ngoại ô của thành phố Thanh Đảo.
Tại đây, sự bùng nổ bất động sản không phản ánh đúng nhu cầu thực sự của người mua và người thuê. Kết quả là có rất nhiều khu nhà khổng lồ được xây lên mà không có người ở.
Phóng viên BBC trò chuyện với một cặp vợ chồng làm công việc quét dọn đường phố đang dừng lại để ăn trưa. Họ chỉ tay vào một khu đất rộng lớn và nói rằng không có ai sống ở đó.
Bên kia đường là một “khu rừng” bê tông, nơi những tòa nhà mọc san sát nhau, không có cửa sổ và trông xuống cấp vì phơi mình dưới nắng mưa.
"Người ta ngừng xây dựng mấy tòa nhà đó từ năm ngoái rồi", người đàn ông nói.
Theo vợ ông, toàn bộ vùng ngoại ô đã “chết”. "Không có gì ở đây. Không có trạm xăng. Bạn phải đi một quãng đường dài để đổ xăng. Sống ở đây thực sự không thuận tiện", cô nói.
Sự bùng nổ bất động sản không phản ánh đúng nhu cầu thực sự của người mua và người thuê tại Trung Quốc. Ảnh: BBC.
Theo một đại lý bất động sản địa phương, doanh số bán hàng trong khu vực đã giảm một nửa trong những năm gần đây.
"Giá giảm vì thị trường đã bão hòa. Quá nhiều nhà được xây dựng và thật khó để bán chúng”, người này nói.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Thanh Đảo. Từ tỉnh này đến tỉnh khác trên khắp Trung Quốc, rất dễ tìm thấy bằng chứng chỉ ra nguy cơ bong bóng bất động sản.
Một lý do cho tình trạng đầu cơ bất động sản tràn lan ở Trung Quốc là do thiếu các lựa chọn đầu tư khác.
Sự bùng nổ đầu tư bất động sản đã đẩy giá nhà vượt khỏi tầm với của những gia đình có thu nhập trung bình. Chính phủ Trung Quốc phản ứng bằng cách giới hạn số lượng căn hộ mà một người có thể mua.
Tuy nhiên, thách thức to lớn hơn cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là làm sao để nền kinh tế bớt phụ thuộc vào mua bán bất động sản, từ đó tạo ra tăng trưởng bền vững.
Các khu dân cư mới ở Thanh Đảo vẫn chưa hoàn thành hoặc hầu như không có người ở. Ảnh: BBC.
Bài toán con gà và quả trứng
Nhà kinh tế Harry Murphy Cruise thuộc công ty Moody's Analytics cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng.
"Nền kinh tế Trung Quốc đang rất cần tái cân bằng”, ông nói với BBC. "Trung Quốc đã có giai đoạn tăng trưởng vượt bậc trong 2 hoặc 3 thập kỷ qua nhờ xây dựng cơ sở hạ tầng và sự gia tăng mạnh mẽ trên thị trường bất động sản, trong khi đây thực sự không phải là động lực để tăng trưởng bền vững”.
"Hãy nhìn khắp thế giới, các nền kinh tế phát triển cần các hộ gia đình như động lực chính của tăng trưởng kinh tế, và đó không phải là những gì Trung Quốc có vào lúc này”, ông nói.
Chính phủ Trung Quốc đang xem xét các biện pháp để thúc đẩy người dân và doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn. chi tiêu nhiều hơn của các cá nhân và doanh nghiệp từ việc cắt giảm lãi suất đến phát tiền mặt.
Nhưng vấn đề nằm ở tâm lý người dân.
Người dân sẽ yên tâm để chi tiêu khi họ có nhiều việc làm hơn. Để có nhiều việc làm, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn, nhưng họ lại chần chừ bởi vì chính người tiêu dùng chi tiêu quá rụt rè.
"Giống như con gà và quả trứng vậy. Nền kinh tế không thể vực lên nếu doanh nghiệp không đầu tư. Nhưng doanh nghiệp sẽ không đầu tư cho đến khi họ nhìn thấy triển vọng của nền kinh tế. Vì vậy, đang có sự kìm hãm một phần quan trọng của nền kinh tế”, ông Cruise cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận