24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quân Ri Cha
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ba lần hủy đấu thầu vàng: Đến lúc cần 'thuốc mới' cho bệnh cũ

Nhiều chuyên gia nhận định đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế và thị trường vàng cần nhiều hơn một giải pháp.

Trong 4 lần ra thông báo đấu thầu vàng miếng SJC thì có tới 3 lần, NHNN phải hủy do không đủ số lượng doanh nghiệp dự thầu.

Hoãn rồi lại hoãn

Tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần gọi đấu thầu vàng nhưng có tới 3 lần hủy do không đủ số lượng thành viên tham gia. Duy chỉ có một lần tổ chức thành công nhưng số lượng vàng trúng thầu cũng chỉ bằng 20% số lượng vàng chào thầu.

Đáng nói sau những lần đấu thầu, dù thành công hay hoãn lại, thì giá vàng trong nước cũng đều “nhảy vọt”. Cá biệt, sau thông báo hủy đấu thầu phiên ngày 3/5 của NHNN, giá vàng SJC nhảy vọt lên mức 85,9 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong hai tuần qua, giá vàng trong nước liên tục tăng, đi ngược với đà giảm của giá vàng thế giới. Kéo theo đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng bị nới rộng, lên khoảng 15 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia về vàng đã chỉ ra 2 yếu tố chính khiến các phiên đấu thầu của NHNN “ế khách”, đó là mức giá tham chiếu và khối lượng vàng trúng thầu tối thiểu.

Liên quan đến giá tham chiếu, nhiều chuyên gia nhận định mức giá mà NHNN đưa ra chưa phù hợp với tình hình hiện tại. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá tham chiếu còn cao khiến nhiều doanh nghiệp thờ ơ.

Mục đích của đấu thầu vàng miếng là để tăng cung cho thị trường, từ đó thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Tuy nhiên, mức giá tham chiếu mà NHNN đưa ra vẫn còn cao, không thấp hơn giá giao dịch trên thị trường. Chưa kể, giá vàng thế giới cũng đang trên đà giảm. Vậy nên động lực để các doanh nghiệp mua vào nhằm kiếm lợi nhuận là không có, ông Hiếu nhận định.

Ba lần hủy đấu thầu vàng: Đến lúc cần 'thuốc mới' cho bệnh cũ

Trên thực tế, NHNN cũng đã từng hạ giá tham chiếu từ 81,8 triệu đồng/lượng xuống còn 80,7 triệu đồng/lượng sau khi phiên đấu thầu đầu tiên bị hủy (phiên ngày 22/4). Ngay sau đó, đã có 11 đơn vị tham gia đấu thầu trong phiên tiếp theo và có 2 doanh nghiệp trúng thầu.

Số lượng trúng thầu tối thiểu cũng là yếu tố, mà theo nhiều chuyên gia, NHNN cần phải xem xét sửa đổi nếu không muốn các phiên đấu thầu tiếp tục vắng bóng doanh nghiệp.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, NHNN cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng thay vì 1.400 lượng như hiện nay.

Về nguyên tắc, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không đầu cơ, mà mua vào bao nhiêu phải bán ra bấy nhiêu để an toàn vốn bởi biến động của giá vàng rất phức tạp.

Trong khi đó, nhu cầu vàng miếng của người dân cũng đang dịch chuyển một phần sang vàng nhẫn. Chưa kể, sau khi trúng thầu, phải tới 2 ngày sau vàng mới được giao khiến các doanh nghiệp ngại ngần.

Thế nhưng ở chiều ngược lại, NHNN cũng có cái khó riêng của mình. Việc cung ứng vàng ra thị trường với mức giá thấp không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đang căng thẳng như hiện nay.

Theo NHNN, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD đã tăng tới 4,9% trong khi mức tăng của cả năm 2023 là 4,25%. Mới đây nhất, NHNN cũng đã bắt đầu bán ngoại tệ để can thiệp tỷ giá, một biện pháp can thiệp rất mạnh mẽ từ nhà điều hành.

Trao đổi với VietnamFinance, chuyên gia của Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng thuộc Học viện Ngân hàng, cho biết: “Nếu lượng cung vàng miếng qua đấu thầu đạt đủ khối lượng, giá vàng trong nước được kỳ vọng sẽ giảm trong dài hạn, từ đó thu hẹp chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới, giống như diễn biến năm 2013.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, vấn đề đặt ra cho NHNN là làm sao để hài hòa giữa việc quản lý thị trường vàng và kiểm soát tỷ giá.

Bởi nếu lượng cung vàng miếng thấp sẽ khiến tác động của đấu thầu chỉ duy trì trong ngắn hạn, từ đó không có nhiều tác động lên thị trường vàng. Nhưng ngược lại, nếu NHNN buộc phải mua thêm vàng từ thị trường quốc tế để duy trì nguồn cung trong nước thì sẽ tạo áp lực làm tăng tỷ giá”.

Cần liều thuốc mới

Ngay từ trước khi NHNN bắt đầu phiên đấu thầu đầu tiên trong năm 2024, nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của biện pháp này.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, từng lên tiếng rằng NHNN cần cân nhắc kỹ lưỡng việc đấu thầu vàng khi bối cảnh năm 2013 và năm 2024 có nhiều khác biệt, trong đó có áp lực về tỷ giá. Trong năm đầu tiên tổ chức đấu thầu, chỉ số DXY còn thấp, áp lực về tỷ giá không căng thẳng như hiện tại, ông nói.

Ba lần hủy đấu thầu vàng: Đến lúc cần 'thuốc mới' cho bệnh cũ

Năm 2013, NHNN đã tổ chức thành công 76 phiên đấu thầu vàng, bán ra tổng cộng gần 70 tấn vàng. Sau những phiên đấu giá này, giá vàng trong nước giảm đáng kể, thị trường vàng ổn định trở lại.

Trở lại với câu chuyện của năm 2024, không ít ý kiến nhận định đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế, không phải là “liều thuốc” chữa dứt điểm căn bệnh của thị trường vàng hiện nay. Sau hơn 10 năm với nhiều thay đổi, chỉ đấu thầu là không đủ để hạ nhiệt thị trường vàng, một chuyên gia cho hay.

Sửa đổi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng miếng được cho là một nhiệm vụ cấp thiết để có thể bình ổn thị trường vàng trong dài hạn.

Nghị định 24 ra đời năm 2012 với nhiệm vụ chống “vàng hóa” nền kinh tế, mang lại sự minh bạch cho thị trường vàng. Không thể phủ nhận Nghị định này đã góp phần không nhỏ trong việc chấm dứt tình trạng sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cũng như bình ổn thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm với nhiều biến động, Nghị định 24 được cho là không còn phù hợp.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng NHNN cần xem xét, sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. “Câu chuyện giá vàng phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ là tăng nguồn cung. Nếu sửa Nghị định, nguồn cung vàng sẽ tăng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng”.

Trong khi đó, TS Nguyên Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng NHNN cần tính đến việc điều hành giá vàng tương tự như điều hành tỷ giá.

“NHNN có thể tính đến việc xác định một mức chênh lệch giá phù hợp. Chẳng hạn đặt biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là +/-2%. Nếu giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2%, NHNN có thể nhập khẩu vàng về để bình ổn thị trường. Trường hợp ngược lại, NHNN có thể mua vàng để chặn đà rơi”, ông nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
85,300 N -1,300 (-1.50%)
83,900 N -200.00 (-0.24%)
83,900 N -200.00 (-0.24%)
81,000 N -2,000 (-2.41%)
89,000 N -500.00 (-0.56%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả