Ba kịch bản tiêu thụ vải thiều Bắc Giang
Trong bối cảnh tỉnh Bắc Giang đang căng sức chống dịch Covid-19, thì mùa thu hoạch vải thiều 2021 cũng đang cận kề. Nhằm tránh thụ động trong khâu tiêu thụ và không để sản xuất đứt gãy, tỉnh Bắc Giang mới đã đưa ra 3 kịch bản cho vụ vải thiều 2021.
Theo số liệu từ tỉnh Bắc Giang, năm 2021, diện tích vải trên địa bàn tỉnh đạt 28.100ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với năm trước.
Trong đó, diện tích vải sớm 6.050ha, sản lượng 45.000 tấn. Vải chính vụ 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ 20/5 đối với vải chín sớm và từ 10/6 đối với vải thiều chính vụ, kết thúc mùa thu hoạch năm nay vào khoảng 20/7.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều, tỉnh Bắc Giang mới đây đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều năm 2021 với 3 kịch bản cụ thể.
Kịch bản thứ nhất, dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi với sản lượng tiêu thụ 50% trong nước (khoảng 90.000 tấn), 50% xuất khẩu (khoảng 90.000 tấn).
Theo đó, vải được tiêu thụ tại thị trường trong nước tập trung tại các chợ đầu mối với 40.000 tấn; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích dự kiến tiêu thụ 15.000 tấn; doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với 15.000 tấn, chợ truyền thống với 10.000 tấn, sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee… dự kiến 1.000 tấn và 9.000 tấn vải dành cho sấy và chế biến khác. Thị trường xuất khẩu gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Mỹ, EU, Singapore…
Kịch bản thứ hai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát, sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước (tương ứng 130.000 tấn), 30% xuất khẩu (50.000 tấn).
Vải tiêu thụ trong nước tại các chợ đầu mối như: Thủ Đức, Bình Điền (TP.HCM), Long Biên (Hà Nội), Hòa Cường (Đà Nẵng)… dự kiến khoảng 55.000 tấn; các tập đoàn phân phối lớn 20.000 tấn; sàn thương mại điện tử 2.000 tấn; chợ truyền thống 13.000 tấn và một phần vải dành để sấy khô.
Kịch bản thứ ba, dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chiếm 90%, khoảng 160.000 tấn và xuất khẩu 10% (20.000 tấn).
Theo đó, tiêu thụ tại các chợ đầu mối lớn 80.000 tấn; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 30.000 tấn; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu 30.000 tấn. Số còn lại tiêu thụ tại chợ truyền thống, sàn giao dịch thương mại; để sấy khô và chế biến khác.
UBND huyện Lục Ngạn được giao phối hợp với Sở Công thương liên hệ chặt chẽ với các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục, sớm cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, sang giám sát, thu mua vải thiều trên cở sở thực hiện đầy đủ, an toàn các quy định về phòng, chống dịch.
Xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức đón, bố trí địa điểm cách ly và tổ chức quản lý các thương nhân Trung Quốc đến thu mua tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện đảm bảo đúng quy định.
Để tạo thuận lợi cho thương nhân nước ngoài mua vải thiều, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã đồng ý cho 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để tiêu thụ vải thiều Bắc Giang. Các thương nhân này sẽ nhận thị thực tại cửa khẩu Hữu nghị (Lạng Sơn).
Số thương nhân nói trên sẽ được huyện Lục Ngạn tổ chức đón và thực hiện cách ly y tế tập trung tại 8 nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn theo đúng quy định phòng, chống dịch. Sau 21 ngày cách ly, các thương nhân sẽ được ra ngoài tiến hành giao dịch, thu mua vải thiều.
UBND huyện Tân Yên phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công ty TNHH Chánh Thu, Công ty Ameii, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu chuẩn bị tổ chức lễ xuất vải sớm sang Nhật Bản vào ngày 26/5; đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến, mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương nhân đến thu mua, đẩy nhanh kế hoạch tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện.
Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bắc Giang được giao xây dựng phương án truyền thông, có thông điệp rõ ràng, với khẩu hiệu chính “Vùng vải an toàn dịch bệnh”.
Được biết, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) thực hiện giám sát công tác xông hơi khử trùng tại Việt Nam, nên việc xuất khẩu vải đi Nhật Bản sẽ thuận lợi hơn nhiều so với năm 2020.
Vào tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang vừa được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Năm 2021 là năm thứ hai vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu sang Nhật Bản. Sau khi 200 tấn vải thiều lần đầu đặt chân tới thị trường khó tính này vào năm 2020, quả vải Việt Nam được phía các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá cao do vải ăn ngon, quả vải tươi, màu sắc đẹp.
Mỗi cân vải Lục Ngạn được bán ở Nhật có giá lên tới hơn 500.000 đồng. Trong khi đó, giá bán bình quân tính từ đầu vụ đến nay ở thị trường nội địa đạt từ 20 - 48.000 đồng/kg.
Điều này đã giúp Bắc Giang khép lại vụ vải thiều năm 2020 ‘đại thắng’ với tổng sản lượng gần 165.000 tấn, tổng giá trị thu được từ quả vải và dịch vụ liên quan khoảng 6.900 tỷ đồng.
Trước đó, vải thiều tỉnh Bắc Giang cũng được bảo hộ thành công nhãn hiệu tại nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và được tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới.
Không chỉ Bắc Giang, tại Hải Dương, 9.168ha vải thiều dự kiến sẽ cho sản lượng 55.000 tấn vải quả. Tỉnh Hải Dương đã quy hoạch vùng trồng theo nhu cầu khá bài bản, sẵn sàng chinh phục các thị trường.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, hiện nay địa phương có 45 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và theo quy trình GlobalGAP với diện tích 450ha, sản lượng dự kiến 2.500 tấn; diện tích sản xuất theo VietGAP là 6.300ha; diện tích được cấp chứng nhận GAP là 1.000ha.
Cùng với đó, diện tích được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, tổng diện tích khoảng 8.000ha. Hiện tại, vải thiều trà sớm (U trứng, U hồng) đang thu hoạch. Dự kiến trà vải sớm khoảng 30.000 tấn; trà vải thiều chính vụ khoảng 25.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với niên vụ năm 2020.
Các diện tích trên đã được quy hoạch chi tiết thành các vùng sản xuất theo nhu cầu thị trường xuất khẩu và các kênh tiêu thụ nội địa. Chẳng hạn, để phục vụ thị trường Nhật Bản, Hải Dương đã quy hoạch 500ha vải, xác định sản lượng đáp ứng khoảng 5.000 tấn vải thiều vụ này.
Với thị trường Mỹ, Australia, Singapore, Thái Lan, EU và hệ thống siêu thị trên toàn quốc, toàn tỉnh Hải Dương có 45 mã số vùng trồng (đi Mỹ, Australia) và 9 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Thái Lan năm 2021. Tổng sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào nhóm thị trường này khoảng 5.000-7.000 tấn.
Với thị trường nội địa và Trung Quốc, 47 mã số vùng trồng tại Thanh Hà và Chí Linh tiếp tục được duy trì với gần 8.000ha. Tổng sản lượng vải ước 40.000 - 45.000 tấn.
Mùa vụ vải thiều năm 2021 được dự báo tiếp tục thắng lớn khi liên tục đón nhận tin vui từ các thị trường lớn.
Như trong tuần qua, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã làm việc với các nhà nhập khẩu quả vải để thống nhất thực hiện kế hoạch nhập khoảng 100 tấn vải thiều từ Việt Nam sang các bang Nam Australia và Tây Australia. Đối với các bang còn lại, thương vụ đang tiếp tục kết nối giao thương, căn cứ vào tình hình vận chuyển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận