Ba đề xuất của Trung Quốc và tác động tới khu vực
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16/11 dự và phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31 tại Peru, gặp gỡ bên lề với Tổng thống Mỹ Joe Biden… Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra ba đề xuất liên quan kinh tế, phát triển, chủ yếu dành cho châu Á-Thái Bình Dương, và nhấn mạnh nhiều quan điểm đối ngoại của nước này.
Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31, ông Tập Cận Bình có bài phát biểu mang tựa đề “Gánh vác trách nhiệm đối với thời đại của chúng ta và cùng thúc đẩy sự phát triển của châu Á-Thái Bình Dương”. Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra 3 đề xuất.
- Xây dựng hợp tác khu vực mở và kết nối: Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần duy trì hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư. Triển khai Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) để tăng cường hội nhập kinh tế. Trung Quốc cam kết tiếp tục mở cửa các lĩnh vực như viễn thông, y tế, văn hóa và mong muốn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế số (DEPA).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trước cuộc gặp song phương ngày 16/11/2024 ở Peru. Ảnh: AP
- Thúc đẩy đổi mới xanh: Khu vực cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực tiên phong như trí tuệ nhân tạo, thông tin lượng tử và sức khỏe để phát triển bền vững. Trung Quốc sẽ khởi động Sáng kiến Hợp tác luồng dữ liệu xuyên biên giới toàn cầu và đề xuất các dự án như hóa đơn kỹ thuật số, xây dựng chuỗi cung ứng xanh, nhằm đóng góp vào phát triển chất lượng cao của khu vực.
Theo GS James Borton, các nước châu Á như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan… có thể hưởng lợi từ việc tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư, và cải thiện hợp tác kỹ thuật với Trung Quốc, trong bối cảnh nước này muốn gia nhập CPTPP, DEPA và xúc tiến triển khai FTAAP.
- Phát triển bao trùm và phổ quát: Tăng cường hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển và nhóm yếu thế. Hoan nghênh nỗ lực của Peru trong việc thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang chính thức, phù hợp với triết lý phát triển lấy con người làm trung tâm của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ đề xuất các sáng kiến về tăng thu nhập cho người dân và phát triển cụm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tác động của việc tham gia CPTPP và DEPA
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS James Borton (Viện Chính sách đối ngoại, ĐH Johns Hopkins, Mỹ), nhận định, Trung Quốc mong muốn gia nhập CPTPP và DEPA nhằm đạt được nhiều mục tiêu chiến lược về kinh tế và chính trị. Việc này thể hiện mong muốn của Trung Quốc trong việc khẳng định vị thế toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa và đóng vai trò chủ động trong việc định hình các tiêu chuẩn kinh tế quốc tế.
Trung Quốc tham gia CPTPP có thể tạo ra một động lực lớn cho thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhờ vào quy mô kinh tế khổng lồ và nhu cầu nhập khẩu cao từ Trung Quốc. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nước thành viên khác, đặc biệt là các quốc gia xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Singapore…, GS Borton nhận định. Sự tham gia của Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng trong khu vực thông qua việc cải thiện kết nối kinh tế và đầu tư. Điều này giúp các nước châu Á tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trung Quốc có thể mang lại dòng vốn đầu tư lớn vào các nước châu Á thông qua các dự án cơ sở hạ tầng, công nghệ, và dịch vụ trong các lĩnh vực mà nước này mở cửa.
Với việc tham gia DEPA, Trung Quốc có thể hỗ trợ các quốc gia châu Á xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đồng thời thúc đẩy tiêu chuẩn hóa và hợp tác trong các lĩnh vực như dữ liệu xuyên biên giới, thanh toán kỹ thuật số, thương mại điện tử…
“Tuy nhiên, quy mô lớn và năng lực sản xuất vượt trội của Trung Quốc có thể gây sức ép cạnh tranh mạnh lên các doanh nghiệp nhỏ ở các nước thành viên CPTPP và DEPA. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, và dịch vụ ở các quốc gia như Việt Nam, Philippines…”, vị chuyên gia Mỹ nói. Theo ông, Việc Trung Quốc tham gia các hiệp định này có thể dẫn đến sự phụ thuộc lớn hơn của các nước nhỏ vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này làm tăng khả năng Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và an ninh của các nước đối tác.
CPTPP và DEPA có những tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, và minh bạch trong chính sách thương mại. Nếu Trung Quốc không tuân thủ hoặc tìm cách điều chỉnh các tiêu chuẩn này, điều đó có thể làm giảm giá trị cốt lõi của các hiệp định và gây chia rẽ nội bộ, GS Borton nhận định. Ngoài ra, sự hiện diện của Trung Quốc trong CPTPP có thể làm phức tạp mối quan hệ kinh tế của các nước thành viên với Mỹ, nước hiện không tham gia CPTPP nhưng có ảnh hưởng lớn trong khu vực. Điều này có thể tạo ra căng thẳng địa chính trị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thông điệp dành cho Mỹ
Theo Xinhua, gặp gỡ ông Biden, ông Tập tập trung tái khẳng định 6 lập trường, quan điểm đối ngoại của Trung Quốc.
- Vấn đề Đài Loan: Hòa bình, ổn định hai bờ eo biển Đài Loan và các hoạt động ly khai đòi Đài Loan độc lập là không thể hòa giải như nước với lửa.
- Quyền phát triển: Không được tước đoạt hoặc phớt lờ quyền phát triển của dân tộc Trung Quốc.
- Về an ninh mạng: Không có bằng chứng ủng hộ tuyên bố vô lý rằng tấn công mạng đến từ Trung Quốc.
- Vấn đề Biển Đông: Trung Quốc kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền, quyền hàng hải và lợi ích của mình ở Biển Đông.
- Về chiến tranh Nga-Ukraine: Lập trường và hành động của Trung Quốc về vấn đề Ukraine luôn công bằng và chính trực.
- Về Triều Tiên: Trung Quốc không cho phép xung đột và xáo trộn diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.
GS Borton nhận định, Bắc Kinh đang nỗ lực tập hợp dư luận thế giới ủng hộ Trung Quốc và phản đối Mỹ cùng đồng minh trong nhiều vấn đề như chủ quyền quốc gia, con đường phát triển, bảo đảm nhân quyền, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, đóng góp cho toàn cầu, các sáng kiến tầm cỡ như Vành đai-Con đường, Cộng đồng chia sẻ tương lai…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận