Asia Frontier Capital: Thay đổi hậu bầu cử Mỹ mang lại lợi thế cho thị trường cận biên châu Á
Tâm lý lạc quan của giới đầu tư tại các thị trường cận biên châu Á sẽ được thúc đẩy bởi ba yếu tố quan trọng là dòng dịch chuyển sản xuất, lãi suất thấp và giá dầu thấp. Quan trọng hơn, AFC cho rằng các thị trường này cũng đang được giao dịch tại mức giá rất hấp dẫn.
Dịch chuyển sản xuất là con đường tất yếu trên toàn cầu
Các công xưởng chuyển đi từ Trung Quốc đến các quốc gia khác tại châu Á là xu hướng đã diễn ra cả thập kỷ trước khi chiến tranh thương mại bùng nổ. Làn sóng này được thúc đẩy mạnh hơn sau khi thuế quan đánh mạnh vào hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu đến Mỹ.
Tuy nhiên, dù thuế quan có thể được thương thảo lại dưới thời Tổng thống Biden thì “xu hướng dịch chuyển sản xuất này sẽ không dừng lại”, quỹ đầu tư Asia Frontier Capital (“AFC”) nêu quan điểm.
Các công ty ngày càng nghiêng theo chiến lược “Trung Quốc cộng một”, đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 xoáy sâu vào sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng đối với quốc gia tỷ dân. Trong khi đó, các quốc gia cận biên tại châu Á cũng có vị trí địa lý thuận lợi đối với chuỗi cung ứng khu vực, cùng với đó là lực lượng nhân công đông đảo với chi phí thấp hơn. Ở phía Trung Quốc, họ cũng tập trung nguồn lực để vươn lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Lãi suất và giá dầu duy trì thấp
Bất kể ai là ông chủ Nhà Trắng cuối cùng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều dự tính duy trì việc hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch. Một “Fed ôn hòa” là gợi ý cho các ngân hàng trung ương toàn cầu giữ mức lãi suất thấp.
Đây là môi trường thuận lợi cho các thị trường cận biên châu Á. “Chúng tôi thấy được các mức lãi suất thấp đã dẫn đến sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư nội địa tại Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam kể từ cuối tháng 3/2020”, AFC bình luận.
Lãi suất và giá dầu thấp là cơn gió thuận chiều
đối với các thị trường cận biên châu Á
AFC cũng đánh giá rằng, việc chính quyền Biden nghiêng về nguồn năng lượng tái tạo sẽ đặt một vật cản lên giá dầu. Đây là điều tích cực đối với các quốc gia nhập khẩu dầu như Bangladesh và Việt Nam. Bên cạnh đó, bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào với Iran cũng có thể tạo thêm áp lực lên giá của loại nhiên liệu này.
Chiến thắng của Biden sẽ tốt cho châu Á
Chiến thắng của Biden trong một cuộc đua sít sao để trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng là sự kiện tích cực đối với châu Á, trên quan điểm của quỹ đầu tư AFC. Bên cạnh đó, tiến triển khả quan trong việc tạo ra vaccine Covid-19 - được phát triển bởi Pfizer và BioNTech - có thể là động lực tiếp theo cho đà hưng phấn của nhà đầu tư châu Á.
Cuộc chiến kinh tế và địa chính trị Mỹ - Trung vẫn còn đó, nhưng cách tiếp cận sẽ có sự thay đổi lớn. So với ông Donald Trump, chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ thực thi các chính sách ít mang tính thù địch hơn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Điều này có thể tác động tích cực lên tâm lý của giới đầu tư khu vực châu Á.
Trong bốn năm cầm quyền của Tổng thống Trump, hầu hết các quốc gia châu Á đều mắc kẹt giữa sợi dây căng thẳng Mỹ - Trung. Cuộc đôi co giữa hai siêu cường thổi bùng sự bất định đối với các quốc gia xuất khẩu trong khu vực, vốn có quan hệ thương mại chặt chẽ với cả Mỹ và Trung Quốc.
Theo AFC, mặc dù Việt Nam là người hưởng lợi rõ ràng giữa thương chiến, chỉ số VN-Index hiện vẫn thấp hơn đáng kể so với mức điểm vào cuối năm 2017. Việt Nam sở hữu câu chuyện vĩ mô tốt, nhưng tâm lý nhà đầu tư tại đây lại bị tổn thương trong những thời điểm chính quyền Trump gây áp lực lên cách quản lý tiền tệ của Việt Nam và thể hiện rằng Mỹ không thoải mái với sự thâm hụt ngày càng tăng với quốc gia hình chữ “S”.
Chiến thắng của Biden đã dẫn dắt chứng khoán châu Á vượt qua mức cao xác lập vào tháng 1/2018 - trước khi chiến tranh thương mại xuất hiện.
Việt Nam hưởng lợi từ dòng dịch chuyển sản xuất,
nhưng căng thẳng Mỹ-Trung lại tác động tiêu cực đến tâm lý của giới đầu tư
Sự phục hồi hậu đại dịch được nhìn thấy rõ tại các thị trường cận biên, với các con số lợi nhuận tăng trưởng trong mùa báo cáo quý 3/2020.
Môi trường vĩ mô tích cực cộng hưởng với những diễn biến chính trị đã nói đến sẽ là cú kích hoạt rất cần thiết cho xu hướng tái định giá (tăng) của các thị trường cận biên châu Á, AFC nhận định. Đặc biệt là khi các thị trường này đang giao dịch tại mức giá rấp hấp dẫn.
Định giá P/E hiện nay của các thị trường cận biên châu Á
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận