Áp thuế cao người nhiều nhà, đất: "Đánh" đúng kẻo đập trúng nguồn cung
Nếu có chủ trương thuế hợp lý sẽ ngăn cản được tình trạng đầu cơ đất đai, giá bất động sản sẽ xuống thấp, phục vụ cho tầng lớp bình dân.
Báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến về dự án Luật Đất đai diễn ra vào sáng 15/1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Vũ Hồng Thanh cho biết, cần sớm áp mức thuế cao hơn với người có nhiều nhà, đất nhằm điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của nhà nước.
Quay ngược lại quá khứ, tại Hội nghị do Thủ tướng chủ trì về Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản ngày 3/8/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết Bộ Tài chính đang nghiên cứu việc đánh thuế nhà ở thứ hai, đất chậm sử dụng.
Tại thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng mỗi chính sách thuế đưa ra đều có những tác động khác nhau, nhiều chiều. Vì vậy, chính sách thuế đưa ra có thể đạt được mục tiêu tránh đầu cơ nhưng lại hạn chế tổng cầu với thị trường bất động sản.
Xa hơn nữa, Chính phủ từng đề xuất thí điểm thuế tài sản (nhà ở) tại Tp.HCM năm 2017. Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản trình Chính phủ vào năm 2018. Tuy nhiên, các chính sách này sau đó đều nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và không được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đến nay, câu chuyện đánh thuế với người có nhiều nhà, đất lại tiếp tục được đem ra "mổ xẻ" khi Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua.
Thuế tài sản - con dao hai lưỡi
GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng chủ trương trên đã được Nhà nước lên kế hoạch và bàn bạc nhiều lần từ tận những năm 2008, nhưng “xây dựng rất hăng hái, đưa ra nhiều ý kiến thảo luận” rồi đến nay vẫn chưa thể được cụ thể hoá, áp dụng vào thực tiễn.
Ông Võ cho biết, một trong những mục tiêu chính của việc đánh thuế trên nhằm xây dựng mặt bằng giá bất động sản hợp lý, không bị “thổi phồng” và tránh tình trạng đầu cơ. Nếu có chủ trương thuế hợp lý sẽ ngăn cản được tình trạng đầu cơ đất đai, giá bất động sản sẽ ngay lập tức xuống thấp, phục vụ ngay cho tầng lớp bình dân. Nhưng nếu “vẽ” ra nhiều thứ để đánh thuế thì vị GS cũng cho rằng sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề.
“Bài toán đặt ra là “đánh” thế nào cho hợp lý để chống được đầu cơ nhưng không làm thui chột nguồn cung thị trường bất động sản”, ông Võ nói.
Theo đó, vị GS cho rằng để cải cách một sắc luật thuế cần có lộ trình, nhưng đặc biệt ông Võ nhấn mạnh việc đánh thuế tại thị trường Việt Nam thời điểm này nên hướng tới mục tiêu thay đổi cung - cầu đầu tiên, chứ không nên ngay lập tức đặt mục tiêu thay đổi nền giá bất động sản lên đầu.
Cũng chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định thuế là một giải pháp tốt trong bối cảnh hiện nay, nhưng từ câu chuyện thuế cũng gây ra hai mặt của vấn đề.
Xét ở mặt tích cực, việc đánh thuế sẽ giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần điều chỉnh thị trường trong ngắn hạn từ vài tháng cho đến vài năm đầu tiên.
Song, ở hướng ngược lại, áp mức thuế cao hơn với người có nhiều nhà, đất theo ông Quốc Anh đánh giá đây không hẳn là một giải pháp dài hạn và có tính “đường dài”.
Bên cạnh đó, trước tình hình thị trường bất động sản hiện nay phải đối mặt với bài toán thiếu nguồn cung, các sản phẩm trên thị trường còn khan hiếm thì việc áp thuế khó có thể phát huy hết tác dụng.
Lấy ví dụ tại một số quốc gia phát triển, ông Quốc Anh cho biết việc đánh thuế trực tiếp vào tài sản sở hữu vẫn không có tác dụng kiểm soát giá nhà, đất hoặc thực sự có tác động điều tiết giá cả trên thị trường. Thậm chí giá bất động sản vẫn neo ở mức cao và tình trạng đầu cơ vẫn tiếp diễn dù sử dụng công cụ thuế.
Đặc biệt cẩn trọng khi ra luật
Trước các cơ hội và thách thức đặt ra song hành từ việc áp mức thuế cao hơn với người có nhiều nhà, đất, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mặt pháp lý, các quy chuẩn, chỉ tiêu, phân khúc,… đánh thuế.
Và đặc biệt ông Quốc Anh nhấn mạnh, dù việc áp thuế trên để cân bằng thị trường và chống đầu cơ bất động sản cũng lưu ý tới quyền được sở hữu và tích luỹ tài sản của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội.
Bổ sung thêm, GS Đặng Hùng Võ cho biết thuế được sử dụng để điều tiết việc sử dụng tài sản, đảm bảo công bằng xã hội. Đánh thuế tài sản còn là loại thuế trực thu, áp trực tiếp vào đối tượng sử dụng, sở hữu tài sản nên nếu không đảm bảo đúng đối tượng, đúng trường hợp sẽ làm khó khăn khi thực thi và phá vỡ mục đích tốt ban đầu mà khoản thu thuế này đem lại.
Do đó, áp thuế với người sở hữu nhiều nhất, đất cần quy định rõ đối tượng chịu hoặc không phải chịu thuế, đánh giá hiệu quả thường xuyên trong quá trình thực hiện, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
“Cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng mức thu, các thu, đối tượng thu phù hợp để nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân”, ông Võ nói.
Trong văn bản kiến nghị gửi các cấp quản lý, Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) đề nghị Bộ Tài chính khi xây dựng Đề án Luật Thuế tài sản (Thuế bất động sản) cần phải đánh giá tác động của luật thuế thật đầy đủ, chính xác đối với các đối tượng chịu thuế.
Đặc biệt, với hộ gia đình, cá nhân, cần phải đánh giá tác động của luật thuế thật đầy đủ, chính xác để luật thuế vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa phù hợp với đối tượng chịu thuế, bồi dưỡng nguồn thu, không tận thu, là công cụ hiệu quả để điều tiết thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
HoREA đề nghị hiện tại không thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở, và không tăng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên tại Tp.HCM.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận