24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hải Long
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Áp lực rủi ro pha loãng cổ phiếu từ các đợt tăng vốn khủng

Thị trường chứng khoán sôi động đang mở ra cơ hội giúp các doanh nghiệp niêm yết có thể huy động vốn qua kênh này.

Nhưng hiệu quả của phương án đầu tư cũng là điều được các cổ đông xem xét trước khi quyết định “chọn mặt gửi vàng”.

Hứng “bão” bán tháo vì tính tăng vốn khủng

Giảm kịch sàn 2 phiên liên tiếp cùng khối lượng giao dịch tăng đột biến do nhiều nhà đầu tư đồng loạt tháo chạy, cổ phiếu DXG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh là một trong những mã chứng khoán giảm mạnh tuần qua. Vỏn vẹn trong một tuần, công ty này bị “bốc hơi” 12,3% vốn hóa thị trường, tương đương giá trị gần 1.846 tỷ đồng.

Nguyên nhân làm nên “cơn bão” bán tháo trên một phần đến từ kế hoạch phát hành 207 triệu cổ phiếu tăng vốn gửi đến các cổ đông trước thềm đại hội đồng cổ đông dự kiến tổ chức vào ngày 26/6 tới. Trong số này, Đất Xanh dự tính phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu với giá thấp hơn 20% so với giá đóng cửa bình quân trong 20 ngày giao dịch gần nhất.

Đại diện của Đất Xanh sau đó cũng đã phải lên tiếng giải trình nội dung quan trọng này. Công ty hé lộ đàm phán để nhận chuyển nhượng 2 quỹ đất diện tích khoảng 1.050 ha, tổng giá trị đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng.

“Đất Xanh đã xây dựng chiến lược và xác định giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn bùng nổ. Tập đoàn đang ưu tiên phát triển các quỹ đất dự án đô thị quy mô lớn ngay trong năm 2021. Việc phát hành tăng vốn chủ sở hữu để nâng lượng tiền mặt lên trên 10.000 tỷ đồng là cần thiết để phát triển các dự án lớn”, đại diện Đất Xanh cho hay.

Tuy nhiên, các cổ đông của Đất Xanh có lý do để lo ngại. Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI còn cho rằng, phương án phát hành riêng lẻ này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông hiện hữu do rủi ro pha loãng cũng như giá phát hành. Trong lịch sử, Đất Xanh từng phát hành với giá chiết khấu và tỷ lệ pha loãng cao, gồm 2 đợt phát hành riêng lẻ năm 2014 và đợt chào bán ra cho cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá năm 2016 và 2019 (sau đó xử lý cổ phiếu chưa phân phối hết cho số ít nhà đầu tư).

Tốc độ tăng vốn đáng chú ý trong quá khứ. Trong 5 năm trở lại đây, quy mô vốn điều lệ của Đất Xanh đã tăng nhanh, từ mức 2.530 tỷ đồng vào cuối năm 2016, lên hơn 5.200 tỷ đồng năm 2020. Nếu phương án tăng vốn sắp tới thành công, vốn điều lệ của Công ty sẽ vọt lên 7.270 tỷ đồng.

Rầm rộ huy động vốn qua sàn

Đất Xanh không phải trường hợp duy nhất lên kế hoạch huy động hàng ngàn tỷ đồng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn trình phương án tăng gấp đôi, gấp ba quy mô vốn điều lệ trong năm 2021.

Các ngân hàng đã trở lại sôi nổi trên đường đua tăng vốn sau mấy năm trầm lắng. Theo số liệu 16 ngân hàng đang giao dịch trên sàn, nhóm này dự kiến phát hành tăng vốn thêm khoảng 82.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ của các ngân hàng dự kiến tăng thêm 18.300 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ và phát hành quyền mua cổ phiếu. Kế hoạch huy động vốn qua chào bán cổ phiếu mới cũng được một loạt công ty chứng khoán thực hiện với mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo nguồn vốn cho vay ký quỹ (tối đa gấp 2 lần vốn chủ sở hữu).

Trong 5 năm trở lại đây, quy mô vốn điều lệ của Đất Xanh đã tăng nhanh, từ mức 2.530 tỷ đồng vào cuối năm 2016, lên hơn 5.200 tỷ đồng năm 2020. Nếu phương án tăng vốn sắp tới thành công, vốn điều lệ của Công ty sẽ vọt lên 7.270 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản hay doanh nghiệp sản xuất cũng không đứng ngoài làn sóng này. Ngoài Đất Xanh, CenLand dự định chào bán 91,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Số tiền huy động được sẽ được dùng để nhận chuyển nhượng một phần các sản phẩm bất động sản, trả nợ vay cho các hợp đồng nhận chuyển nhượng các sản phẩm bất động sản trước đây và một số khoản vay ngân hàng khác. Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai lên kế hoạch phát hành thêm 129,4 triệu cổ phiếu để tăng vốn gấp rưỡi.

Theo nhận định của FiinGroup, nếu các doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch phát hành này, thì năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết.

“Có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương gần 102.600 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021. Hình thức huy động vốn cổ phần được các doanh nghiệp ưa chuộng nhất là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành trong năm 2021 dự kiến đạt lần lượt là 54.100 tỷ đồng và 47.800 tỷ đồng”, chuyên gia của FiinGroup cho hay.

Áp lực rủi ro pha loãng

Huy động vốn đã khó, nhưng áp lực sử dụng đồng vốn cho hiệu quả có thể còn khó hơn. Với trường hợp của Đất Xanh, dù đại diện tập đoàn này chia sẻ thêm về kế hoạch giải ngân sau khi huy động vốn, nhưng điều quan trọng hơn là tính hiệu quả của các dự án mới. Dòng tiền hoạt động kinh doanh của Đất Xanh duy trì trạng thái âm từ năm 2016 đến nay. Dòng tiền hoạt động đầu tư các năm gần đây cũng thâm hụt lớn do chi đầu tư mở rộng quỹ đất.

Theo lãnh đạo Tập đoàn, khoản lỗ hơn 495 tỷ đồng trong năm 2020 là do chưa kịp ghi nhận doanh thu một số dự án và gia tăng trích lập dự phòng. Bên cạnh đó, lợi nhuận giảm còn bởi chi phí lãi vay đang tăng nhanh khi các khoản nợ phục vụ hoạt động đầu tư liên tục phình to. Với việc tiếp tục gia tăng số lượng cổ phiếu qua hoạt động phát hành, khả năng hồi phục mức thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) càng khó hơn.

Từng có giai đoạn cổ phiếu ô tô thu hút mạnh sự quan tâm của giới đầu tư, do chính sách thắt chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng giai đoạn đó đã đẩy nhu cầu về ô tô tải tăng mạnh. Một doanh nghiệp kinh doanh ô tô tải trên sàn đã huy động vốn thành công thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu, từ đó tăng quy mô vốn điều lệ lên gấp đôi.

Tuy nhiên, doanh thu của công ty này cũng như toàn thị trường đã giảm mạnh sau đó. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu các năm sau đều chưa tới 1.000 đồng, dù tại thời điểm chào bán, EPS đạt trên 3.400 đồng. Tài sản của doanh nghiệp này luôn treo tới hơn ngàn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn. Phải đến năm 2020, khoản tiền này mới giảm xuống, do Công ty dồn tiền để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Cổ tức cho cổ đông “mất hút” trong 3 năm và mới chi trả trở lại trong năm vừa qua, nhưng với tỷ lệ cũng rất khiêm tốn (4%).

Tuy vậy, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng hiệu quả kênh dẫn vốn này. Các khoản đầu tư của “vua thép” Hòa Phát hay Đông Hải Bến Tre (Dohaco) trong ngành giấy... nhờ nguồn vốn huy động thêm từ nhà đầu tư trong những năm trước đang mang lại “quả ngọt” cho doanh nghiệp và cổ đông.

Sự sôi động của thị trường chứng khoán đang kéo thêm nhiều nhà đầu tư mới và một dòng tiền lớn tham gia là cơ hội để các doanh nghiệp huy động được vốn trên sàn. Phía các nhà đầu tư cũng cần “chọn mặt gửi vàng” cho những đồng vốn bỏ ra.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả