Ảnh hưởng giá xăng, dịch vụ ship đồ tăng giá mạnh
Ngoài việc kéo giá các mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo, thực phẩm... tăng theo, xăng dầu tăng giá còn tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, trong đó có cước phí giao hàng, các khách hàng và tài xế đối tác của nhiều hãng xe công nghệ.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến các đơn vị kinh doanh dần hoàn thiện hệ thống bán hàng trực tuyến nhằm “sống chung với dịch”. Những ngày qua, giá xăng dầu tăng liên tục cũng khiến cước vận chuyển, “ship” hàng tăng theo. Do kinh doanh thực phẩm online, thường xuyên phải gọi người vận chuyển để giao hàng cho khách, chị Huyền Chi ở Long Biên, Hà Nội chia sẻ, những ngày gần đây chi phí ship hàng tăng khoảng 10% giá cước. Giá ship nhiều cung đường trước đây chỉ hết khoảng 15.000-20.000 đồng, nay đã lên khoảng 25.000-30.000 đồng. Nhiều khi phí ship báo nhận đơn còn cao hơn cả tiền hàng khách đặt, để giữ khách quen, nhiều khi chị Chi đã phải hỗ trợ phí ship cho khách.
Chuyên nhận những đơn ship lẻ quanh nội đô TP. Hà Nội, anh Nguyễn Trung Nghĩa (quận Hoàng Mai, Hà Nội), shipper tự do cho biết: Đợt này, giá xăng tăng cao nên giá cước cũng phải tăng thêm từ 5.000 - 10.000 đồng/đơn, tùy vào khoảng cách. Bên cạnh đó, “nếu như trước khi xăng tăng tôi thường nhận ship hàng theo từng đơn lẻ thì nay chuyển sang gom đơn đi theo tuyến và định hình quãng đường đi sao cho ngắn nhất để tiết kiệm nhiên liệu, chứ giá xăng thế này không kham nổi...” - anh Nghĩa nói.
Chị Hoàng Thị Mai (Cổ Nhuế), cho biết, do điều kiện công việc bận rộn nên thường phải đặt món đồ trên trên các ứng dụng như GrabFood, ShopeeFood… Mấy ngày nay, có ngày chị phải đặt tới lần thứ 3 mới thấy tài xế nhận đơn. Theo chị Mai, trước đây, việc tìm tài xế của các hãng này rất dễ dàng, nhanh chóng, nhưng nay khó khăn hơn dù phí ship cũng tăng cao khoảng 10% so với trước, từ 5.000-10.000 đồng. “Để tiết kiệm chi phí, tôi đành chọn phương án tự nấu tại nhà hoặc đặt đồ ăn gần văn phòng để khỏi mất tiền phí giao hàng” - chị Mai chia sẻ.
Trên các hội nhóm mạng xã hội, nhiều tài xế hãng xe công nghệ như Grab, Be… đã có chia sẻ rằng họ buộc phải tắt ứng dụng (app) vì giá xăng tăng quá nhanh, gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, trong khi đó giá cước vận chuyển vẫn giữ nguyên, làm tài xế chạy cũng không có lời. Theo anh Thắng - một tài xế công nghệ Grab chia sẻ, so với thời gian hơn 1 năm trước đây khi anh bắt đầu chạy xe, chi phí xăng xe của anh Thắng đã tăng gấp đôi.
Theo đó, giá xăng tăng ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, khiến việc cân bằng chi tiêu trong gia đình anh phải tính toán lại. Anh Thắng bày tỏ, tôi chạy xe số, thời gian trước, đổ xăng đầy bình xe máy chỉ hết khoảng 50.000 đồng, nhưng bây giờ để đổ đầy bình phải khoảng 70.000-80.000 đồng. Trong khi đó, xăng là nhiên liệu bắt buộc phải chi để làm việc nên không thể tiết kiệm được. Chưa kể đến, hiện nay còn khó khăn hơn vì lượng hành khách rất ít do vẫn ảnh hưởng của dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều khi tiền công chỉ đủ để bù tiền xăng.
Chia sẻ về áp lực của giá xăng dầu, một số tài xế của Grab cho biết, mặc dù là hãng đầu tiên điều chỉnh giá cước, song với giá cước như hiện nay thì thu nhập của tài xế chưa có sự thay đổi nhiều. Do giá cước này chỉ áp dụng cho điểm khách đặt, còn chi phí tài xế đi tìm điểm đón khách cũng chưa phù hợp. Chỉ vào những khung giờ cao điểm thì tài xế mới thực sự có lời khi giá xăng tăng cao. Do đó, đây là một trong những nguyên nhân không ít tài xế chọn phương án tắt app, tạm nghỉ qua thời gian này để chờ xăng dầu và giá cả bình ổn hơn.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Long - tài xế taxi ở Giải Phóng (Hà Nội) cho biết, chi phí đổ đầy bình xăng cho các xe ô tô 4 chỗ như xe Toyota của anh tăng khoảng 100.000 đồng. “Mỗi ngày, tôi tốn thêm khoảng 100.000 đồng cho chi phí xăng dầu, nhiên liệu. Nếu thời gian trước, xe có thể chạy “chay” để đón khách thì giờ, các xe đều phải tìm điểm đỗ để tiết kiệm tiền xăng”, anh Long cho hay.
Cùng với mong muốn đại dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, nhiều tài xế công nghệ, người vận chuyển hàng tự do cùng các đơn vị kinh doanh đều có chung mong muốn những biện pháp hỗ trợ kiểm soát các loại dịch vụ hàng hóa của các cơ quan liên quan sẽ đưa nhịp sống kinh tế xã hội trở lại bình thường, giúp những người lao động thuận lợi hơn.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc giá xăng, dầu tăng dễ khiến giá dịch vụ, hàng hóa tăng theo. Các ứng dụng dịch vụ công nghệ như Grab, Be, ShopeeFood… đã tăng cường hỗ trợ nhằm giúp tài xế bù đắp một phần chi phí vận hành, khuyến khích tài xế tích cực làm việc, thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng có nhiều chương trình ưu đãi giảm giá hoặc tặng mã ưu đãi dành cho khách.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương triển khai một số giải pháp cần thiết, như đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng, dầu; xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.
Trước đó, ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng, dầu cho thị trường trong nước. Công điện yêu cầu Bộ trưởng nhiều bộ, ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các giải pháp để bình ổn giá xăng, dầu, cũng như ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Trang Anh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận