Ẩn số nợ xấu
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, lợi nhuận các ngân hàng năm 2021 vẫn tốt, nhưng nợ xấu là ẩn số, nên khó dự đoán lợi nhuận năm 2022.
Một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2021 có nhiều khó khăn, ông có nhận xét gì?
Thông tư 14/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại nợ cho đến tháng 6/2022, nên một số ngân hàng có thể không trích lập dự phòng đầy đủ theo thực tế. Theo tính toán của tôi, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành từ 7 - 9%, cao hơn nhiều so với các con số trên sổ sách của các ngân hàng.
Điều này có nghĩa, ẩn trong lợi nhuận các ngân hàng hiện tại là chi phí dự phòng. Tổng dư nợ của hệ thống hiện đã đến 10 triệu tỷ đồng nên tỷ lệ nợ xấu dù chỉ 2 - 3% cũng đã là con số rất lớn và sẽ “ăn” vào lợi nhuận của ngân hàng.
Năm 2021, kinh tế thế giới và trong nước rung chuyển bởi dịch bệnh Covid-19. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP chỉ đạt mức tăng 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020. Mỗi tháng, trung bình có khoảng 10.000 doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản. Ngân sách nhà nước trong năm qua bội chi hơn 300.000 tỷ đồng…
Trong bối cảnh như vậy, nhiều khách hàng của các ngân hàng gặp khó khăn. Việc được giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, không trích lập dự phòng đủ dẫn đến lợi nhuận thực tế của các ngân hàng có thể thấp hơn so với báo cáo.
Lợi nhuận các ngân hàng chủ yếu vẫn đến từ hoạt động cho vay?
Thực tế luôn đúng như vậy. Vài năm trở lại đây, chuyển đổi số hay bancassurance là hai yếu tố có đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận, nhưng không phải là 2 cấu phần đóng góp lớn nhất trong lợi nhuận của các ngân hàng.
Cấu phần lớn nhất trong lợi nhuận ngân hàng vẫn đến từ cho vay tín dụng và bao gồm 2 phần: một là, chi phí vốn; hai là, doanh thu từ cho vay. Lãi suất huy động giảm, trong khi lãi suất cho vay không giảm nhiều, giúp tăng biên lợi nhuận ròng (NIM), từ đó làm lợi nhuận ngân hàng tăng.
Lợi nhuận cao liệu có lặp lại trong năm 2022?
Điều này rất khó dự đoán, bởi có nhiều ẩn số. Chẳng hạn, diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Tại Mỹ, biến thể Omicron đang gây ra làn sóng dịch bệnh mới.
Trong thời gian không phải chuyển nhóm nợ, các doanh nghiệp hồi phục thì nợ xấu sẽ giảm, vì doanh nghiệp lấy lại được khả năng thanh toán. Ngược lại thì đến một thời điểm nào đó, vấn đề nợ xấu sẽ phơi bày.
Tỷ lệ tỷ vong thấp hơn, song tốc độ lây nhiễm rất nhanh, nên biến thể này được dự báo sẽ khiến dịch bệnh bùng phát trong những tháng tới. Tại Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm biến thể Omicron, nếu dịch bùng phát sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế và tạo ra những khó khăn tương tự như năm 2021.
Theo đó, Thông tư 14/2021/TT-NHNN có hiệu lực cho đến hết tháng 6/2022, không có gì bảo đảm Ngân hàng Nhà nước sẽ không gia hạn cho đến cuối năm 2022 và nhờ đó, lợi nhuận ngân hàng có thể lặp lại tình trạng của năm 2021.
Mỹ dự báo, đến giữa năm 2022 sẽ kiểm soát được dịch Covid-19. Với giả thiết, Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh thì 2022 có thể là năm bắt đầu phục hồi kinh tế và ngành ngân hàng sẽ hưởng lợi đầu tiên.
Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không gia hạn Thông tư 14/2021/TT-NHNN, ẩn số nợ xấu từ việc được giãn nợ, không chuyển nhóm nợ sẽ bộc lộ.
Có vẻ như là một vòng luẩn quẩn, thưa ông?
Đúng vậy. Tình trạng này có thể ví với hình ảnh “cái cày và con trâu”. Dịch bệnh là con trâu và nền kinh tế là cái cày. Kiểm soát được con trâu thì đồng áng sẽ tốt đẹp và ngược lại. Nợ xấu dù có lộ rõ nhưng dịch bệnh được kiểm soát thì đây vẫn là một tín hiệu khởi sắc với hệ thống ngân hàng, bởi nợ xấu là câu chuyện giải quyết sớm hay muộn.
Trong thời gian không phải chuyển nhóm nợ, các doanh nghiệp hồi phục thì nợ xấu sẽ giảm, vì doanh nghiệp lấy lại được khả năng thanh toán.
Trường hợp tình hình tồi tệ của các doanh nghiệp kéo dài thì đến một thời điểm nào đó, tất cả vấn đề nợ xấu sẽ phơi bày. Lúc đó, sổ sách sẽ phải điều chỉnh theo thực tế, dẫn đến vốn chủ sở hữu và lợi nhuận ngân hàng chịu tác động tiêu cực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận