An Quý Hưng vẫn chưa thể thoái toàn bộ vốn tại Vinaconex
Giao dịch chuyển nhượng 278 triệu cổ phiếu VCG của An Quý Hưng vào Pacific Holdings không thành công do đang hoàn tất hồ sơ với các cơ quan nhà nước có liên quan.
Công ty TNHH An Quý Hưng vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu VCG của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Theo đó, An Quý Hưng chưa thể chuyển toàn bộ gần 278 triệu cổ phần tại Vinaconex theo đăng ký trước đó. Đây là giao dịch chuyển nhượng, chuyển quyền sở hữu chứng khoán do góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp, giao dịch thực hiện ngoài hệ thống.
Phía bên nhận chuyển nhượng là CTCP Đầu tư Pacific Holdings. Doanh nghiệp này cũng đã thông báo chưa nhận chuyển nhượng con số gần 278 triệu cổ phiếu VCG nói trên. Hiện Pacific Holdings không sở hữu cổ phiếu VCG nào. Nguyên nhân được cả 2 bên đưa ra là do "đang hoàn tất hồ sơ với các cơ quan nhà nước có liên quan".
Đáng chú ý, ông Nguyễn Xuân Đông là Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT của Vinaconex đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên của An Quý Hưng. Ông Đông cũng là đại diện phần vốn của An Quý Hưng tại Vinaconex.
Còn CTCP Đầu tư Pacific Holdings là doanh nghiệp mới được thành lập ngày 12/11/2021 với vốn điều lệ 7.100 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Trần Đình Tuấn, sinh năm 1978.
Tại công ty này, ông Đông cùng ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinaconex là các cổ đông sáng lập. Ngoài ra, ông Dương Văn Mậu, ông Nguyễn Hữu Tới - các Thành viên Hội đồng quản trị của Vinaconex cũng là cổ đông sáng lập của Pacific Holdings.
Trên thị trường, cổ phiếu VCG sau khi tăng mạnh lên vùng giá 56.000 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 5/1/2022) thì hiện đã giảm về vùng giá 46.300 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo thị giá này, số cổ phần An Quý Hưng đưa đi góp vốn vào Pacific Holdings có giá trị khoảng 12.900 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh của Vinaconex, lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần giảm 5% xuống 3.610 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 75% về gần 358 tỷ đồng. Như vậy, VCG đã hoàn thành 29,5% chỉ tiêu doanh thu và hơn 35% mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến thời điểm ngày 30/9, quy mô tổng tài sản đạt hơn 30.840 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần đầu năm nhờ tài sản ngắn hạn tăng 62% lên 21.680 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn gần gấp đôi lên 14.263 tỷ đồng do tăng mạnh phải thu hợp đồng đặt cọc mua bán và khoản trả trước cho người bán liên quan đến các dự bán xây lắp.
Việc tăng các khoản phải thu cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm hơn 1.154 tỷ đồng (cùng kỳ âm 225 tỷ đồng). Nhờ đi vay hơn 10.341 tỷ đồng, gấp 5,4 lần cùng kỳ đã bù đắp cho thâm hụt từ hoạt động kinh doanh. Khoản tiền và tương đương tiền giảm 34% xuống 1.322 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng từ hơn 2.350 tỷ lên 7.721 tỷ đồng. Nợ vay tăng 140% lên 10.316 tỷ đồng, trong đó khoản vay dài hạn gấp 3,3 lần lên 7.135 tỷ, chủ yếu do tăng dư nợ trái phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận