Ấn Độ đề nghị không chính trị hóa việc nhập khẩu dầu hợp pháp từ Nga
Ấn Độ đang có kế hoạch mua dầu thô của Nga với giá có chiết khấu trong bối cảnh phương Tây tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Ấn Độ ngày 18/3 đã đưa ra quan điểm chính thức rằng cộng đồng quốc tế không nên chính trị hóa các giao dịch năng lượng hợp pháp. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước kêu gọi siết chặt hơn nữa việc mua bán dầu của Nga nhằm trừng phạt Moskva vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Hai hãng thông tấn của Ấn Độ là PTI và ANI dẫn lời các quan chức Chính phủ nước này cho rằng các quốc gia tự chủ về dầu mỏ không thể vận động cho việc hạn chế thương mại. Ấn Độ đang có kế hoạch mua dầu thô của Nga với giá có chiết khấu trong bối cảnh phương Tây tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Trong khi đó, trong một động thái làm giảm mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Mỹ khẳng định việc nhập khẩu năng lượng của Ấn Độ không vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Quan điểm của Ấn Độ cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý của những lời kêu gọi dừng nhập khẩu dầu của Nga. Đó là các lệnh trừng phạt của phương Tây đang tránh tác động tới ngành khai thác và xuất khẩu năng lượng của Nga. Các ngân hàng Nga vốn là kênh thanh toán chính cho các giao dịch dầu khí của Liên minh châu Âu không bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Dẫn chứng việc rất nhiều nước đang mua dầu mỏ và khí đốt của Nga, Ấn Độ cho rằng 75% lượng xuất khẩu khí đốt của Nga đang được tiêu thụ tại các nước châu Âu là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). New Delhi cũng cho biết các căng thẳng địa chính trị gần đây đang tạo nên các thách thức với an ninh năng lượng của Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung năng lượng của Iran và Venezuela cũng đang bị ảnh hưởng. Còn các nguồn cung thay thế khác lại có giá rất cao.
Ấn Độ và Nga có quan hệ ngoại giao thân thiết không chỉ trong lĩnh vực năng lượng. Đó là một trong những lý do Ấn Độ giữ quan điểm trung lập và bỏ phiếu trắng tại các vòng bỏ phiếu về vấn đề Ukraine tại Liên hợp quốc. Mặc dù New Delhi không ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tiến hành tại Ukraine, Thủ tướng nước này Narendra Modi đã có nhiều cuộc điện đàm với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nhằm thúc giục các bên giải quyết xung đột thông qua đối thoại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận