Ám ảnh với chung cư chờ sập ở TP.HCM
Bên cạnh những công trình hoành tráng, hiện đại, những chung cư sang trọng, TP.HCM cũng đang tồn tại hàng trăm khu nhà chung cư cũ nát, mà nhiều người vẫn thường hay gọi đùa “chỉ cần hắt hơi là những mảng bê tông có thể nứt đổ”.
Nỗi ám ảnh
Có hẹn với một người bạn tại Chung cư Vĩnh Hội (quận 4, TP.HCM) để tìm hiểu về đời sống của người dân ở tại những chung cư cũ, 8h sáng trong một ngày cuối tuần giữa tháng 11, tôi có mặt tại chung cư. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một dãy nhà chung cư cũ nát, xập xệ và ẩm mốc..., nhưng điều khiến tôi càng kinh ngạc hơn là ở đó vẫn có hàng trăm người dân đang sinh sống.
Cách trung tâm quận 1 chỉ một cây cầu, nhưng hàng trăm người dân sống tại Chung cư Vĩnh Hội đang phải nơm nớp lo sợ từng ngày vì chưa biết chung cư này sẽ sập bất cứ lúc nào. Nếu chưa từng bước chân vào khu nhà này, nhiều người khó có thể tin ngay giữa khu trung tâm Sài thành tráng lệ lại có một khu “ổ chuột” nhếch nhác và nguy hiểm luôn rình rập từng ngày như vậy.
Dù được xem là “vị trí vàng” tại quận 4, nhưng muốn bước vào Chung cư Vĩnh Hội, tôi phải len lỏi qua những dãy xe máy để la liệt ở khoảng sân và những bãi rác chất đống sau một buổi họp chợ tan tầm.
Khoảng sân của chung cư này là chợ, nên trước khi bước vào nhà, người dân phải chịu đựng đủ loại mùi hôi thối, khiến bất cứ ai cũng phải giật mình, bịt mũi. Thấy tôi nhăn mặt, một chị gái tầm 40 tuổi bán tạp hóa ngay dưới tầng trệt chung cư nói vọng: “Bây giờ chú đến đây còn đỡ, vào mùa nắng, khi chợ đã tan tầm thì mùi hôi còn kinh khủng hơn thế”.
Gặp tôi ngay tại hành lang của tầng 1, ông Nguyễn Quang Thắng, một cư dân đã gắn bó với chung cư gần 50 năm than thở, khu nhà này từ lâu đã không khác gì khu “ổ chuột”, mục nát và xập xệ. Đợt mùa mưa vừa rồi, nước thấm vào theo các khe nứt trên tường nhà, nhiều đêm phải thức dậy liên tục để lau dọn nước mưa.
Dẫn tôi lên tầng 2, xuyên qua những bãi rác nằm dưới chân cầu thang bộ, ông Thắng đưa tôi vào trong căn hộ đã khá xập xệ, vừa với tay bật công tắc điện để lấy thêm chút ánh sáng cho căn phòng tối như đêm 30, ông Thắng thở dài: “Trước đây, tôi sống cùng vợ và con gái. Nay con gái đi lấy chồng ở riêng. Lúc con gái sinh, muốn về nhà bố mẹ nhưng nhà chật quá, sinh hoạt bất tiện, nên bà nhà tôi phải đi theo chăm sóc cháu”.
Sau tiếng thở dài hun hút như muốn trút hết bầu tâm sự, ông Thắng bắt đầu câu chuyện khốn khổ của cái “xóm” có tuổi đời U60 này. Ông Thắng cho biết, Chung cư Vĩnh Hội được xây dựng từ năm 1963 với 4 tầng, đưa vào sử dụng năm 1968, được xem là chung cư lớn, hiện đại ở quận 4.
Chung cư Vĩnh Hội chỉ là một trong tổng số 474 chung cư cũ cần sớm được cải tạo và xây mới
“Chung cư này là niềm tự hào của chúng tôi vào thời điểm đó, nhưng giờ đây thì không khác gì khu ổ chuột. Ngoài việc sinh hoạt chật chội, ô nhiễm, thì các hộ dân ở đây luôn thường trực nỗi lo... nhà sập”, ông Thắng nói.
Chỉ cho tôi xem những vết nứt hở rộng ở trần nhà, ông Thắng thở dài: “Khu tập thể này đã xuống cấp nghiêm trọng, nhà ở tầng 2 thì đối mặt với nhà dột, chuột bọ, nhà tầng dưới thì nơm nớp lo... sập, vì hầu hết các cây trụ đã bị nứt toác, có những trụ còn làm ổ cho chuột, bọ, gián”.
Quả thật, nhìn sơ qua, tôi không khỏi giật mình, bởi tường nhà, cột và nhiều vị trí đã bị bong tróc. Có thể nói, giàn giáo chính là bệ đỡ duy nhất, nhưng đang bị quá sức. Không những thế, toàn bộ hệ thống thoát nước của khu nhà cũng hư hỏng nặng, không còn đảm bảo. Ngay cả những tấm chắn hành lang cũng có nguy cơ rơi xuống mỗi khi có lực tác động.
Chứng kiến toàn bộ sự xuống cấp của chung cư, mỗi bước chân của tôi đều phải thật nhẹ nhàng, vì trần nhà đã nứt lở đến “trơ gan cùng tuế nguyệt”, dây điện chằng chịt như mạng nhện ở khắp mọi nơi.
Chờ đến bao giờ?
Có thể nói, tình trạng chung cư cũ nát là vấn đề nhức nhối gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân và cảnh quan đô thị của TP.HCM. Vấn đề này cũng đã được đưa ra họp bàn nhiều lần trong các hội nghị của UBND Thành phố. Tuy nhiên, việc cải tạo lại vẫn đang còn bế tắc.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn Thành phố hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Hầu hết các chung cư này đều xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư trên được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D.
Theo kế hoạch đến năm 2020, TP.HCM phải giải quyết 50% trong số 474 cũ đó. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra, bởi trong vòng 10 năm qua, Thành phố mới tháo dỡ được 32 chung cư cũ, còn việc cải tạo diễn ra rất chậm. Nhiều đơn vị đầu tư đăng ký dự án, nhưng mọi chuyện vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Người dân đang trông chờ vào những động thái quyết liệt của chính quyền Thành Phố để sớm được an cư
Mang câu chuyện của Chung cư Vĩnh Hội như một ví dụ điển hình cho việc tắc chương trình cải tạo chung cư cũ đến hỏi nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, câu trả lời mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản nhận được hầu hết là những cái thở dài ngao ngán. Dù việc xây mới chung cư cũ là nhiệm vụ cấp bách, nhưng để đảm bảo được quyền lợi và tìm ra tiếng nói đồng thuận giữa các bên là điều không hề dễ.
Như tại Chung cư Vĩnh Hội, ban đầu có nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu phương án xây mới, nhưng vì những hạn chế về chỉ tiêu quy hoạch, nên cuối cùng chỉ có 1 doanh nghiệp đưa ra phương án được cho là ổn thỏa nhất.
Theo đó, cư dân Chung cư Vĩnh Hội sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ với 1 m2 nhà cũ sẽ được quy đổi bằng 1,1 m2 nhà mới. Nếu cư dân không có nhu cầu sở hữu nhà mới thì có thể bán lại cho chủ đầu tư với mức giá khoảng 27,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhiều hộ dân Chung cư Vĩnh Hội vẫn còn băn khoăn khi chủ đầu tư chưa đề cập đến giá bán diện tích tăng thêm.
Đã có những chính sách, những buổi hội thảo để đưa ra kế sách tháo gỡ khó khăn trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, trong đó có nhiều kế sách được cho là sẽ tháo gỡ được những nút thắt bấy lâu nay là Nhà nước muốn thực hiện nhưng không đủ ngân sách, còn doanh nghiệp lại không thể làm được.
Một số chuyên gia cho rằng, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ, chính quyền phải có cơ chế chính sách để cân đối giữa quyền lợi của nhà đầu tư và người dân, nên xây dựng cơ chế mở để cho nhà đầu tư tự căn cứ theo khung chính sách và tự thỏa thuận với người dân.
Đối với những người dân sống ở những chung cư cũ nát, dù muốn dù không, thì rồi đây cũng sẽ bị phá bỏ, trên nền đất cũ một căn chung cư mới hiện đại hơn, bề thế hơn sẽ mọc lên. Hỏi người ta mừng không, thì tất cả đều bảo vui mừng, vì chung cư đã quá già cỗi, chẳng còn đủ sức để chở che cho ngần ấy con người.
Thế nhưng, hỏi tiếc không thì mọi người cũng gật đầu, tiếc những vấn vương còn lưu lại trên mảng tường vàng cũ kỹ, những chiều bắt ghế ra sân cùng hàng xóm hàn thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất và tiếc bởi cả nửa đời đã gắng bó, người ta xem nó là “mái ấm” sau một ngày dài tất bật làm việc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận