menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hiểu Minh

“Ám ảnh” đường vành đai

Là mạng lưới xương sống của hệ thống giao thông, nhưng những tuyến đường vành đai chật vật hàng thập kỷ “trên giấy” đang trở thành nỗi ám ảnh của giao thông cả TP.HCM và Hà Nội.

Cấp bách, 10 năm vẫn không “nhúc nhích”

Hệ thống giao thông của TP.HCM được đánh giá là đã quá tải và trở thành một trong những rào cản lớn nhất kìm hãm sự phát triển của trung tâm kinh tế hàng đầu VN. Mỗi năm, Sở GTVT cùng UBND TP.HCM liên tục ban hành danh sách hàng trăm dự án cần triển khai với số vốn lên tới vài tỉ USD. Đáng nói, những dự án quan trọng nhất như mạng lưới đường vành đai liên tục có tên trong danh sách dự án cấp bách, xác định là nhiệm vụ chính của ngành giao thông TP trong mỗi nhiệm kỳ, nhưng thực tế lại dẫn đầu top các dự án chậm trễ nhất TP.HCM.

Càng để lâu, nguy cơ tăng vốn càng cao, không chỉ đường phố mà bản thân dự án cũng lo “tắc” vì không giải được bài toán tài chính Một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM

Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km. Trong đó, đường vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành; đường vành đai 3, vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tuy nhiên đến nay, TP mới chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71 km đường vành đai (vành đai 2 khoảng 55 km, vành đai 3 hơn 16 km), đường vành đai 4 còn đang trong quá trình chuẩn bị dự án, chưa được đầu tư xây dựng. Cá biệt, đường vành đai 2 chỉ còn 14 km chưa khép kín nhưng các dự án thành phần chật vật suốt nhiều năm chưa thể hoàn thành.

Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT, 14 km dang dở được chia thành 4 đoạn tương ứng với 4 dự án, gồm: đoạn từ cầu Phú Hữu (Q.9) đến xa lộ Hà Nội, đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức), đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa, QL1 (Q.Thủ Đức) và đoạn 4 từ QL1A - Nguyễn Văn Linh. Trong đó, đoạn 1 và đoạn 2 nằm chờ gần 4 năm vẫn chưa được thông qua chủ trương đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Mới đây, Sở GTVT đã trình phương án thực hiện bằng vốn ngân sách nhưng vẫn đang “kẹt” ở Sở KH-ĐT, chưa được thông qua. Đoạn 4 cũng khó khăn về vốn nên chưa chốt được phương án đầu tư phù hợp. Đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa được triển khai thi công từ năm 2017 với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng cũng đang tạm ngưng. Nguyên nhân, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở tài chính chưa hoàn thành rà soát, báo cáo và dự thảo văn bản để UBND TP trình Thủ tướng xem xét chấp thuận các khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng do Q.Thủ Đức thực hiện còn chậm và nhà đầu tư chậm trễ trong việc lập hồ sơ điều chỉnh dự án.

Công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM - đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư) vừa trình Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 3 (Thủ tướng phê duyệt năm 2011). Theo đó, 2 dự án thành phần 1 là 1A và 1B thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch đã xác định được nguồn vốn, phương thức đầu tư, dự kiến sớm được triển khai ngay trong quý 1/2021.

“Ám ảnh” đường vành đai
Chậm khép kín vành đai 4 khiến áp lực giao thông đè nặng lên tuyến vành đai 3 (Hà Nội) Ảnh: Phạm Hùng

Hà Nội cũng “không vội được đâu”

Luôn được đem ra so sánh với TP.HCM về tốc độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường vành đai khá hoàn chỉnh khi đã lên kế hoạch triển khai đường vành đai số 5 có chiều dài 320 km, song thủ đô Hà Nội cũng không thoát khỏi nỗi khổ đường vành đai.

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, sau gần 9 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tuyến vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, và sau 6 năm phê duyệt quy hoạch đường vành đai 5 Hà Nội, tiến độ triển khai các dự án đều không đáp ứng yêu cầu quy hoạch.

Theo Quyết định 1278/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 4, toàn tuyến có chiều dài 98 km, quy mô cao tốc 6 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỉ đồng, xây dựng trước năm 2020, trong đó đoạn qua TP.Hà Nội hoàn thành trước năm 2018. Sau đó 4 năm, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 với chiều dài khoảng 348 km, đoạn từ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến Hà Nội - Lạng Sơn, quy mô cao tốc 4 - 6 làn xe, đoạn còn lại là quy mô đường cấp 2, 4 với 6 làn xe, giai đoạn đến 2030 hoàn thành thông tuyến đạt quy mô 4 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 59.000 tỉ đồng. Nguồn vốn được xác định từ vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua. Ngoài ra, các tuyến vành đai được tách thành các dự án độc lập đi theo từng địa phương, UBND các tỉnh, TP lập dự án, huy động nguồn vốn theo hình thức PPP.

Tuy nhiên, với đường vành đai 4, tới nay mới chỉ có TP.Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT, nhưng chưa phê duyệt đề xuất đầu tư (dài 53,52 km). Các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên (19 km), Bắc Ninh (21 km) chưa lập đề xuất đầu tư dự án.

Đại diện Ban Quản lý dự án 2 (QLDA 2), đơn vị được Bộ GTVT giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 cho biết, đang rà soát cập nhật số liệu toàn bộ quy hoạch tuyến vành đai 4 được duyệt để sớm trình Bộ GTVT báo cáo Chính phủ trong năm 2021. Trong đó có một số điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến đi qua các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.

Với vành đai 5, yêu cầu hoàn thành trước 2030 nhưng mới khai thác được 62/331 km (tương ứng 18,7% chiều dài quy hoạch), tiến độ đầu tư rất chậm so với quy hoạch. Phần do Bộ GTVT đầu tư là các đoạn đi trùng quốc lộ, cao tốc (dài 127,9 km), đã thực hiện đầu tư, đưa vào khai thác 25 km các đoạn đi trùng cao tốc (12 km trùng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, 14,5 km trùng cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Còn lại 102,9 km đi trùng quốc lộ đã được đầu tư có quy mô 2 làn xe (đường Hồ Chí Minh, cầu Vĩnh Thịnh, tuyến nối 2 cao tốc) nhưng chưa được đầu tư theo quy hoạch (4 làn xe).

“Ám ảnh” đường vành đai
TP.HCM mới chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71 km đường vành đai Đồ họa: hồng sơn

Càng chậm, càng tắc

Bộ GTVT đánh giá việc chậm trễ vành đai 4, 5 tại Hà Nội khiến nhiều tuyến đường đô thị phải đảm nhận chức năng vừa là đường đô thị, vừa là đường đối ngoại cho các phương tiện vận tải của các tỉnh xung quanh, dẫn đến ùn tắc tại vành đai 3. Theo khảo sát của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, lưu lượng xe trên tuyến vành đai 3 bình quân hiện khoảng 5.000 lượt xe/giờ, cao gấp khoảng 2,5 lần lưu lượng tiêu chuẩn. Đây cũng là tuyến đường thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm hoặc gia tăng đột biến phương tiện dịp lễ, tết. Một tuyến khác cũng đang phải gồng gánh phương tiện rất lớn và thường xảy ra ùn tắc là cầu Thanh Trì, đã vượt quá lưu lượng thiết kế tới 8 lần, khoảng 120.000 xe/ngày đêm trong khi lưu lượng thiết kế chỉ là 15.000 xe/ngày đêm.

TP.HCM cũng rơi vào cảnh tương tự. Với chỉ duy nhất đường vành đai 1 (đường Võ Văn Kiệt) đã hoàn thiện nhưng nay cũng trở thành đường nội đô khi gánh vác lượng xe đô thị lưu thông quá lớn, việc chậm trễ mạng lưới vành đai gây hệ lụy nặng hơn rất nhiều đối với TP.HCM. “Cực kỳ quan trọng” và “vô cùng cấp bách” là nhận định của lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đối với các dự án đường vành đai hiện nay. Thời gian qua, dù TP.HCM đã tích cực triển khai rất nhiều dự án mở rộng cầu, đường, làm cầu vượt giải tỏa các điểm nghẽn giao thông, nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính cấp bách, giải quyết cục bộ. Muốn thoát khỏi kẹt xe, không có cách nào khác ngoài nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đường vành đai cùng các công trình giao thông quy mô lớn. “Càng để lâu, nguy cơ tăng vốn càng cao, không chỉ đường phố mà bản thân dự án cũng lo “tắc” vì không giải được bài toán tài chính”, vị này nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại