Ai lợi, ai thiệt khi Nhật Bản tăng lãi suất?
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được cho là sắp có đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007. Câu hỏi đặt ra bây giờ là đối tượng nào sẽ hưởng lợi và đối tượng nào chịu thiệt hại khi BOJ chấm dứt lãi suất âm?
Theo nhận định của giới phân tích, Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida và BOJ đã nhất quán về định hướng chấm dứt chính sách lãi suất âm và thời điểm được dự báo là trong vài tuần tới.
Khi lãi suất tăng, chính BOJ và Chính phủ là hai trong những đối tượng bị “thiệt hại tài chính” nhiều nhất.
Với Chính phủ, lãi suất cho vay tăng lên ảnh hưởng đáng kể tới bảng cân đối tài chính khi mà Nhật là một trong những chính phủ có nợ công lớn nhất trong số các nền kinh tế phát triển, với quy mô gấp hơn 2 lần nền kinh tế.
Còn với BOJ, khi lãi suất tăng lên từ mức âm hiện nay, ngân hàng này sẽ phải trả lãi cho khoản tiền dự trữ của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, lãi suất ngắn hạn tăng lên cũng gây áp lực tăng lợi suất trái phiếu chính phủ, từ đó khiến kho trái phiếu chính phủ khổng lồ mà BOJ đang nắm giữ chịu lỗ trên sổ sách. Hiện tại, ngân hàng này đang nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ lớn hơn sản lượng của nền kinh tế trong một năm.
Ở chiều ngược lại, các tổ chức tài chính được hưởng lợi lớn khi lãi suất tăng, đặc biệt là các ngân hàng khu vực trong dài hạn. Môi trường lãi suất siêu thấp kéo dài ở Nhật thời gian qua đã làm xói mòn lợi nhuận của các ngân hàng nước này khi làm giảm hiệu quả hoạt động cho vay trên vốn huy động. Những tháng gần đây, lãnh đạo nhiều tổ chức tài chính ở Nhật tiếp tục kêu gọi BOJ nhanh chóng chấm dứt chính sách lãi suất âm. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng có thể chịu lỗ trên sổ sách do nắm giữa trái phiếu chính phủ. Do đó, sau cùng, các tổ chức tài chính cũng chịu thiệt hại, tùy thuộc vào loại tài sản mà họ nắm giữ.
Dù vậy, theo ước tính nhà nghiên cứu cấp cao Hideo Oshima tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản (JRI), việc chấm dứt lãi suất âm có thể làm lợi cho các ngân hàng khu vực trong dài hạn, khi các khoản vay thả nổi lãi suất giúp biên lợi nhuận tăng.
Việc tăng lãi suất cũng tác động lớn tới thị trường bất động sản Nhật Bản. Theo một báo cáo gần đây của Cơ quan Tài chính Nhà ở Nhật Bản (JHFA), gần 75% người mua nhà chọn vay tiền theo lãi suất thả nổi mua nhà, loại lãi suất gắn liền với lãi suất ngắn hạn do BOJ điều chỉnh. Do đó, khi BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm, lãi suất các khoản vay mua nhà của họ sẽ tăng theo thời gian. Điều này trước tiên sẽ ảnh hưởng tới tài chính của người mua nhà, sau đó đẩy giá cho thuê nhà tăng lên.
Theo tính toán của ông Shinichi Nishioka, nhà kinh tế cấp cao tại JRI, nếu BOJ tăng lãi suất lên 2%, số tiền phải trả cho khoản vay thế chấp mua nhà bình quân tăng lên 350.000 yên mỗi năm. Điều này có thể tác động tới tiêu dùng, kéo theo tác động lên nền kinh tế nói chung.
Lãi suất vay thế chấp mua nhà tăng lên cũng có thể khiến nhu cầu mua nhà giảm, kéo theo sự suy giảm của thị trường bất động sản và tác động lớn tới các công ty bất động sản. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định tác động thực tế với các khoản vay mua nhà và lĩnh vực bất động sản có thể không lớn như nhiều người lo sợ bởi lãi suất cơ bản của BOJ nhiều khả năng sẽ không tăng quá cao.
Trong khu vực doanh nghiệp, với những công ty làm ăn kém, lãi suất tăng sẽ là một thách thức lớn. Các nhà phân tích dự báo số lượng doanh nghiệp phá sản ở Nhật sẽ tăng lên khi lãi suất tăng, đặc biệt là những công ty “xác sống” vốn đang tồn tại nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng suốt nhiều năm. Năm 2013, số lượng các công ty như thế này ở Nhật là 251.000, chiếm khoảng 17,1% tổng số doanh nghiệp – theo một khảo sát của Teikoku Databank. Nhìn theo hướng tích cực, việc này giúp “thanh lọc” những công ty vay nợ nhiều nhưng làm ăn kém hiệu quả, từ đó giúp nền kính tế Nhật tăng trưởng khỏe mạnh hơn trong dài hạn.
Trong khi đó, lãi suất tăng kéo theo giá đồng yên là tin xấu với các công ty xuất khẩu hay doanh nghiệp có hoạt động quốc tế lớn như Toyota Motor Corp., SoftBank Group Corp. hay Tokyo Electron Ltd. Suốt nhiều thập kỷ, các doanh nghiệp này được hưởng lợi nhờ đồng yên yếu, giúp lợi nhuận quy đổi từ ngoại tệ sang đồng yên của họ cao hơn.
Ở chiều ngược lại, các công ty nhập khẩu và người tiêu dùng lại được hưởng lợi khi đồng yên mạnh lên. Giá thực phẩm và nhiên liệu nhập khẩu rẻ hơn là tin vui với người tiêu dùng. Đồng yên mạnh lên cũng giảm áp lực lạm phát và thúc đẩy tiêu dùng của các hộ gia đình.
Với khách du lịch, Nhật Bản trở thành một điểm đến hợp túi tiền hơn khi đồng yên yếu đi, từ mức 79,8 yên đổi 1 USD vào năm 2012 lên 140,5 yên đổi 1 USD năm 2023. Điều này giúp lượng khách hàng tháng tháng tới nước này tăng vọt lên trên 2 triệu người, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bá lẻ và các khu vực có điểm tham quan du lịch. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng, làm tăng sức mạnh của đồng yên, ngành du lịch Nhật Bản được dự báo sẽ bị ảnh hưởng.
Đối với đầu tư quốc tế, lãi suất trong nước tăng có thể không khiến nhà đầu tư Nhật ồ ạt rút tiền khỏi các tài sản quốc tế nhưng được dự báo sẽ làm giảm dòng tiền từ Nhật chảy ra nước ngoài. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất, bên cạnh 10% trái phiếu Chính phủ Australia và Hà Lan. Danh mục đầu tư quốc tế của các nhà đầu tư Nhật Bản ước tính trị giá gần 4 nghìn tỷ USD.
Dòng tiền đầu tư được dự báo sẽ chảy vào thị trường chứng khoán trong nước nhiều hơn. Tuy nhiên, đồng yên mạnh lên lại là một nhân tố lớn hơn kéo chứng khoán nước này đi xuống.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận