Ai có thể vay gói 300 nghìn tỷ lãi suất ưu đãi ngân hàng?
Trong Dự thảo Nghị quyết mới đây của Chính phủ đã quy định rất cụ thể về các đối tượng được hưởng ưu đãi tín dụng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 từ các tổ chức tín dụng.
Tại Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đưa ra những biện pháp khá cụ thể hướng dẫn các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cụ thể, với Bộ Tài chính cần ban hành Thông tư để miễn, giảm phí, lệ phí như: phí thẩm định cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phí khai thác dữ liệu khí tượng thủy văn, phí cấp phép hoạt động của các tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng, lệ phí cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng, miễn lệ phí cấp giấy chứng chỉ hành nghề xây dựng cho cá nhân.
Rút ngắn thời gian kiểm soát chi, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; phối hợp với chủ đầu tư kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh về thủ tục thanh toán; đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ theo quy định.
Đánh chú ý, Dự thảo Nghị quyết yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong tháng 4 năm 2020 việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, đặc biệt nghiên cứu giảm thêm đối với mặt hàng xăng sinh học E5RON92 để khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
Cùng với đó, nghiên cứu giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước; các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2020 nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm kiếm các nguồn lực bổ sung cho ngân sách nhà nước, nhất là các khoản vay từ các tổ chức quốc tế; xây dựng phương án huy động từ các nguồn khác, kể cả từ dự trữ ngoại hối để bổ sung nguồn lực cho NSNN trong các trường hợp cần thiết, cấp bách khác; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất về việc đàm phán để hoãn các nghĩa vụ trả nợ đến hạn của ngân sách nhà nước.
Khẩn trương hoàn thiện thủ tục và bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các Ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Với Ngân hàng Nhà nước, dự thảo yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện theo thẩm quyền để miễn, giảm lãi suất, chi phí đối với các khoản vay mới và các khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp khoảng 2%, nhất là đối với các khoản cho vay trước khi xảy ra dịch bệnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc trả các khoản vay trước dịch Covid-19 do nguồn thu bị giảm mạnh;
Cùng với đó, yêu cầu các NHNN chỉ đạo cung cấp các khoản vay ưu đãi về lãi suất cho: các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn chịu thiệt hại nặng do dịch COVID-19 (doanh thu quý 1 và quý 2/2020 giảm trên 50%, có số lao động đóng bảo hiểm xã hội trên 100 lao động, nộp ngân sách cao), thời hạn vay từ 6-9 tháng thông qua các ngân hàng thương mại; các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với thời hạn vay từ 3-6 tháng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
NHNN hướng dẫn Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc gia hạn nợ, miễn giảm lãi vay,… cho khách hàng là hộ nghèo, đối tượng chính sách gặp khó khăn do dịch bệnh.
Trước đó, tại thông báo kết luận của của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chuẩn bị nội dung Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện hiệu quả; đồng thời nghiên cứu mở rộng gói hỗ trợ tín dụng hơn 300 nghìn tỷ đồng theo tinh thần không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh với lãi suất thấp, công khai, công bằng, minh bạch.
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục giảm lãi suất cả các khoản vay mới và khoản vay hiện hữu, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận