90% nguồn cung nhà ở tại Lâm Đồng chưa đủ điều kiện giao dịch
Tỉnh có hơn 6.100 sản phẩm tồn kho gồm đất nền và căn hộ, chiếm 90% nguồn cung trên thị trường, do dự án đang triển khai đầu tư, xây dựng.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo bổ sung về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà xã hội giai đoạn 2015-2023. Theo đó, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 13 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị (gồm một dự án đã chấm dứt đầu tư) trong 8 năm. Nguồn cung dự kiến có hơn 6.700 sản phẩm cung ứng ra thị trường, gồm hơn 4.400 căn nhà ở và gần 2.300 lô đất nền xây nhà.
Đến nay, tỉnh mới có ba dự án đã hoàn thành xây dựng với hơn 500 lô đất nền và một dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với 98 căn. Còn 8 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng, tương ứng hơn 6.100 sản phẩm tồn kho. Tỉnh đánh giá "lượng bất động sản chưa đủ điều kiện giao dịch tương đối lớn" vì chiếm hơn 90% tổng nguồn cung trên thị trường.
Trong đó, gần một nửa số lượng tồn kho thuộc về Khu đô thị mới Nam sông Đà Nhim của Liên danh Công ty cổ phần Thương mại, quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản An Phúc và Công ty cổ phần Bất động sản Hano-Vid. Dự án này nằm tại huyện Đức Trọng, được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2022 với quy mô gần 154 ha, tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.
Báo cáo nêu phần lớn dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ do gặp khó trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một số chủ đầu tư sau khi có chấp thuận chủ trương dự án lại không triển khai vì không có năng lực tài chính. Nhiều dự án đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng chậm xây nhà ở để bán.
Một góc trung tâm TP Đà Lạt năm 2022. Ảnh: Phước Tuấn
Về lượng giao dịch bất động sản, báo cáo nêu số lượng liên tục tăng trong giai đoạn 2015-2023, kéo theo giá cũng tăng theo. Nếu như năm 2015, tỉnh có hơn 8.400 giao dịch qua công chứng thì năm 2019 lượng giao dịch đã gấp 3 lần và tiếp tục gấp 5,8 lần vào năm 2022. Tổng giá trị giao dịch năm 2019 và 2022 cũng gấp lần lượt 8,5 lần và 16,5 lần so với năm 2015.
Đến năm 2023, lượng giao dịch bất động sản và giá trị lao dốc, đều giảm đến 60% so với năm trước đó. Tỉnh nêu lý do là thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, giá nguyên vật liệu đồng loạt tăng khiến doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền. Nhiều chủ đầu tư buộc phải "thu hẹp quy mô, gia hạn hoặc dừng triển khai dự án". Trong giai đoạn này, tỉnh cũng tăng cường thanh tra, ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền nên giảm bớt tình trạng "sốt đất cục bộ" từ cuối năm 2022.
Về giá giao dịch bất động sản, báo cáo nêu một số địa phương tiêu biểu như huyện Lâm Hà có giá 8-30 triệu đồng mỗi m2 đất ở khu vực trung tâm đô thị, còn khu trung tâm xã có giá 4-10 triệu một m2. Huyện Lạc Dương có giá đất ở trung bình 7-10 triệu đồng mỗi m2, còn nhà ở khoảng 15-25 triệu một m2. Những địa phương vốn là điểm nóng về bất động sản như Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh hay Bảo Lâm đều không cung cấp thông tin về giá bán.
Báo cáo cũng nêu số lượng doanh nghiệp bất động sản tại tỉnh liên tục tăng trong giai đoạn 2015-2023. Trong đó, số lượng đạt đỉnh vào năm 2022 với 435 doanh nghiệp, tăng khoảng 6,2 lần so với năm 2015. Đến năm 2023, số doanh nghiệp đang hoạt động còn 303 đơn vị. Tính lũy kế tỉnh có hơn 350 doanh nghiệp đã giải thế, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh, trên tổng số hơn 2.000 đơn vị.
Tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phân loại khó khăn với những dự án đang triển khai để đẩy nhanh tháo gỡ thủ tục đầu tư. Sở Tài chính được giao tháo gỡ ngay vướng mắc trong xác định giá đất ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư. Các địa phương phải đôn đốc chủ đầu tư đảm bảo tiến độ và xử lý trường hợp vi phạm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận