24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Thế Kiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

8 lĩnh vực ảnh hưởng bởi Covid-19: (Kỳ 2) Gián đoạn chuỗi cung ứng

Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 11,52 tỷ USD hàng dệt may, da giày từ Trung Quốc, chiếm 47,74% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam.

Một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, sẽ chịu tác động tiêu cực...

Ở bài trước TS Cấn Văn Lực và các thành viên Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới các lĩnh vực dịch vụ y tế và nguồn nhân lực, du lịch - lữ hành - khách sạn, dịch vụ giao thông - vận tải thì các ngành tiếp theo bị ảnh hưởng là bán lẻ (tiêu dùng giảm), ngoại thương, chuỗi sản xuất - cung ứng.

Lĩnh vực ngoại thương

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước năm 2019 đạt 116,87 tỷ USD; trong đó, Việt Nam nhập khẩu 75,45 tỷ USD (chiếm 27,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), xuất khẩu 41,41 tỷ USD (chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó giá trị của hàng sản xuất trong nước chiếm 55,5%) và nhập siêu từ Trung Quốc ở mức 34,04 tỷ USD.

Tuy nhiên, thương mại hai nước Việt - Trung quý 1, quý 2 và cả năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng khi từ 29/01/2020, Trung Quốc thực hiện tạm dừng thông quan, tăng cường quản lý và siết chặt các cửa khẩu như một biện pháp ngăn chặn sự lan rộng của dịch Covid-19.

Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng nông - thủy sản chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 20%) tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, khi giao dịch biên mậu bị hạn chế do các qui trình, thủ tục cần áp dụng nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh; hoặc khi dịch bệnh lắng dịu, hai nước có thể sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, siết chặt thương mại biên giới, hạn chế giao thương tiểu ngạch; đồng thời bổ sung một số quy định mới về kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn nguyên liệu, thực phẩm, kiểm dịch…; hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông-lâm-thủy sản… sẽ còn khó khăn.

Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ, Việt Nam là một trong những nước khu vực Châu Á chịu nhiều tác động tiêu cực về xuất khẩu sang Trung Quốc (chỉ sau Đài Loan), với mức thiệt hại ước tính khoảng 0,44 điểm % GDP khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 20% trong 3 tháng tới.

Theo chiều ngược lại, trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc, rất nhiều hàng hóa là nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 11,52 tỷ USD hàng dệt may, da giày từ Trung Quốc, chiếm 47,74% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam.

Tương tự, Trung Quốc là đối tác lớn nhất cung cấp hóa chất và sản phẩm từ hóa chất; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo cho Việt Nam, đạt lần lượt 3,23 tỷ USD (chiếm 30,6% tổng kim ngạch mặt hàng này) và 3,99 tỷ USD (chiếm 25,7% tổng kim ngạch mặt hàng này). Điều này cho thấy một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, sẽ chịu tác động tiêu cực (nhất là trong quý 1 và quý 2/2020) do thiếu nguyên liệu đầu vào, gián đoạn chuỗi cung ứng (trong khi tồn kho và nguồn thay thế còn hạn chế).

Lĩnh vực bán lẻ

Tác động đối với hoạt động bán lẻ (tiêu dùng cá nhân) trong nước: dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ có tác động hai chiều, tuy nhiên tác động tiêu cực nhiều hơn. Thứ nhất, dịch bệnh sẽ tác động đến tâm lý của người dân, theo đó người dân sẽ có xu hướng phòng thủ, tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, làm ảnh hưởng đến sức mua, khiến tiêu dùng cá nhân (tương đương 74% GDP của Việt Nam năm 2018) dự báo sẽ giảm trong ngắn hạn.

Thứ hai, dịch bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình khi các lễ, hội, tụ tập bị dừng tổ chức hoặc thu hẹp quy mô, đặc biệt là sau dịp Tết; trong đó có nhiều lễ hội thu hút hàng triệu khách du lịch. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành nghề dịch vụ, kinh doanh phục vụ trực tiếp lễ hội (ăn uống, vận tải, du lịch, lữ hành…), từ đó ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ.

Lĩnh vực sản xuất theo chuỗi cung ứng

Dịch Covid-19 tác động đến các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng tại Việt Nam ở hai khía cạnh. Một là, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, nhiều ngành sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng như điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may, da giày, sản xuất – chế biến nông sản, ô tô – xe máy, sắt – thép, lọc hóa dầu, bán lẻ…(đều là những ngành xuất khẩu chủ lực, tạo việc nhiều làm của Việt Nam), đều đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, do thiếu nguồn cung đầu vào cũng như xuất khẩu đầu ra bị nghẽn, bị giảm.

Hai là, nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thuộc các ngành nêu trên cũng bị ảnh hưởng tương tự. Một số doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Formosa, Apple, Toyota, Honda….gặp phải 2 khó khăn lớn: thiếu nguồn cung đầu vào nhập từ Trung Quốc, và thiếu lực lượng lao động do lệnh phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại đối với nhân công, chuyên gia từ Trung Quốc. Những tác động này là khá lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, việc làm và tiêu dùng của Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả