7 lực đỡ cho TTCK trong năm 2024?
Ông Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính mới đây đã chỉ ra 7 lực đỡ chính cho TTCK trong năm nay.
Dẫn nguồn từ Tinnhanhchungkhoan, năm 2024, một số yếu tố ngoại biên có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán như xung đột Nga - Ukraine, Isarel - Hamas, bầu cử Tổng thống Mỹ…, nhưng nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục phục hồi, với 7 lực đỡ chính.
Thứ nhất: Một số thị trường quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, GDP quý III/2023 lần lượt tăng trưởng 4,9% và 1,3%.
Các nền kinh tế lớn đang có động thái đẩy mạnh triển khai các biện pháp kích thích kinh tế như Mỹ triển khai các đạo luật phân bổ ngân sách kỷ lục cho các ngành công nghiệp trọng yếu gồm bán dẫn, năng lượng tái tạo, đất hiếm, triển khai các ưu đãi, trợ cấp nhằm thúc đẩy sản xuất. Chính phủ Anh tuyên bố kế hoạch chi 4,5 tỷ Bảng trong 5 năm từ năm 2025 để tài trợ cho ngành sản xuất và tăng cường đầu tư vào 8 ngành công nghiệp. Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế trị giá hơn 17.000 tỷ Yên (113 tỷ USD), tập trung vào việc cắt giảm thuế thu nhập cá nhân, trợ cấp cho các hộ gia đình, tăng cường nguồn cung hàng hoá, dịch vụ và bảo đảm tăng lương, thành lập quỹ hỗ trợ công ty và các trường đại học…
Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp niêm yết nâng cao hiệu quả hoạt động - cơ sở để tạo đà cho sự đi lên bền vững của thị trường chứng khoán.
Thứ hai: Tài chính toàn cầu dự kiến sẽ được nới lỏng khi lạm phát dần được kiểm soát.
Tháng 11/2023, lạm phát tại Mỹ chỉ còn 3,1% so với mức đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022; lạm phát tại khu vực Eurozone cũng giảm mạnh, chỉ còn 2,4%. Tại Anh, lạm phát tháng 10/2023 là 4,6%, trong khi hồi đầu năm là 10%.
Tính đến tháng 12/2023, Mỹ có lần thứ 3 liên tiếp thông báo giữ nguyên mức lãi suất trong các cuộc họp chính sách định kỳ hàng tháng; ECB cũng đã dừng việc tăng lãi suất vào cuối tháng 10/2023 sau 10 đợt tăng trước đó, đồng thời đưa ra kế hoạch đưa lãi suất mục tiêu về mức 4,6% vào cuối năm 2024, thay vì mức 5,1% trong cuộc họp tháng 11.
Thông điệp từ cuộc họp của Fed gần đây nhất (tháng 12/2023) cho thấy, lãi suất mục tiêu vào cuối năm 2024 là 4,6%, thay vì 5,1% như cuộc họp đầu tháng 11. Điều này có nghĩa, Fed sẽ có thêm 1 - 2 lần cắt giảm lãi suất so với kế hoạch trước đây. Fed cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế, trong đó các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam kỳ vọng được hưởng lợi.
Thứ ba: Dòng vốn đầu tư toàn cầu nhiều khả năng tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng có lợi cho Việt Nam.
Trong đó, các quỹ đầu tư đang rút khỏi EU và Trung Quốc, tăng cường hiện diện tại Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đông Nam Á. Quỹ KKR đánh giá, lợi thế thu hút đầu tư của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thay đổi, chuyển từ chi phí lao động rẻ sang cung cấp dịch vụ công nghiệp chất lượng cao bao gồm logistics, quản lý chất thải và trung tâm dữ liệu.
Thứ năm: Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư mang lại kỳ vọng cao cho các nhà đầu tư.
Tỷ suất thu nhập trên giá của VN-Index mặc dù giảm so với giai đoạn cuối năm 2022, nhưng vẫn cao hơn so với lãi suất tiền gửi bình quân 12 tháng. Dự báo, lợi nhuận thị trường được cải thiện trong giai đoạn cuối năm 2023 và năm 2024, cộng với việc lãi suất có thể giảm thêm 0,3 - 0,5%/năm, lĩnh vực chứng khoán sẽ tiếp tục trở nên hấp dẫn hơn so với kênh tiền gửi.
Thứ sáu: Xu hướng giao dịch tích cực từ các quỹ.
Dòng vốn từ các quỹ chủ động đầu tư vào Việt Nam có diễn biến khả quan trong thời gian qua, tính riêng 10 tháng đầu năm 2023 vào ròng khoảng 3.100 tỷ đồng. Hiện tượng rút ròng xuất hiện từ quý III, nhưng cường độ rút ròng dần thu hẹp, tháng 10 chỉ rút ra 256 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,2% tổng tài sản quỹ. Trong khi đó, một số quỹ từ châu Á ghi nhận vốn vào ròng.
Tỷ trọng phân bổ của các quỹ chủ động đầu tư vào các thị trường đang phát triển có xu hướng cải thiện cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn về dài hạn và có thể phần nào hưởng lợi từ xu hướng rút ròng ra khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, dòng vốn từ các quỹ đầu tư thụ động (như các quỹ ETF) vào thị trường Việt Nam cũng được đánh giá tích cực khi định giá ở một số thị trường khác ở mức cao như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Thứ bảy: Quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán của Chính phủ.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều hoạt động tích cực như cải thiện điều kiện đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, vận hành thị trường, kết hợp chặt chẽ với các tổ chức xếp hạng quốc tế, hướng tới mục tiêu nâng hạng. Ngày 13/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1360/CĐ-TTg chỉ đạo quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận