45 ngày thanh tra thị trường vàng, cần nhập khẩu vàng để liên thông?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thông tin về thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.
Thông tin được phát đi vào chiều tối ngày 17/5, đúng thời hạn như yêu cầu tại Thông báo ngày 16/5 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
45 ngày thanh tra ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng
Cụ thể, NHNN cho biết, căn cứ công văn số 5257-CV/BNCTW ngày 5/2/2024 của Ban Nội chính Trung ương; Căn cứ Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng; Căn cứ Chỉ thị số 14/CT- TTg ngày 20/5/2024 của Thủ tướng chính phủ về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngày 17/5/2024, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh vàng, gồm các nội dung:
Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Nội dung của Quyết định nêu rõ, thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương. Thời gian thanh tra 45 ngày. Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo đúng quy định của Luật thanh tra và các qui định có liên quan.
Cũng theo NHNN, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, NHNN đã triển khai giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung trên thị trường. NHNN thực hiện công bố rộng rãi các thông tin liên quan đến việc đấu thầu, kết quả đấu thầu vàng miếng.
Từ 19/4/2024 đến nay, NHNN đã tổ chức 07 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn). Thông tin này được cũng Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà báo cáo tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa ngày 16/5.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế, trong đó có giải pháp truyền thông phù hợp, tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm;
Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại cùng với Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) đồng hành cùng với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này; kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng, đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hoá đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép; việc này phải được làm cương quyết; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Cần liên thông giá vàng
Đại diện NHNN cũng thông tin ở các phiên có thành viên trúng thầu vàng miếng, Công ty SJC đều mua vào 2.000 lượng mỗi phiên.
Từ phía đại diện Công ty SJC, tại họp báo thường kỳ về kinh tế, xã hội TP HCM chiều 16/5, bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc - cho biết, SJC sẽ tiếp tục tham gia các phiên đấu thầu vàng miếng; trường hợp gặp khó khăn nhất doanh nghiệp sẽ báo cáo cấp thẩm quyền để đảm bảo nguồn cung do vậy người dân cũng nên cân nhắc, lựa chọn thời điểm mua bán để tránh thiệt thòi.
Cũng theo Tổng Giám đốc Công ty SJC, do nguồn cung thị trường không có, nhu cầu lại quá lớn, và là doanh nghiệp kinh doanh vàng nên SJC phải cân đối. "Nhiều doanh nghiệp vàng treo bảng giá mà có thể không bán. Nhưng đối với SJC, doanh nghiệp của TP.HCM, doanh nghiệp nhà nước nên phải buộc có giải pháp, tức là cân đối bán cho mỗi người 1 lượng để có nguồn cung cho thị trường. SJC không bao giờ có chuyện người dân đến mua mà không bán, đến bán mà không mua", bà Hằng nói.
Tổng Giám đốc SJC cũng đề xuất về sửa đổi Nghị định 24, Nhà nước cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh vàng được dập vàng miếng, giúp đa dạng nguồn cung. Khi đó, người dân dựa vào uy tín, thương hiệu doanh nghiệp để lựa chọn mua sản phẩm. Đồng thời, bà đề nghị cho doanh nghiệp được nhập vàng để có nguồn nguyên liệu, giúp tránh tình trạng nhập lậu vàng. Bởi theo bà trước khi Nghị định ra đời chưa bao giờ có tình trạng cầu vượt cung, chênh lệch giá vàng như vậy, do đó Nghị định 24 cần được sửa đổi để phù hợp thực tế.
Liên quan đến các kiến nghị cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng để giảm áp lực từ tình trạng cung thiếu cầu cao, dẫn đến giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới mà không liên thông, tuy nhiên cho đến hiện tại, vẫn có không ít quan điểm khác nhau.
Báo cáo vĩ mô do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng tổ chức Think Future Consultancy mới đây cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách về quản lý thị trường vàng. Theo đó, dẫn chứng về chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nhưng theo các chuyên gia "không hoàn toàn phản ánh cân đối cung - cầu" trong giai đoạn qua, nhóm chuyên gia cho rằng các biện pháp thanh tra, hóa đơn điện tử có thể hiệu quả tức thì, thay vì hy sinh ngoại tệ nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá.
Một chuyên gia dẫn chứng, sau khi Nghị định 24 ban hành, vẫn có những thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn cả giá vàng thế giới. Chẳng hạn như giai đoạn 2016-2019, giá ổn định khi thế giới tăng nhưng trong nước gần như đi ngang, chênh lệch về 0. Thậm chí có giai đoạn đầu tháng 7/2019, giá vàng trong nước còn thấp hơn giá vàng thế giới.
Dù vậy, vị chuyên gia cũng cho rằng về dài hạn, song song với kiểm soát thị trường, liên thông giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế tránh được mối lo tác động bất thường của giá vàng kéo theo giá cả hàng hóa tăng, khiến lạm phát tăng trong thời gian dài, dòng tiền chảy vào vàng và tăng tính đầu cơ, gây bất lợi cho nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận