31% DN xếp Việt Nam vào top 3 quốc gia thu hút đầu tư FDI hàng đầu thế giới
Theo báo cáo từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu tại Việt Nam (EuroCham), trong quý III, Chỉ số Niềm tin Kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đã tăng trở lại, đem tới tia hy vọng cho môi trường kinh doanh của Việt Nam sau một năm đầy biến động.
Theo đó, chỉ số niềm tin trong Quý III/2023 đã tăng lên 45,1 từ mức 43,5 của quý trước. Mặc dù, con số vẫn ở mức dưới 50 điểm trong 4 quý liên tiếp, mức tăng nhỏ này đã cho thấy một dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế.
Báo cáo cho thấy tâm lý kinh doanh dường như đang thay đổi theo hướng tích cực hơn. Trong quý II và quý III, mức độ bi quan về tình hình hiện tại đã giảm 3%, trong khi đó quan điểm tích cực và trung lập tăng lần lượt là 6% và 4%.
Thêm vào đó, khảo sát của quý III cho thấy sự thay đổi về dự báo trong quý tới. So với quý II, số doanh nghiệp kỳ vọng vào sự ổn định và sự tăng trưởng kinh tế trong quý tới đã tăng lên 11%. Đồng thời, những doanh nghiệp dự báo xu hướng tiêu cực đã giảm đi 5%.
Báo cáo từ Eurocham cho rằng mặc dù GDP trong quý III của Việt Nam tăng trưởng đầy hứa hẹn 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng các công ty vẫn tiếp tục thận trọng. Kỳ vọng về doanh thu hoặc đơn đặt hàng tăng ổn định, không có sự thay đổi so với quý trước. Trong khi đó, chỉ 22% có kế hoạch mở rộng đội ngũ trong quý IV và chỉ 16% dự đoán sẽ tăng đầu tư.
Sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ. Có tới 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đáng chú ý hơn nữa, 31% xếp Việt Nam vào top 3, trong đó có 16% doanh nghiệp cho rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu. Để củng cố hơn niềm tin này, hơn một nửa số người được khảo sát dự đoán sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khi năm 2023 gần kết thúc.
Tuy vậy, vẫn còn tồn tại những trở ngại, 59% cho rằng những thủ tục hành chính là thách thức lớn nhất khi hoạt động tại Việt Nam. Những trở ngại khác bao gồm: Tính kém ổn định của hệ thống pháp luật hay các rào cản trong việc cấp thị thực và giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài.
Vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh trong việc thu hút FDI của quốc gia, 58% số người được khảo sát cho rằng việc tinh giản bộ máy cồng kềnh là yếu tố quan trọng nhất, 48% ủng hộ việc tăng cường môi trường pháp lý, 1/3 kêu gọi nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và 22% nhấn mạnh việc nới lỏng các yêu cầu về thị thực và giấy phép lao động cho các chuyên gia nước ngoài.
Cũng theo báo cáo từ Eurocham, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam ngày càng ưu tiên cho các hoạt động phát triển bền vững với 80% cho rằng việc tuân thủ ESG là quan trọng ở mức độ cao hoặc vừa phải.
Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại lớn khi biến các ưu tiên thành hiện thực. Sự không chắc chắn về quy định, lỗ hổng cơ sở hạ tầng và sự hỗ trợ không đầy đủ của Chính phủ được coi là những trở ngại cho việc thực hiện các biện pháp bền vững tại địa phương.
Ngoài ra, chỉ có 20% doanh nghiệp đang chủ động chuẩn bị cho các quy định xanh sắp ra mắt của EU, chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Trong khi đó, 38% hiện chưa có kế hoạch liên kết, sự thiếu chuẩn bị này không chỉ đặt ra những thách thức trong nước mà còn có thể cản trở khả năng cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là tại thị trường quan trọng như thị trường EU.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận