3 nguồn thu để TP.HCM bù vào khoản thiếu vốn đầu tư công 2023
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu 3 nguồn thu để bù vào khoảng trống thiếu vốn đầu tư công trong năm 2023.
Chiều 8/12, kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa X bước vào phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Đại biểu Trần Quang Thắng đặt câu hỏi: Năm 2023, TP.HCM dự kiến cần 71.000 tỷ đồng cho đầu tư công, trong đó vốn địa phương 55.000 tỷ đồng. Vậy từ từ bây giờ cần có giải pháp gì để đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%?
Đại biểu Trần Quang Thắng chất vấn Chủ tịch Phan Văn Mãi.
Trả lời câu hỏi trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM là địa phương tự cân đối nguồn lực. Trung ương giao số tiền, TP.HCM phải tìm đủ số tiền đó để chi. Năm 2023, thành phố thiếu nguồn vốn đầu tư công. Hạn mức Trung ương phân bổ cho TP.HCM là 55.000 tỷ đồng, nhưng sau khi rà soát các nguồn, thành phố chỉ cân đối tối đa 45.000 tỷ đồng, thiếu 10.000 tỷ đồng thì có thể cân nhắc ở một số lĩnh vực, như rà lại đấu giá nhà đất, vay nợ chính quyền địa phương hay tăng nguồn thu từ các nội dung liên quan cơ chế chính sách đặc thù của thành phố.
Theo ông Mãi, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công 2022 chậm là do nhiều nguyên nhân. Đó là khâu chuẩn bị hồ sơ các dự án, nhất là dự án từ nhiệm kỳ trước chuyển sang nên các dự án tới đây sẽ phải chuẩn bị kỹ hồ sơ, từ nay đến hết quý I/2023 sẽ tập trung hoàn thiện.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các đơn vị, sở ngành chưa thông suốt khi giải quyết các vướng mắc. Cùng đó là trách nhiệm của một số chủ đầu tư, địa phương chưa cao. Vì vậy, giải pháp thúc đẩy đầu tư công trong năm 2023 là phải tháo gỡ chính các điểm nghẽn nêu trên.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn các đại biểu. (Ảnh: Thành Nhân).
Thành phố cũng vạch ra ba nguồn để bù vào. Nguồn thu đầu tiên là thành phố sẽ đấu giá nhà đất, giống như đã làm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, ông Mãi lo lắng tình hình thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, tạm thời chưa triển khai để tránh việc bán rẻ tài sản công.
Nguồn thu thứ hai là ở các địa phương và thứ ba là các nguồn thu từ Nghị quyết 54. TP được Quốc hội cho phép kéo dài Nghị quyết 54, do đó sẽ trao đổi với các cơ quan Trung ương, tìm giải pháp huy động thêm nguồn vốn giải ngân.
Ông Mãi nhận định, dù có đủ 55.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho năm 2023, TP.HCM cũng chưa đáp ứng hết nhu cầu vốn của thành phố. Vì vậy, chính quyền thành phố đề ra giải pháp huy động nguồn lực xã hội từ 4 nguồn: tài sản công, ODA, quỹ FDI và doanh nghiệp Nhà nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận