3 năm không 'ăn ngon ngủ yên', Việt Nam làm nên điều hiếm có
Cuối năm 2016, tỷ lệ nợ quốc gia của Việt Nam là khoảng 63,7%. Nhưng đến năm 2019, Bộ Tài chính cho hay dư nợ công đã ở dưới 55% GDP. Năm 2020, dự kiến nợ công giảm còn 54,3% GDP.
Nợ công giảm mạnh
Trong một cuộc trò chuyện với báo chí, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, đã không giấu được sự ngạc nhiên khi điểm qua về tình hình nợ công của Việt Nam. “Không có nước nào như Việt Nam trong vòng 3 năm đã giảm được nợ 10%”, ông Ousmane Dione tỏ ra bất ngờ.
Lý do là cuối năm 2016, tỷ lệ nợ quốc gia của chúng ta khoảng 63,7%. Nhưng đến năm 2019, Bộ Tài chính cho hay dư nợ công đã ở dưới 55% GDP. Năm 2020, dự kiến nợ công giảm còn 54,3% GDP.
So với mức trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, thì nợ công rõ ràng đã giảm áp lực đi rất nhiều.
Đã có lúc, những người nắm tay hòm chìa khóa như Bộ Tài chính không thể “ăn ngon ngủ yên” khi nhìn vào khối nợ công cứ tiến sát trần Quốc hội cho phép là 65% GDP. Ngân sách “căng như dây đàn”, nguy cơ vượt trần hiện hữu. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới cũng không khỏi lo ngại.
Ngày 3/10/2017, trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tổ chức này đã phát đi những cảnh báo nghiêm trọng về nợ công của Việt Nam bởi tốc độ tăng nợ công “vào loại hàng đầu thế giới”.
Lý do là, nợ công của Việt Nam vào năm 2015 chiếm 61% GDP, so với mức 51,7% vào năm 2010, tức là tăng đến 10% trong vòng có 5 năm.
WB cảnh báo nếu tốc độ tăng nợ như thế thì chẳng bao lâu Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng đe dọa sự bền vững của nền tài chính.
Đó cũng là lúc bội chi ngân sách của Việt Nam vẫn lên tới trên 5% GDP, có nghĩa tình hình “chi nhiều hơn thu” rất căng thẳng. Nhiều dự báo cho rằng đỉnh nợ công sẽ xấp xỉ ở mức 65% GDP vào thời điểm 2017-2018, tức mức trần được Quốc hội cho phép.
Tình huống báo động ấy khiến Chính phủ, Bộ Tài chính không thể trì hoãn những công việc mạnh tay. Năm 2017, Chính phủ không thực hiện cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án mới vay vốn nước ngoài. Một số dự án thực hiện trả nợ gốc trước hạn như dự án Thủy điện Sơn La trả gốc trước hạn hơn 1,7 nghìn tỷ đồng, Vinasat 669,4 tỷ đồng và Xi măng Tam Điệp 116,8 tỷ đồng.
Nhờ vậy, dư nợ cuối năm của các dự án được Chính phủ bảo lãnh thấp hơn so với đầu năm và ở mức trên 247 nghìn tỷ đồng, bằng 4,9%GDP. Trong khi đó, năm 2016 dư nợ bảo lãnh của Chính phủ đối với vay nước ngoài cao hơn đáng kể với trên 255 nghìn tỷ đồng, bằng 5,7% GDP.
Năm 2017 đánh dấu lần đầu tiên dư nợ bảo lãnh Chính phủ giảm so với năm trước. Những tín hiệu vui tiếp tục đến trong năm 2018. Báo cáo của Chính phủ cho thấy: Dư nợ Chính phủ bảo lãnh đến cuối năm 2018 đã giảm khoảng 18.550 tỷ đồng so với năm 2017, góp phần giảm nợ công theo chủ trương của Đảng, Quốc hội.
Đó là nỗ lực không thể phủ nhận trong việc kiểm soát nợ công 3 năm gần đây. Bởi trước đó, nợ Chính phủ bảo lãnh giai đoạn 2010-2015 đã tăng lên khủng khiếp. Nhiều khoản nợ không được sử dụng hiệu quả, dồn gánh nặng lên nợ công, đe dọa an toàn tài chính quốc gia.
Nhưng niềm vui chưa trọn
Dù nợ công có xu hướng giảm, nhưng vẫn không thể chủ quan. Chính phủ cũng như các chuyên gia đều nhận thấy rằng, nợ công giảm thời gian qua cũng có nguyên nhân từ việc giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, trong đó có vốn ODA.
Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng đã thẳng thắn đánh giá: Xu hướng giảm nợ công một phần phản ánh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn nước ngoài, rất chậm. Việc này một mặt hạn chế đóng góp cho tăng trưởng từ nguồn vốn vay, mặt khác ngân sách vẫn phải chịu chi phí cam kết đối với các khoản vay đã ký kết và chưa giải ngân.
Ông Ousmane Dione, sau phút bất ngờ về nợ công giảm, cũng nhận xét luôn rằng mức giảm này có được chủ yếu là từ giảm đầu tư công. Vị Giám đốc WB lo ngại “không có đầu tư thì sẽ làm giảm khả năng phát triển của đất nước trong tương lai”.
Mặt khác, áp lực trả nợ đang ngày càng lớn lên. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2019 ước khoảng 19,5-20,5%, cao hơn khá nhiều so với mức 15,9% cuối năm 2018.
Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 23%, tiến gần ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020. Việc thu xếp nguồn tiền để trả nợ là điều không thể xem nhẹ, nhất là khi nhiều năm nay, chúng ta vẫn phải vay nợ mới để trả nợ cũ.
Bên cạnh đó, lãi suất danh mục nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng (từ mức 8,8% dư nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2015 lên mức 11,4% năm 2019). Dự báo điều kiện thị trường vốn quốc tế sẽ thắt chặt hơn trong thời gian tới, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ khả năng cũng sẽ tăng lên tương ứng.
Đến nay, Việt Nam đã thành nước thu nhập trung bình, thoát ra khỏi đói nghèo. Đó là thành tựu của 30 năm đổi mới. Nhưng thách thức là Việt Nam cũng không còn được vay ưu đãi với lãi suất thấp, ngược lại sẽ phải vay thương mại với lãi suất cao hơn đáng kể. Tất cả những điều đó làm cho nợ công của Việt Nam tuy giảm nhưng chưa bền vững. Niềm vui sẽ không trọn vẹn nếu việc nợ công giảm phải đánh đổi bằng cạn nguồn tăng trưởng trong tương lai, giống như lo ngại của vị Giám đốc WB tại Việt Nam đã đề cập.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận