2023 trở thành năm nhiều cuộc chia ly nhất trong lịch sử bất động sản Việt Nam
Năm qua, thị trường bất động sản khó khăn kéo theo hàng nghìn môi giới bị cắt giảm, dẫn đến mất việc hoặc bỏ nghề, chỉ còn khoảng 20% trong số đó tiếp tục “bám trụ”.
Phải làm thêm để duy trì cuộc sống
Đó là thống kê trong báo cáo toàn cảnh thị trường năm 2023 của Viện nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam được nêu ra tại Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024 – VREF 2024 với chủ đề "Vượt qua thách thức".
So với năm 2022, có thêm 4.7 ngàn doanh nghiệp đăng ký mới, giảm 45%; gần 1.3 ngàn doanh nghiệp giải thể, tăng 7.7% nhưng vẫn có hơn 2.2 ngàn doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 9%.
Năm 2023 trở thành năm ghi nhận nhiều cuộc chia ly nhất trong lịch sử bất động sản Việt Nam khiến hàng nghìn môi giới mất việc, bỏ nghề. Phần lớn môi giới còn đang hoạt động phải làm thêm để duy trì cuộc sống.
Tính đến cuối năm 2023, chỉ còn khoảng 20% môi giới đang còn hoạt động làm quý 4 thiếu hụt lực lượng môi giới bất động sản.
Giai đoạn cuối năm, thị trường đang diễn ra chạy đua trong việc tuyển dụng nhân sự do các sàn tập trung vào sản phẩm cốt lõi nhằm duy trì doanh nghiệp. Trong khi đó, các đơn vị chủ đầu tư đưa ra các chính sách hấp dẫn để thu hút các sàn, đơn vị phân phối qua việc hỗ trợ marketing hoặc tăng các khoản thưởng nóng.
Các giải pháp tác động trực diện chiếm tỷ trọng thấp
Đánh giá công tác điều hành năm 2023, có khoảng 22 động thái phát đi từ phía Chính phủ với nỗ lực nhằm sớm khôi phục thị trường bất động sản Việt Nam.
Trong đó, Nghị định 08 được coi là chiếc phao cứu trợ có tác động mạnh mẽ nhất, trực diện nhất, giúp ngăn ngừa một lượng lớn sự đổ vỡ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nghị quyết 33 được coi là kim chỉ nam, định hướng toàn bộ các hoạt động hỗ trợ thị trường. Việc thông qua hai trong ba bộ luật quan trọng nhất đối với thị trường bất động sản là Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cũng là tiền đề để giúp thị trường có thể nhanh chóng phục hồi.
Tuy nhiên do phải chờ Luật Đất đai được thông qua cũng như dự kiến phải đến 01/01/2025 các luật này mới hiệu lực đồng bộ, vì thế việc tác động tích cực đến thị trường cũng cần có thời gian chờ nhất định.
Trong số tất cả các cơ chế, chính sách mà Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành vẫn chủ yếu liên quan đến tác động tinh thần, các giải pháp có tác động trực diện chiếm tỷ trọng rất ít, chỉ khoảng 10%.
Và các giải pháp được đưa ra từ phía ngân hàng được cho là khá an toàn, khi lãi suất có xu hướng giảm nhưng theo khảo sát thì khả năng các doanh nghiệp, chủ đầu tư tiếp cận được các khoản vay là khá khó khăn.
Mua lại trái phiếu vẫn tích cực
Lũy kế đến 25/12/2023, có 78 doanh nghiệp phát hành thành công, với tổng khối lượng trái phiếu gần 246 ngàn tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng giá trị phát hành trước khi có Nghị định 08 đạt 2 ngàn tỷ đồng, sau đó giá trị ngày càng tăng theo các tháng. Tích cực là việc đàm phán gia hạn trái phiếu tăng từ 15% từ tháng 2 lên 63% vào tháng 10.
Trái phiếu được mua lại đạt 230 ngàn tỷ đồng, tăng 5.8% so với cùng kỳ, trong đó 49% là trái phiếu ngân hàng, 14% thuộc về bất động sản và 13% là của xây dựng.
Theo thống kê, kết quả giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 đạt khoảng 625 ngàn tỷ đồng, thực hiện 85.3% so với kế hoạch và tăng 21.2% so với năm 2022 là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong năm 2024.
Về lãi suất vay mua nhà năm 2023, dưới sự tác động và quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần liên tục giảm lãi suất giúp cho thị trường bất động sản có cơ hội phục hồi.
Dù vậy, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp và cá nhân vẫn đang rất khó khăn bởi các điều kiện siết chặt của các ngân hàng, đồng thời lãi suất vẫn còn đang cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận