Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
5 năm qua có hơn 2 triệu người kê khai tài sản, thu nhập. Cơ quan chức năng xác minh đối với hơn 37.000 người, qua đó xử lý kỷ luật 147 cá nhân có vi phạm.
Ngày 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng.
Báo cáo cho thấy, giai đoạn 2020 - 2024 có hơn 2 triệu người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; trong đó cơ quan chức năng xác minh hơn 37.000 người, có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
5 năm qua cũng có hơn 2.900 cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý do vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Có 45 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng số tiền hơn 739 triệu đồng.
Đặc biệt là có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực. Điểm nhấn là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đột phá.
Ông Phong đề cập đến một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, được Ban Chỉ đạo T.Ư, Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao. Điển hình như vụ Vạn Thịnh Phát, AIC, FLC, Phúc Sơn, Thuận An…
Các vụ án thể hiện rõ quan điểm "quyết tâm chính trị rất cao, hành động mạnh mẽ, có tính đột phá và không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Bên cạnh kết quả đạt được, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn tồn tại, hạn chế.
Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. "Điểm này đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, cần phải tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, bởi đây là điểm nghẽn của điểm nghẽn", ông Phong nói.
Cạnh đó, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Cải cách hành chính chuyển biến chưa mạnh mẽ, thủ tục hành chính còn rườm rà. Tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, cần tinh gọn tổ theo chỉ đạo của T.Ư.
Vẫn theo người đứng đầu Thanh tra Chính phủ, luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành có một số quy định chưa phù hợp. Ví dụ như quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát tài sản, thu nhập, nhất là các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập…
Ông Phong cho rằng, cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, cũng như các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội. Việc này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đảm bảo chặt chẽ, không để sơ hở, thiếu sót, không để các đối tượng lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Trước mắt, khi chưa sửa được luật thì tiếp tục thực hiện nghiêm luật Phòng, chống tham nhũng. Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường