2 kiến nghị quan trọng về siêu dự án 67,3 tỷ USD mà Tập đoàn hàng đầu Việt Nam gửi tới Thủ tướng
Tập đoàn này bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Đèo Cả muốn được thử sức tham gia đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Mới đây, Tập đoàn Đèo Cả đã có văn bản 1316/2024/DCG gửi tới Thủ tướng Chính phủ trình bày nội dung về một số vướng mắc và giải pháp liên quan tới những dự án giao thông trọng điểm. Trong đó có mong muốn được tạo điều kiện tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tập đoàn này đã nêu một số đề xuất nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước sớm làm chủ trong việc đầu tư, sản xuất, thi công các công trình đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao (đường sắt tốc độ cao, metro, giao thông thông minh, thành phố thông minh...).
Cụ thể, cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường tổ chức các khóa tham quan, học tập, nghiên cứu mô hình của doanh nghiệp và các trường đào tạo nước ngoài đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự.
Ngoài ra, Bộ GTVT cần nâng cao trách nhiệm để chủ động xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Tập đoàn Đèo Cả là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam với quy mô hơn 8.000 lao động. Ảnh: Đèo Cả Group
Trong gần 1 thập kỷ, Đèo Cả đã xây dựng hơn 30km hầm đường bộ, 410km đường cao tốc & quốc lộ, 6 cây cầu lớn và tổ chức quản lý 18 trạm thu phí trên cả nước, với tổng mức đầu tư lên trên 100.000 tỷ đồng. Ảnh: Đèo Cả Group
Đối với các dự án có quy mô lớn, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực quản trị, đã có những sản phẩm cụ thể tổ chức dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác và ưu tiên đối với các doanh nghiệp địa phương nơi có dự án đi qua.
Liên quan tới Dự án đường sắt cao tôc Bắc - Nam, đây là một dự án có quy mô rất lớn và cần nhiều đơn vị có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm. Trong thời gian qua, nhiều đơn vị thi công các gói thầu lớn thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, đang quyết tâm hoàn thành 12 dự án thành phần vào cuối năm 2025.
Sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp sẽ tồn đọng. Do đó, Chính phủ cần phải có cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp tục tham gia Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị việc tổ chức thực hiện cần tách thành hai hợp phần:
Hợp phần 1 bao gồm các hạng mục cầu, đường, hầm cần giao cho doanh nghiệp trong nước thực hiện tương tự các dự án đường bộ cao tốc vừa qua.
Hợp phần 2 bao gồm phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu,… giao cho Doanh nghiệp trong nước liên danh với Doanh nghiệp nước ngoài.
Trước đó, ngày 3/10, tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệp của doanh nghiệp lớn nước ngoài về triển khai các công trình quy mô lớn; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành liên quan tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả tại buổi làm việc với Thường trực Chính Phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến sẽ kéo dài khoảng 1.545 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tuyến đường đôi, có khổ ray 1.435 mm và tốc độ tối đa lên đến 350 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 67,3 tỷ USD).
Cơ hội của Doanh nghiệp Việt với dự án đường sắt tốc độ cao
Tại buổi gặp mặt trao đổi, cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam của Bộ GTVT ngày 1/10, khi được hỏi về khả năng tham gia dự án của các doanh nghiệp trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh: "Phải khẳng định rằng không phải chúng ta không có gì mà chúng ta đã có đội ngũ có thể làm tất cả về kết cấu hạ tầng. Điển hình như cầu dây văng Mỹ Thuận 2, đã có thể thực hiện 100% từ thiết kế đến thi công. Làm hầm chúng ta có những doanh nghiệp hàng đầu như Sơn Hải, Sông Đà 10, Đèo Cả đã tự chủ toàn phần.
Về đoàn tàu, chúng ta đã nâng cấp toàn bộ các toa xe cũ thành các toa xe chất lượng cao, chạy tàu SE21/SE22 giữa TP.HCM - Đà Nẵng, rất đông khách du lịch, thường xuyên cháy vé. Chúng ta có 2 cơ sở công nghiệp đường sắt như nhà máy Xe lửa Dĩ An, nhà máy Xe lửa Gia Lâm phát triển từ thời Pháp, nay có đầy đủ máy móc, thiết bị, bao gồm các móc thiết bị hiện đại như máy cắt CNC".
Trước câu hỏi: "Đầu tư, vận hành khai thác dự án đường sắt tốc độ cao, cơ chế đặc thù nào sẽ được nghiên cứu để khuyến khích DN trong nước tham gia?", ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, chuyên gia Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án cho hay:
"Cầu về đường sắt sẽ do Nhà nước đặt ra bởi “cầu” từ xã hội không nhiều. Khi có “cầu” cao sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư phát triển công nghệ để sản xuất toa xe đường sắt tốc độ cao và lúc này cần phải tập trung đầu mối để sản xuất, có thể theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước".
Trước đó, ngày 21/9, khi phát biểu kết luận Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Thủ tướng đã nhấn mạnh việc Chính phủ cảm ơn các doanh nghiệp đã đề xuất giao các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận