10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm bất động sản bị bán tháo
NVL và PDR đều giảm trên 30% chỉ sau một tuần giao dịch và nhiều phiên rơi vào trạng thái đóng băng thanh khoản với lượng dư bán sàn rất lớn.
Thanh khoản thị trường tương đương với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 11.815 tỷ đồng/phiên, tăng 0,82%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 6,2% xuống mức 9.721 tỷ đồng.
Thị trường giảm điểm trong tuần qua khiến cho gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường đều điều chỉnh. Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong top 30 vốn hóa có đến 20 mã giảm trong khi chỉ có 8 mã tăng giá. NVL của Novaland (HoSE: NVL) giảm mạnh nhất nhóm này với hơn 30%, NVL cũng đứng thứ 2 trong danh sách 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE. Chuỗi giảm sàn liên tiếp của cổ phiếu này đã lên con số 7 đáng chú ý nhiều phiên NVL giảm với lượng dư bán giá sàn khối lượng rất lớn. Theo giải trình của đơn vị này, giá cổ phiếu NVL giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, ông Bùi Cao Nhật Quân - con trai ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT cũng vừa thông báo mua thành công 2 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 14/10 đến 3/11 để nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 83 triệu đơn vị, tương đương 4,269% vốn. Mới đây, Novaland cũng hủy ngày đăng ký cuối cùng 14/11 để thực hiện quyền phát hành 482 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần do phương án phát hành không còn phù hợp với tình hình hiện tại của công ty.
Tiếp sau đó, cổ phiếu HPG của Hòa Phát (HoSE: HPG) tiếp tục giảm đến hơn 16% chỉ sau một tuần giao dịch. Mới đây, Hòa Phát có thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương kể từ tháng 11/2022. Theo văn bản, ngoài việc dừng 4 lò trên, trong tháng 12 tới Hòa Phát sẽ dừng sản xuất 1 lò cao nữa tại Dung Quất. Từ đây đến cuối năm, Hòa Phát Dung Quất sẽ có 3 lò cao dừng hoạt động. Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn được tiếp tục duy trì - động thái này được Hòa Phát nhận định là để "mang tính sống còn của doanh nghiệp" trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.
Ở chiều ngược lại, BID của BIDV (HoSE: BID) tăng mạnh nhất trong top 30 vốn hóa với 8%. Một "ông lớn" khác trong ngành ngân hàng là VCB của Vietcombank (HoSE: VCB) cũng tăng hơn 5% bất chấp thị trường chung biến động tiêu cực.
Giảm giá
Tuần giao dịch từ 7-11/11 là thời điểm tiêu cực đối với nhóm cổ phiếu bất động sản. Bên cạnh NVL, một cổ phiếu lớn trong ngành là PDR của BĐS Phát Đạt (HoSE: PDR) cũng giảm đến hơn 30% chỉ sau một tuần giao dịch. Nhìn xa hơn, PDR đã có đến 6 phiên giảm sàn liên tiếp. Theo giải trình được đưa ra, Bất động sản Phát Đạt cho biết, giá cổ phiếu giảm là do cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư, điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. "Cổ phiếu PDR được niêm yết và giao dịch minh bạch trên HoSE, giá mua bán cổ phiếu chịu ảnh hưởng bởi tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như các tác động chính sách điều hành vĩ mô liên quan đến ngành hàng doanh nghiệp chúng tôi đang kinh doanh", văn bản giải trình của Phát Đạt nêu. Doanh nghiệp này cũng khẳng định công ty vẫn hoạt động bình thường, hiệu quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 vẫn đang tăng trưởng tốt, hoàn toàn không có biến động gì xấu làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) vừa thông báo bán giải chấp hơn 1 triệu cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 10/11 đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định của YSVN. Trước đó, vào ngày 7/11, CTCK Tân Việt (TVSI) đã thông báo về việc bán giải chấp 750.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Đạt. Cùng ngày, TVSI cũng “call margin” 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings.
Ngay sau đó, Bất động sản Phát Đạt có văn bản thông báo bổ sung tài sản đảm bảo. Động thái này diễn ra trong bối cảnh thị giá PDR giảm sâu, chung với áp lực bán giải chấp toàn thị trường. Tài sản đảm bảo bổ sung đợt này của PDR gồm quyền sở hữu tài sản (bao gồm toàn bộ cổ phần và quyền sử dụng đất) tại dự án Khu du lịch Bến Thành – Long Hải (dự án Tropicana, Bà Rịa Vũng Tàu) với diện tích 126.336,5m2 do CTCP Bến Thành Long Hải làm chủ đầu tư.
DIG của DIG Corp (HoSE: DIG) cũng giảm gần 30%. Giải trình về nguyên nhân cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp, DIG cho biết việc cổ phiếu giảm trong những phiên gần đây đều do tác động tiêu cực của yếu tỗ vĩ mô và niềm tin nhà đầu tư suy giảm. Đồng thời, công ty khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường. Thời gian qua, một loạt lãnh đạo của DIC Corp bị các công ty chứng khoán bán giải chấp - call margin.
Tại sàn HNX, cổ phiếu TC6 của Than Cọc Sáu (HNX: TC6) giảm mạnh nhất với 30%. Tuy nhiên, khá nhiều cổ phiếu bất động sản và xây dựng tiếp tục gây sự chú ý với nhà đầu tư khi đồng loạt giảm giá. L14 của Licogi 14 (HNX: L14) cũng giảm đến 29,9%. Tương tự, TIG của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (HNX: TIG) cũng giảm 27,8%.
Ở sàn UPCoM, cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc về IDP của Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) với 45,6%. Tuy nhiên, IDP nằm trong diện cổ phiếu có thanh khoản rất thấp. Tương tự, các mã còn lại trong danh sách giảm giá mạnh sàn UPCoM cũng đều có thanh khoản thấp.
Tăng giá
Tại sàn HoSE, cổ phiếu SVI của Bao bì Biên Hòa (HoSE: SVI) tăng giá mạnh nhất với hơn 23%. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này chỉ là 500 đơn vị/phiên.
POW của PV Power (HoSE: POW) gây chú ý khi tăng hơn 8% trong tuần vừa qua. Ngày 2/11/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh đã chính thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty Cổ phần Điện khí LNG Quảng Ninh, gọi tắt là QN LNG Power. QN LNG Power, do liên danh nhà thầu gồm PV Power, Công ty Cổ phần COLAVI, Marubeni Corporation và Công ty TNHH Tokyo Gas hợp tác đầu tư, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được khởi động từ cuối tháng 10/2021. Đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, có công suất lên tới 1.500MW, kinh phí đầu tư trên 47.000 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là BST của Sách và Thiết bị Bình Thuận (HNX: BST) với 27,7%. Dù vậy khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này chỉ là 480 đơn vị/phiên. Toàn bộ các cổ phiếu khác trong danh sách tăng giá mạnh sàn HNX cũng có thanh khoản thấp.
Tại sàn UPCoM, toàn bộ các cổ phiếu tăng mạnh cũng đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. VHF của Chế biến lương thực Vĩnh Hà (UPCoM: VHF) tăng mạnh nhất với gần 58%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận